Theo Bauxite Việt Nam
Sơn Hà
TT - Sau những ngày chủ trì Hội nghị APEC ở Hawaii, mở đầu hành trình chín ngày của mình trong khu vực đang tăng trưởng châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến Úc và Indonesia.
Đón nhận 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên của APEC, ông Obama đã có thể mạnh mẽ khẳng định nước Mỹ đang “thả neo” ở một khu vực được tin rằng sẽ là trung tâm mới của thế giới. Tại Hawaii, ông Obama - sinh ra ở Hawaii và lớn lên một thời gian ở Indonesia - tuyên bố: “Nước Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và rõ ràng nước Mỹ hiện đang ở đây”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một xã luận kêu gọi nhìn “Về phương Đông” trước đó cũng đã viết: “Trong mười năm tới, chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi liệu nguồn năng lượng của chúng ta sẽ được đầu tư vào đâu nếu như chúng ta muốn đứng ở vị trí tốt nhất để duy trì sự lãnh đạo của mình”.
Bầu không khí u ám của hội nghị G-20 trước đó đã cho thấy một châu Âu đang gặp nạn mà nước Mỹ vốn cũng đang khủng hoảng đã không thể đưa tay cứu giúp. Do vậy, việc hình thành một sự hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khu vực tự do thương mại rộng lớn, chiếm 1/3 GDP toàn cầu (so với 1/4 của châu Âu), giữa Mỹ và tám nền kinh tế thành viên khác của APEC đã mở ra những viễn cảnh hấp dẫn. Trong giai đoạn đầu, với thỏa thuận khung đã đạt được, TPP sẽ bao gồm Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Bất ngờ tại APEC là Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới, đã tuyên bố tham gia TPP bất chấp sự phản đối của nông dân nước mình. Với 10 nền kinh tế tham gia TPP cùng 500 triệu người tiêu dùng, ông Obama hi vọng Mỹ sẽ có thể tăng cường xuất khẩu, tạo thêm việc làm. Bloomberg dẫn lời một số nhà quan sát nhận định TPP sẽ giúp Mỹ giành lại ảnh hưởng kinh tế đã mất vào tay Trung Quốc ở một khu vực có nhiều tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại thế giới.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã cho rằng với TPP, Mỹ đang muốn cô lập Trung Quốc. Trên thực tế Trung Quốc khó có khả năng gia nhập TPP. Bởi nếu vào TPP, Bắc Kinh sẽ phải giảm thuế, ngừng trợ cấp các doanh nghiệp trong nước, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư... Đây là những điều kiện Bắc Kinh không thể đáp ứng. Mỹ và các nước đã cho thấy họ sẵn sàng thúc đẩy TPP mà không có Trung Quốc. “TPP đâu phải là chuyện mời vào - Mike Froman, cố vấn của ông Obama, nói - Dù cho đó là Trung Quốc hay một nước nào khác, chính họ phải xác định xem mình có sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn đòi hỏi khi tham gia hay không”.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Obama đã không ngần ngại dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất để chỉ trích chính sách thương mại và ngoại hối của Trung Quốc. “Đã quá đủ rồi - Reuters dẫn lời ông Obama - Chúng tôi muốn Trung Quốc tuân thủ luật chơi như mọi người”. Ông Obama cho rằng Trung Quốc hiện đã là một nền kinh tế “trưởng thành” và cần hành xử như vậy. Mỹ yêu cầu Trung Quốc cần tăng giá đồng nhân dân tệ nhanh hơn nữa. Ông Obama không giấu “nỗi bức xúc” khi cho rằng Bắc Kinh kìm giá đồng nhân dân tệ quá thấp, làm tổn thương các công ty Mỹ và thị trường việc làm của Mỹ. “Nếu các quy định bị xâm phạm, chúng tôi sẽ hành động” - ông Obama đe dọa.
Về khía cạnh quân sự của hành trình Thái Bình Dương của mình, ngày 17-11 ông Obama sẽ đến Úc để công bố việc thành lập một căn cứ quân sự của Mỹ. Báo Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng cho biết việc này sẽ cho phép hải quân Mỹ tăng cường hoạt động ở khu vực bên ngoài bờ biển Úc và dễ dàng tiếp cận với các cơ sở quân sự Úc. Với sự hiện diện tại Úc, quân đội Mỹ, hiện đang tập trung ở Nhật và Hàn Quốc, sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng ra phía tây và phía nam khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực biển Đông..
Giáo sư người Úc Geoffrey Garrett nhận định trong khi đối thoại với Trung Quốc, Mỹ đang muốn tăng cường các liên minh kinh tế và quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc và đưa đối tác - đối thủ này vào việc tuân thủ các luật chơi.
S. H.
No comments:
Post a Comment