Các đợt biểu tình của nhân sĩ trí thức tại Hà Nội và TP HCM đã chấm dứt, nhưng chắc chắn sẽ dấy lên những làn sóng “biểu tình” khác trên cộng đồng mạng sau bài phát biểu “chọc giận” của ông nghị Hoàng Hữu Phước, một bài phát biểu như động thái… ném lựu đạn về phía nhân dân!
Khởi phát từ những xung đột phức tạp và tai tiếng qua các đợt biểu tình dai dẳng của nhân sĩ trí thức Hà Nội và TP HCM, nhu cầu về một bộ luật biểu tình đã chính thức đánh động quốc hội. Một số đại biểu đã đề xuất đưa luật biểu tình vào chương trình dự án luật cần lưu tâm trong dự trình soạn luật của quốc hội kỳ này.
Tuy nhiên, câu chuyện “luật biểu tình” đã vấp đụng đòn ngáng từ một số đại biểu quốc hội. Phản đối quyết liệt và gay gắt nhất là đại biểu Hoàng Hữu Phước, một doanh nhân đại gia điển hình trong đội ngũ doanh gia đông đảo đang chiếm ghế quốc hội. Với tình tình “thời tiết” quốc hội như thế, tôi tin khó có thể nhìn thấy một dự luật biểu tình trong thời điểm này, nhiệm kỳ này. Có lẽ sẽ đành phải chờ trông trong một tương lai… rất xa!
Ông Phước nói đúng chứ không sai “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ…”. Chẳng ai rỗi hơi đi tụ tập để biểu tình ủng hộ, hoan hô chính phủ, trừ khi đó là những kiểu thức tập hợp mít tinh như thưở nhà trường bắt học sinh ra đường vẫy cờ hô khẩu hiệu: “O du kích nhỏ tài thay. Bắn tàu bay Mỹ rớt ngay cửa mình/ Cửa mình! Cửa mình! Cửa mình!”.
Chính phủ lập ra và sống nhờ tiền thuế dân nuôi, nhiệm vụ phải làm đúng, phải “của dân do dân vì dân” là lẽ đương nhiên. Đó là nhiệm vụ dân giao, không cần phải ủng hộ, mít tinh biểu tình hoan hô. Biểu tình chỉ cần thiết khi thực sự thấy điều gì đó không bằng lòng với chính phủ. Đó là quyền bày tỏ của người dân. Và sự bày tỏ này giúp chính phủ biết được điều gì dân không bằng lòng, điều gì họ phản đối để từ đó khắc phục chỉnh sửa. Nhìn ở nghĩa này, biểu tình chính là thước đo độ hài lòng của dân chúng, hay nói văn hoa hình tượng là “lòng dân”. Cứ lầm lũi… tiến tới theo kiểu không cần biết “lòng dân” đang ủng hộ cái gì, phản đối cái gì thì chính phủ đó sẽ lao tới đâu? Một chính phủ dân chủ, tiến bộ phải là chính phủ biết nhìn ra cái nghĩa tích cực này từ các cuộc biểu tình của dân chúng.
Nhu cầu, hay cách nói theo luật là “quyền biều tình” là một đòi hỏi thực tiễn, thậm chí là bức xúc trong giai đoạn hiện nay, và nói như ông Dương Trung Quốc đó là một “chuẩn mực của thế giới về quyền tự do”. Vì thế, Việt Nam không thể không có, nói không với luật biểu tình chẳng khác nào biến chúng ta thành “một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay” (Dương Trung Quốc).
Thực tế “phơi” rõ từ ngay những cuộc biểu tình vừa qua. Nếu có được một khung định rõ ràng, tôi tin các cuộc biểu tình sẽ ôn hòa và… trật tự hơn, tránh được sự lộn xộn về cả hai phía. Nhà nước cũng đỡ lúng túng trong việc xử lý những hành vi biểu tình quá đà, vượt “khung”.
Vì thế, không thể nói không cần luật biểu tình và biểu tình không cần luật. Càng không thể nhân danh nhân dân để phản bác dự luật này. Nhân danh nhân dân để nói rằng “nếu lấy ý kiến dân thì đa số sẽ không ủng hộ” thì đó là cách nói hồ đồ của một anh trọc phú ít học, chứ không phải là của một đại biểu quốc hội, đại diện cho tiếng nói, cho quyền lợi và quyền lực nhân dân. Nói như vậy, chẳng khác gì anh đang ném lựu đạn về phía… nhân dân!
Theo link dẫn từ bạn đọc, tôi có vào đọc xem những bài biết và phát biểu các loại của ông Hoàng Hữu Phước, thật sự thấy ê chề. Những bài viết bốc thơm và tự bốc thơm đến hợm hĩnh, hoang tưởng nhưng chưa sạch lỗi chính tả của một ngài “thạc sĩ quốc tế”.
Đúng như ông Nguyễn Trần Bạt đã tỏ ra lo ngại ngay từ khi công bố danh sách đại biểu quốc hội khóa này, một kỳ quốc hội lắm đại gia: “Thương nhân có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống kinh tế, nhưng tham gia vào bộ máy chính trị thì họ không phải là những người làm chính trị chuyên nghiệp”.
Nghị sĩ loại này mà không ném lựu đạn về phía nhân dân mới là chuyện lạ. Những ông nghị bà nghị doanh gia mà tôi đã từng nhận xét là chỉ tổ ngồi chật quốc hội. Không hung hăng ném lựu đạn thì cũng chỉ phường chèo diễn hề mua vui như nụ cười “sặc nước bọt” của bà nghị doanh gia Đặng Thị Hoàng Yến. (có dịp tôi sẽ dành hẳn một bài nhìn lại đội ngũ nghị sĩ doanh nhân này).
Điều cuối tôi muốn nói là động thái chủ động yêu cầu Bộ Công an soạn luật biểu tình trình quốc hội từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi bất ngờ ở động thái này hơn cả động thái “ném lựu đạn” của ông Phước. Nên lý giải thế nào, và vì sao biết rõ đấy là yêu cầu từ Thủ tướng nhưng ông Phước vẫn dám “ném lựu đạn”?
No comments:
Post a Comment