Theo Diễn Đàn Thế Kỷ
Nguyễn Hoài Vân
Cuộc bầu cử tại Tunisia tuần rồi đã đưa đảng Hồi Giáo Ennhada lên bực thang quyền hành. Những người đã chết để lật đổ chế độ Ben Ali, đã gian khổ đấu tranh, và đã thành công, với sự giúp đỡ của Twitter và Facebook, không phải là những người Hồi Giáo ấy. Dân chúng thành phố Sidi Bouzid, cái nôi của cuộc cách mạng Tunisia, đã nổi dậy phát biểu sự phẫn nộ của họ khi được biết kết quả bầu cử.
Tại Ai Cập, sự cai trị của quân đội là bờ đê mong manh trước làn sóng thần dũng mãnh của phong trào “Huynh Đệ Hồi Giáo”. Trong khi đó, một lãnh tụ cách mạng Lybia hăm hở tuyên bố (một cách hơi vội vàng) rằng luật cổ truyền Charia của Đạo Hồi sẽ là pháp lý của nước này! Bóng đen của các giáo sĩ cũng phủ trên bầu trời Yemen, Irak, Afghanistan, Palestine...
Lịch sử cho thấy những nền dân chủ luôn phải đối đầu với nguy cơ suy thoái hay viễn tượng đưa đến độc tài. Athena đã tàn lụi, Roma đẻ ra một chính thể độc tài rất tệ hại trước khi cũng bị nhận chìm trong dòng lịch sử. Lý tưởng dân chủ của cách mạng Pháp dẫn đến giai đoạn Kinh Hoàng trước khi nhường quyền lại cho đế quốc Napoleon. Những chủ trương cao quý của cách mạng vô sản Nga đưa đến địa ngục Staline, trước khi từ từ lún sâu vào độc tài Tư Bản man rợ, với cặp bài trùng Poutine - Medvedev. Các nền dân chủ Đức, Ý, Pháp, đã đặt lên đỉnh cao quyền hành những Hitler, Mussolini, và đám tay sai của họ ... Nguyên do của viễn tượng này đã được Platon bàn đến trong sách Cộng Hòa (Republique), quyển 8. Theo triết gia này thì tương lai của một chế độ dân chủ chính là tình trạng hỗn loạn. Từ hỗn loạn sẽ nảy sinh ra một nhân vật được coi như cứu tinh của xã hội, che chở và bảo vệ người dân, trước khi trở thành nhà độc tài sắt máu.
Thế giới biến chuyển quá nhanh, vượt quá khả năng thích nghi của những con người đầy hoang mang. Họ sợ hãi trước tương lai, bất mãn với hiện tại, và chỉ còn có cách quay về quá khứ, bám víu lấy những giá trị truyền thống, dân tộc hay tôn giáo, một cách quá khích. Sự hỗn loạn của một nền dân chủ phôi thai cũng là một lý do hoảng sợ. Vì thế, khi được phát biểu nguyện vọng của mình qua bầu cử, phần lớn các dân tộc thoát khỏi độc tài đều có khuynh hướng chọn lựa một chính quyền bảo thủ, nặng tinh thần dân tộc và tôn giáo chủ nghĩa. Tại Trung Đông, đó là các phong trào Hồi Giáo cực đoan. Một “chi tiết” quan trọng cần được quan tâm là chưa bao giờ có một cuộc bầu cử nào lật ngược nổi thế ưu thắng của một chế độ Hồi Giáo. Một nhận xét khác cũng cần chú ý là các nước Trung Đông vừa lật đổ độc tài đều là những nước vốn thuộc khuynh hướng Xã Hội. Nga và các nước Đông Âu thì ... khỏi nói !
Việt Nam và Trung Quốc cũng là những nước Xã Hội với khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa rất đậm nét. Nếu các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan thắng thế ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, thì một cuộc đụng độ giữa hai “đại ngã dân tộc” sẽ khó tránh khỏi. Nó sẽ đưa đến nhiều đổ vỡ, hoang tàn, và có thể sẽ cuốn trôi những chế độ hiện cầm quyền, với một giai đoạn hỗn loạn nội bộ sau đó. Như các Đế Quốc Nga, Đức, Áo - Hung, và Ottoman sau đệ nhất thế chiến.
Điều có thể ngăn ngừa chuyện ấy là khuynh hướng duy lợi. Khi dân làm ăn ảnh hưởng được lên các chính quyền, thì họ thường thiên về việc tìm kiếm thỏa hiệp dể duy trì một sự ổn định nào đó, cho công việc kinh doanh được tiến hành thuận lợi.
Không phải những lời cầu nguyện của Giáo Hoàng hay Dalai Lama đã đem lại cho nhân loại những thập niên dài tương đối hòa bình vừa qua. Chính Tư Bản Chủ Nghĩa và óc duy lợi của các nhà kinh doanh đã cho chúng ta những năm tháng an bình ấy !
Nguyễn Hoài Vân
No comments:
Post a Comment