Theo Blog Tưởng Năng Tiến
Có lần, tôi nghe ông Phùng Quán thở ra:
Có nơi nào trên trái đất này,
Mật độ đắng cay như ở đây?
Thì quả là đúng vậy nhưng chỉ nói vậy thôi (e) không hết lẽ. Tưởng cũng nên thêm đôi dòng … bồi dưỡng:
Có nơi nào trên trái đất này
Huy chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng nhiều như ở đây?
Rẻ ra thì cũng được danh hiệu gia đình cách mạng, gia đình chính sách hay (giá chót) cũng cỡ gia đình văn hoá. Chỉ có điều đáng phàn nàn là giá trị của sự khen/thưởng ở Việt Nam thường rất tượng trưng, và cũng rất mơ hồ. Còn chuyện trao/nhận giải thì không những đã lùm xùm, mà còn nhếch nhác, và điều tiếng thì (kể như) hết biết luôn!
Mới tuần trước, vào ngày 28 tháng 8 năm 2011, nhật báo Người Việt đi tin: ”Bốn nhà văn lớn từ chối giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh.”
Trước sự kiện này, nhà báo Trương Duy Nhất đã có lời bàn hơi gay gắt:” Chưa bao giờ việc xét tặng giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh lại bốc mùi đến thế. Mùa giải đang vào lúc gay cấn, cãi tranh ỏm tỏi thì xuất hiện 5 trường hợp ‘lạ’: 4 xin rút tên khỏi danh sách ứng cử và 1 không chịu viết đơn.”
Biên tập viên Mặc Lâm của RFA thì nói năng (nghe) nhẹ nhàng hơn, chút đỉnh:
Biên tập viên Mặc Lâm của RFA thì nói năng (nghe) nhẹ nhàng hơn, chút đỉnh:
”Việc hai giải thưởng được xem là quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng bị lũng đoạn bởi sự lạm dụng quyền thế của người chấm giải, cộng với cách công khai thao túng quyền đề cử bất kể dư luận đã nói lên sự thật về tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của Việt Nam ngày nay. Bốn người trong cuộc lên tiếng một lúc đã trở thành chuyện không lạ, khi tính khách quan của giải thưởng bị ông Hữu Thỉnh lợi dụng vị trí của mình để làm xấu đi nét đẹp của hai giải thưởng này.”
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng nêu ý kiến gần tương tự:”Hai tác phẩm rất dở của ông Hữu Thỉnh mà được Giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh của nhà nước thì chứng tỏ cái giải thưởng đó không có giá trị.”
Tôi thề có trời đất (cũng như qủi thần) chứng giám là mình hoàn toàn và tuyệt đối không có thù oán, thành kiến hay ác cảm gì với quí ông Mặc Lâm, và Trần Mạnh Hảo. Tôi cũng không quen biết gì (hết trơn hết trọi) với ông Hữu Thỉnh. Tôi chưa gặp ông Chủ Tịch Hội Nhà Văn (đương đại) này lần nào cả, điện thoại, email, tếch – tiếc (qua lại) hoặc kết bạn tâm thư cũng không luôn. Chả qua là vì “lộ kiến bất bình” (thấy có kẻ bị hàm oan) nên xin có đôi lời “phải quấy” để rộng đường dư luận. Cứ theo lời ông Mặc Lâm thì ông Hữu Thỉnh đã “lợi dụng vị trí của mình để làm xấu đi nét đẹp của hai giải thưởng này.” Giời ạ, cả hai giải thưởng (thổ tả) vừa nêu có “nét đẹp” nào đâu mà có thể làm cho chúng … “xấu đi” được chứ ? Tương tự, theo tôi, ”hai tác phẩm rất dở của ông Hữu Thỉnh” dù có được giải hay không thì cũng không thay đổi được gì (ráo trọi) cái được gọi là “giá trị” của Giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh. Cứ từ tốn xem từng giải một. Muốn biết tại sao cái gọi là Giải Thưởng Nhà Nước lại bốc mùi, xin hãy nghe lời của một công dân Việt Nam nói (qua) về đất nước/tổ quốc của mình:
“Tổ quốc đã trở thành đao phủ. Những người địa chủ và tư sản không những bị ruồng bỏ mà còn bị coi là thù địch và bị tàn sát. Rồi cũng nhân danh tổ quốc họ phát động chiến tranh thôn tính miền Nam làm hàng triệu người chết và đất nước kiệt quệ. Tổ quốc đồng nghĩa với chiến tranh và chết chóc. Toàn thắng rồi, tổ quốc xã hội chủ nghĩa quên phắt cam kết thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc. Tổ quốc bỏ tù và hạ nhục hàng triệu người. Tổ quốc đánh tư sản, tống cổ con cái ‘ngụy quân, ngụy quyền’ ra khỏi trường học và lùa đi vùng kinh tế mới. Tổ quốc khống chế và hăm dọa bằng công an thành, công an tỉnh, công an huyện, công an phường. Biết dân chúng không còn chịu đựng được nữa và muốn bỏ nước ra đi, tổ quốc đứng ra tổ chức vượt biên bán chính thức để lấy tiền chuộc mạng của những người muốn chạy trốn nanh vuốt của mình. Tổ quốc hành động như bọn giặc cướp. Đến khi bị dư luận thế giới lên án dữ dội vì hành động bỉ ổi này, tổ quốc dẹp luôn đợt vượt biên bán chính thức và dĩ nhiên không trả lại tiền. Tổ quốc đểu cáng và lật lọng.” “Đối với những người ra đi, tổ quốc là sóng gió, hải tặc, là cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ quốc là một dĩ vãng cần quên đi. Đối với những người ở lại, tổ quốc đổi tiền mấy lần để cướp giật, tổ quốc sách nhiễu từng ngày. Tổ quốc nói trắng cũng được, nói đen cũng xong, cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại cấm, muốn bắt hay tha tùy ý, người dân chịu đựng hết. Vì tổ quốc có súng.” (Nguyễn Gia Kiểng. Tổ Quốc Ăn Năn. Không có tên NXB. Paris 2001, 570 – 571).
Gần hơn, vào ngày 6 tháng 9 năm 2011, tôi vừa nghe một công dân khác – nhà giáo kiêm nhà báo Phạm Toàn – nói trong tiếng nấc: “Nước mà Dân bị nhũng nhiễu công nhiên như thế thì chắc chắn sẽ mất thôi – làm sao Dân lại chịu giữ cái Nước nơi họ bị đối xử như quân thù, cái đất nước không mang lại hạnh phúc cho họ?” Có vinh dự gì để nhận bất cứ một loại giải thưởng (tào lao) nào từ thứ Nhà Nước “đểu cáng và lật lọng” như thế chứ ? Còn Giải Thưởng Hồ Chí Minh? Trước hết, hãy nghe đôi lời (hết sức nhã nhặn) về nhân vật lịch sử này – qua ngòi bút của nhà văn Phạm Đình Trọng:
“Hồ Chí Minh có những phẩm chất đáng quí của thời nghèo khổ thắt lưng buộc bụng đánh giặc. Chiếc chiếu cói trải giường ngủ của Hồ Chí Minh trên nhà sàn đã cũ rách nhưng Hồ Chí Minh không cho thay. Nó mới rách một chỗ mà bỏ cả chiếc chiếu thì phí quá! Nói vậy và Hồ Chí Minh lấy kim chỉ tự khâu chỗ rách lại! Nhưng ngày nay ngân sách nhà nước vừa phải đổ ra hàng ngàn tỉ đồng để kích cầu, kích thích tiêu dùng để phát triển sản xuất. Cái chiếu cói cũng như mọi hàng hóa khác đều có giới hạn sử dụng. Giới hạn sử dụng ấy được ngôn ngữ quốc tế hóa là ‘đát’. Hết đát thì phải bỏ, thay cái khác. Hàng hóa có tiêu thụ được, sản xuất mới phát triển. Một thí dụ để thấy một phẩm chất rất đáng quí của Hồ Chí Minh ngày nào nay cũng không thể ‘học tập’ được nữa! Nhân vật lịch sử dù vĩ đại đến đâu cũng đều có đát.”
Nói thế (tất) không sai nhưng sợ chưa hết lẽ. Những danh nhân khác, cùng thời với Hồ Chí Minh (Huỳnh Phú Sổ, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu …) đâu có ai … hết đát. Không những thế, với thời gian, dấu ấn của những nhân vật lịch sử này lại càng đậm nét hơn trong lòng dân tộc. Trường hợp của Hồ Chí Minh thì hoàn toàn khác. Sau cái thế kỷ mây mù vừa qua thì tăm tiếng của ông mỗi lúc một mất dần, và thay vào đó toàn là những điều … tai tiếng:
“Những ngày tháng tám này, biểu tượng Hồ Chí Minh đã bị chính ĐCSVN biến thành mất thiêng thông qua cuộc biểu tình của người dân Hà Nội và miền Bắc nói chung. Dù muốn dù không, hình tượng Hồ Chí Minh đã mai một, mờ nhạt và không còn đất sống, trước hết và quan trọng nhất, ông không còn giá trị cho ĐCSVN ngày nay lợi dụng thêm nữa. Dù cho những ai cố trốn chạy hoặc chối bỏ, cũng đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật đó. Chính ĐCSVN đã làm cho hình tượng Hồ Chí Minh tàn lụi mau chóng hơn qua ‘cuộc vận động học tập và làm theo…’ và qua việc đối phó côn đồ của lực lượng an ninh đối với người biểu tình, đã là câu trả lời lạnh lùng, ráo hoảnh cho những ai vẫn hằng tin và khắc sâu trong tâm trí về tính chân lý của Hồ Chí Minh.” (Nguyễn Ngọc Già – Từ thông báo cấm biểu tình nghĩ đến những điều… khác!).Riêng ở miền Nam thì hình ảnh Hồ Chí Minh đã trở thành giễu cợt từ lâu, chứ chả cần phải đợi (mãi) đến “tháng tám này.” Ngay khi Sài Gòn vừa bị mất tên, trẻ con nơi đây đã nghêu ngao những lời đồng dao (nghe) cười ra nước mắt: Ðêm qua em mơ gặp Bác Hồ. Chân Bác dài Bác đạp xích-lô. Trông thấy Bác em kêu xe khác! Đã đến lúc Hội Nhà Văn Việt Nam cũng (đành) phải “kêu xe khác” thôi. Hãy thay Giải Thưởng Hồ Chí Minh bằng những tên gọi khác – những tên tuổi không vĩ đại gì cho lắm nhưng (chắc chắn) sẽ không bị bốc mùi – như Giải Bích Khê, Giải Hàn Mặc Tử, Giải Bùi Giáng, Giải Văn Cao, Giải Phùng Cung, Giải Phùng Quán, Giải Hữu Loan, Giải Nguyễn Hữu Đang … chả hạn. Thì tôi cũng vì quá rảnh, và quá lo xa, nên bàn (ra) như thế. Chớ còn lâu lắm, mãi chờ đến năm 2016, mới đến lúc phát Giải Thưởng Hồ Chí Minh kế tiếp. Cái Nhà Nước này (chắc) không thể tồn tại tới lúc đó đâu.
Tưởng Năng Tiến
9/2011
No comments:
Post a Comment