Translate

Sunday, July 31, 2011

TQ hiện đại hóa quân sự - Việt Nam bị ảnh hưởng

2011-07-29
Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này sẽ dùng hàng không mẫu hạm đầu tiên cho việc huấn luyện và nghiên cứu.
AFP PHOTO
Tàu chiến hải quân Trung Quốc mang tên Zhoushan (tàu khu trục tên lửa dẫn đường) trên đường thi hành nhiệm vụ ở Vịnh Aden, ngày 04 Tháng 04 năm 2011.

Nhiều người cho rằng đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc sẽ tự đóng hàng không mẫu hạm – một động thái khiến Việt Nam nên quan tâm.

Ngân sách quốc phòng tăng cao

Quỳnh Chi hỏi chuyện ông Marvin C. Ott, chuyên gia về Đông Nam Á đồng thời là giáo sư tại học viện nghiên cứu quốc tế cao cấp của trường đại học John Hopkins. Trước tiên, ông cho biết về khả năng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc:
Bất kể là so sánh trong tiêu chuẩn nào: về thời gian hay về sự tương quan giữa các nước thì Trung Quốc cũng đang tăng khả năng quân sự với tốc độ nhanh.
Marvin C. Ott
Marvin C. Ott: “Trung Quốc từ lâu đã đầu tư, phát triển khả năng quân sự cũng như tăng cường chi tiêu quốc phòng 30 năm nay, đặc biệt là 20 năm trở lại đây. Cách mà Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự cũng rất cao và đáng chú ý. Họ đang cố gắng nâng cấp và hiện đại hóa quân sự của mình, tập trung vào việc nâng sức mạnh quân sự ngoài khơi biển Nam Trung Hoa (biển Đông), ở eo biển Đài Loan và ở tây Thái Bình Dương. Nói tóm lại, khả năng quân sự của Trung Quốc tăng một cách nhanh chóng và ấn tượng”.
Quỳnh Chi: Thưa giáo sư, ông vừa nói khả năng quân sự cũng như ngân sách quốc phòng Trung Quốc gia tăng một cách nhanh chóng, đó là ông nói so về tiêu chuẩn thời gian hay so với các nước khác?
Marvin C. Ott: “Bất kể là so sánh trong tiêu chuẩn nào: về thời gian hay về sự tương quan giữa các nước thì Trung Quốc cũng đang tăng khả năng quân sự với tốc độ nhanh. Mặc dù không ai biết được con số ngân sách quốc phòng của Trung Quốc thật sự là bao nhiêu nhưng giới chuyên gia nói rằng mỗi năm, ngân sách này tăng từ 12 đến 15%. Và đó là một mức tăng trưởng nhanh kinh khủng (extremely rapid rate) xét về bất cứ hoàn cảnh nào. Sẽ rất khó để bạn có thể tìm thấy một quốc gia nào có tốc độ gia tăng ngân sách quốc phòng nhanh đến như vậy”.
Quỳnh Chi: Liệu việc này có phải là một mối nguy cho các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á?
Marvin C. Ott: “Câu trả lời ngắn gọn là “chúng ta không biết”. Tuy nhiên, khi bạn nhìn vào khả năng quân sự của một nước khác bạn nhìn xem nó có ý nghĩa như thế nào về mặt chiến lược. Bạn nhìn 2 thứ.
000_Par6187253-250.jpg
Tàu chiến hải quân Trung Quốc (tàu khu trục tên lửa dẫn đường) ghé Nam Phi ngày 04 Tháng 04 năm 2011. AFP PHOTO.
Thứ nhất, khả năng. Đó là vũ khí, là thiết bị, là quân lực, nhân lực…những cái có ảnh hưởng đến khả năng quân sự của nước ấy. Và như chúng ta đã nói nãy giờ, trong trường hợp này, những khả năng đó của Trung Quốc gia tăng nhanh kinh khủng. Cho nên tất cả những nước khác nhìn vào Trung Quốc đều lưu tâm. Thứ hai, bạn nhìn vào dụng ý sử dụng  khả năng quân sự để biết một nước có là mối đe dọa cho các nước khác không. Lúc nãy tôi nói là chúng ta không biết Trung Quốc có phải là mối nguy cho các nước khác không, bởi vì ngoài giới lãnh đạo thì những người ngoài không thể biết được dụng ý đó một cách chắc chắn. Tuy nhiên, đối với các nước khác, chính vì họ không biết dụng ý của nước kia là gì, họ bắt buộc phải quan ngại. Và đối với trường hợp Trung Quốc, các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ….nhìn thấy rằng quân sự Trung Quốc gia tăng quá nhanh mà trong một số trường hợp nếu Trung Quốc sử dụng quân sự thì là một mối đe dọa.”
Quỳnh Chi: Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân bộ Quốc phòng Hoa Lục cho báo giới biết là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này sẽ được dùng vào việc huấn luyện và  nghiên cứu. Nhiều người cho rằng đây là động thái Trung Quốc làm giảm tầm quan trọng của tàu sân bay này. Tuy nhiên, một số khác, điển hình là ông Andrei Chang, một chuyên gia về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết việc này đã gián tiếp cho thế giới biết Trung Quốc sẽ tự thiết kế hàng không mẫu hạm. Ý kiến của ông là như thế nào?
Marvin C. Ott: “Cả hai ý kiến đều có thể trở thành sự thật. Việc ông phát ngôn nhân bộ Quốc phòng nói là chỉ dùng hàng không mẫu hạm cho công tác huấn luyện và nghiên cứu là một việc đúng đắn. Tuy nhiên, những quốc gia khác như Việt Nam chẳng hạn, cần rất lưu tâm việc này. Bởi vì một khi Trung Quốc có hàng không mẫu hạm trong tay, nó trở thành một lợi thế để giải quyết những tranh chấp về chủ quyền trên biển. Tôi muốn nhắc lại rằng, khi nhìn khả năng quân sự của một nước, bạn không bao giờ biết được dụng ý của nước đó. Bạn phải cho rằng nếu Trung Quốc có 1 hàng không mẫu hạm, họ có thể sẽ có thêm nhiều hàng hông mẫu hạm và những tàu sân bay này sẽ được dùng cho mục đích quân sự thật sự”.

035_pau492575_03-250.jpg
Tàu sân bay Varyag đang được cải tạo tại một xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, hôm 26 tháng 4 năm 2011. AFP PHOTO.

Việt Nam cần tìm đồng minh?

Quỳnh Chi: Nếu quân sự Trung Quốc ngày càng hiện đại hóa như thế thì nước nào bị ảnh hưởng nhiều nhất thưa giáo sư?
Marvin C. Ott: “Đối với viện hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, tất cả các nước trong khu vực đều nên quan tâm. Nhưng Việt Nam là nước sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Một khi Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự về hàng khôn hay về hải quân, thì Việt Nam sẽ gặp vấn đề về chiến lược.
Quỳnh Chi: Giáo sư nói như thế có phải là vì vị trí địa lý của Việt Nam?
Marvin C. Ott: “Các vấn đề quân sự đều bắt nguồn từ địa lý mà thôi và Việt Nam ở ngay cạnh Trung Quốc. Điều trước tiên tôi muốn nói là Việt Nam và Trung Quốc không có một hiệp ước ranh giới ngoài khơi nào cả, ngoại trừ hiệp ước ranh giới trên bờ ở Vịnh Bắc Bộ. Cho nên, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có tranh chấp chủ quyền. Thêm vào đó, nhiều năm nay, Việt Nam cho biết có nhiều sự kiện xảy ra như tàu cá hay tàu thăm dò, ngư dân bị quấy rối và bị bắt….Người Việt Nam sẽ thấy rằng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng quân sự để đe dọa và thị uy.
Quỳnh Chi: Nếu nói như vậy, xem ra Việt Nam phải phân tích và có cách đối với việc này. Xét về tương quan lực lượng kinh tế và quân sự, Việt Nam thực tế còn kém xa Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam nên làm gì để chí ít cho biết mình có sự chuẩn bị và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống?
Hoa Kỳ hết sức không nắm rõ về Trung Quốc. Cái mà Hoa Kỳ muốn từ Trung Quốc là nước này chấp nhận thế giới theo cách đã có từ lâu nay, xét về khía cạnh luật pháp quốc tế.
Marvin C. Ott

Marvin C. Ott: “Thứ nhất, Việt Nam làm mọi thứ để phát triển khả năng quân sự. Thêm vào đó, Việt Nam tìm bạn bè hay đồng minh quốc tế để làm vững mạnh vị trí của mình. Việc Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các nước trong khu vực châu Á hay với Hoa Kỳ là hoàn toàn hợp lý.
Quỳnh Chi: Là một chuyên gia về biển Đông, Trung Quốc và chính sách Hoa Kỳ; ông nghĩ Hoa Kỳ sẽ có chính sách như thế nào khi thấy sữ trỗi dậy của khả năng quân sự Trung Quốc như thế?
Marvin C. Ott: “Quan tâm của Hoa Kỳ ở vùng Đông Nam Á là sự ổn định, phát triển kinh tế, mở cửa cho thương mại và giao dịch quốc tế, cũng như tự do lưu thông trong vùng. Hoa Kỳ quan ngại nếu vùng này bị đặt dưới sự thống trị của bất cứ một nước nào. Trong trường hợp này, nước đó là Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ không thấy rằng những lợi ích ấy bị Trung Quốc đe dọa - nghĩa là Trung Quốc không có ý thống trị vùng biển Nam Trung Hoa (biển Đông) hay không có ý tuyên bố chủ quyền gần trọn vùng biển này để dễ dàng kiểm soát thì Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ. Nói chung, chúng ta phân tích vấn đề dựa vào nhân tố điều khiển vấn đề, trong trường hợp này, mọi thay đổi, mọi phản ứng của các nước ở khu vực đều do Trung Quốc.
Quỳnh Chi: Vâng, vậy theo giáo sư , Hoa Kỳ đang xem Trung Quốc là bạn hay đối thủ?
Marvin C. Ott: “Hiện tại, Hoa Kỳ hết sức không nắm rõ về Trung Quốc. Cái mà Hoa Kỳ muốn từ Trung Quốc là nước này chấp nhận thế giới theo cách đã có từ lâu nay, xét về khía cạnh luật pháp quốc tế. Nghĩa là, Trung Quốc có thể trở nên lớn mạnh, nhưng phải trong khuôn khổ đã có sẵn của quốc tế (buy in to the existing international system).”
Quỳnh Chi: Vâng, thưa ông, cái cụm từ “buy in to the existing international system” tạm dịch là “chấp nhận khuôn khổ đã có sẵn của quốc tế” xem ra đã được dùng khá nhiều khi nói đến Trung Quốc. Và mọi người cũng đang chờ xem nước này có làm điều đó không. Xin cám ơn giáo sư Marvin đã dành thời gian cho đài Á Châu Tự do.

No comments: