Translate

Saturday, July 30, 2011

SĨ PHU BẮC HÀ HAY SĨ PHU “BÁC” HỒ?!

Theo Báo Tổ Quốc

Qua 7 cuộc xuống đường biểu tình phản đối việc Trung Cộng (TC) hống hách chiếm đất, lấn biển với sự “đồng thuận” của Đảng và Nhà Nước CSVN, có một ông”trí thức” ở hải ngoại viết bài “Sĩ phu Bắc Hà và phiên phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ 2-8-2011” kêu gọi “sĩ phu Bắc Hà” hãy chứng tỏ tư cách kẻ sĩ của tầng lớp “Sĩ Phu Bắc Hà” ngày nay nhân dịp xử phúc thẩm vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (CHHV) vào ngày mồng 2 tháng 8 năm 2011.

Không biết ở miền Bắc hiện nay có ai tự nhận mình là “Sĩ Phu Bắc Hà” – sẽ chứng minh “tư cách kẻ sĩ” theo lời kêu gọi của “ông trí thức” ở hải ngoại trong vụ toà án CSVN xử phúc thẩm Tiến sĩ CHHV hay không.
Bài viết này không có mục đích tranh luận mà chỉ muốn tìm hiểu hiện nay ở Việt Nam, nói chung, và ở miền Bắc, nói riêng, có còn những người được gọi là “Sĩ Phu” hay không?
*
Như nhiều người biết, ngay từ thập niên 50, những vị trí thức nổi tiếng tại Pháp đã về Việt Nam (VN) để kháng chiến chống Pháp theo lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh; nhưng tất cả đều bị bạc đãi, trù dập.
Nguyễn Hữu Đang, người xây dựng lễ đài để HCM đọc “Tuyên ngôn độc lập” đã bị tù đày vì vụ án Nhân văn – Giai phẩm. Về cuối đời đã “tạo” cho mình một nơi trú ẩn là một “lõm” vừa bằng thân mình ở cạnh một buội tre làng. Theo giải thích của ông, thì nơi đây cũng sẽ là nấm mồ của ông khi ông qua đời! Sinh kế của ông là lượm các bao thuốc lá để đổi cóc, nhái từ lũ trẻ để nấu bữa ăn hàng ngày.
Những kẻ dính líu đến vụ án Nhân văn Giai phẩm thì bị “đấu” không ông nào ngóc đầu lên được. Đến gần chết mới dám nói: “Bây giờ đã không còn sợ nữa” – như nhạc sĩ Văn Cao. 
Các trí thức như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhà nghiên cứu Triết học Marxsist Trần Đức Thảo thì bị Đảng trù dập tan nát cả cuộc đời và đã phải sống trong cảnh nghèo khổ cho đến chết (* Xin xem phụ bản về Trần Đức Thảo ở cuối bài viết này).  
Theo tác giả VHT thì:
“Sĩ phu Bắc Hà, là khái niệm chung chỉ người trí thức thời xưa ở Hà Nội, hay miền Bắc nói chung, trong thời kỳ phong kiến VN. Sở dĩ có khái niệm này, hay danh xưng trân trọng này, là vì họ biểu thị, ngay từ thời xưa, sự hiểu biết, trình độ nhận thức thế sự, đặc biệt nhất là sĩ khí của mình. Nhưng rồi thời đại của sĩ phu Bắc Hà cũng đã thật sự chấm dứt để chuyển thành “thời đại Hồ Chí Minh”. (do LM in đậm)
Thời đại Hồ Chí Minh có nghĩa là thời đại mới mà mọi người trong nước, nhất là người miền Bắc, người Hà Nội nói riêng, chỉ biết “nói theo” Bác, theo Đảng. Thế thì làm gì còn, và cần gì đâu, để cần có sĩ phu Bắc Hà nữa. Gần một thế kỷ qua, cũng đã chứng minh được hết mọi điều đó rồi còn gì”.
Thế nhưng tại sao “ông trí thức” tác giả bài “Sĩ phu Bắc Hà và phiên phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ (2-8-2011)” lại đặt câu hỏi:
“Liệu rằng nỗi khiếp sợ đó ngày nay có còn đè bẹp được giới trí thức VN nói chung, hay giới “Sĩ phu Bắc Hà” nói riêng không?”
Và cũng chính tác giả “lên gân” tự trả lời:
“Chắc chắn là không! Bao nhiêu kiến nghị yêu cầu đảng thực hiện những chính sách cải tiến đất nước, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đời sống nhân dân tốt đẹp hơn cho thấy giới trí thức VN ngày nay đã lộ bỏ được nỗi khiếp sợ đeo đẵng hằng mấy thập niên kỷ qua và dũng cảm đem kiến thức của mình vào đời sống”.
Không biết nhận xét của “ông trí thức” tác giả bài viết về “Sĩ phu Bắc Hà” có đúng hay không; nhưng Lão Móc biết, có một ông trí thức ở trong nước, ông viết bài tự nhận là mình sợ hãi và hèn là Giáo sư Hà Văn Thịnh.
Bài viết của ông này nguyên văn như sau:
“Cả tuần ngồi trên xe cùng sinh viên đi tham quan thực tế, mệt nên chỉ lướt qua mạng vài tin chính rồi lăn ra ngủ. Hôm nay thì có thì giờ nên xem đủ, xem hết những gì 7 ngày qua chưa xem. Đoạn băng do PGS TS NGĐ gửi qua email đã làm tôi không cầm được nước mắt. Vừa khóc, tôi vừa tự nhắc mình rằng đừng khóc kẻo người ta lại bảo ông điên này hay khóc.
Đó là những giọt nước mắt tủi hổ vì thấy mình không bằng lũ trẻ chi mươi mười lăm tuổi. Chúng nó hầu như chưa biết cách ăn mặc, chẳng hề biết cách tạo dáng, nhưng Dáng đứng Việt Nam của những đứa trẻ đó thì không bút mực nào tả nổi. May ra, chỉ có ống kính thần của các nhiếp ảnh gia mới làm cho lòng người xúc động đến thế. Vì chẳng biết gì về nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi kính đề nghị nghệ sĩ nào có lòng , có tài hãy cho lên mạng một bức ảnh như thế để làm “Dáng đứng Việt Nam” cho thời đại mới. Tôi khóc vì đã quá hèn, không dám bỏ ra dù chỉ ít giờ ngày Chủ Nhật để đi cùng các cháu, các em biểu tình ở Hà Nội. Quá hèn vì không dám cổ vũ cho nghĩa cử biểu tình đúng đắn của bổn phận và trái tim ấy vì sợ mang tiếng kích động chống phá nhà nước XHCN.
Chao ôi, thật là buồn và đau đớn trong cái thời yêu nước phải xin phép, yêu nước phải sợ hãi, trí tuệ của hàng triệu người phải thua vua tập thể – những vị vua mà tài năng chưa hề được minh chứng bao giờ!
Tôi chưa thấy thời nào mà lũ trí thức chúng tôi ươn hèn đến thế. Xã hội đầy rẫy những cái sai nhưng nói đến cái sai thì hầu như ai cũng phải nhìn quanh và phải thầm thì.
Những người bạn của tôi như PGS TS TTTL, PGS TS ĐB… thì nói rằng phản đối những cái sai là ngu ngốc, là bẻ nạng chống trời, là “có thay đổi được gì đâu”. Tôi đã khóc vì thấy mình ngu xuẩn. Ừ, tại sao không lo bảo vệ cái bát cơm của mình mà lại đi lo chuyện đâu đâu? Tôi đã khóc vì thấy mình không bằng lũ trẻ. Chúng nó hồn nhiên vô tư đến thế (BBC cho biết nhiều ông bố bà mẹ khuyến khích con đi biểu tình yêu nước). Thật đáng tự hào khi có những người bố, người mẹ và những đứa con như thế. Nếu Tổ quốc Việt Nam có hàng triệu người như thế thì làm sao có thể run rẩy và khiếp sợ trước cái ác, cái ngu cứ nhũng nhiễu, hoành hành?
Tôi đã khóc vì muôn điều khó nói. Nhưng, sau khi lau nước mắt, tôi đã mỉm cười. Cười vì thấy bình minh đang tỏa rạng. Mặt trời đang lên. Tôi muốn nó sẽ sáng bừng ngay nhưng đó chỉ là ước mong. Cái gì cũng có thời gian và cái giá của nó: Mặt trời “mọc” được là nhờ sự vận động của hàng triệu thiên thể. Trong cái hằng hà sa số của tổng thể “xã hội” tự nhiên ấy, không “ai” có quyền đứng yên. Tất nhiên, giống như xã hội loài người, các thiên thể lớn hơn sẽ luôn có vai trò quan trọng hơn. Chẳng hạn, nếu trí thức mà tham tiền, ngậm miệng thì ai sẽ mở miệng cho đây? Tôi đã khóc vì xấu hổ khi phải thú nhận rằng mình ích kỷ và sợ hãi”.
(Tôi đã khóc, Hà Văn Thịnh, Qui Nhơn ngày 26-7-2011).   
*
Chuyện gì mà tréo cẳng ngổng như thế?
-“Ông trí thức” hải ngoại thì nhất định là có “Sĩ phu Bắc Hà” và  theo bài  viết của ông ta thì: “nỗi khiếp sợ ngày nào không còn đè bẹp được giới “sĩ phu Bắc Hà”.
-Ông trí thức VHT thì bảo làm gì còn có “Sĩ phu Bắc Hà” trong cái mà ông ta gọi là “thời đại Hồ Chí Minh” là thời đại mà mọi người đều phải nói theo Bác và Đảng”; tức là không phải là “Sĩ phu Bắc Hà” mà là “Sĩ phu “Bác” Hồ”!
-Ông Giáo sư Hà Văn Thịnh thì viết hẳn ra giấy trắng mực đen là: “Tôi đã khóc vì xấu hổ khi phải thú nhận rằng mình ích kỷ và sợ hãi”.
Như vậy dân đen chúng tôi không biết phải gọi các vị trí thức tham dư 7 cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội bằng danh xưng nào: 
SĨ PHU BẮC HÀ hay SĨ PHU “BÁC” HỒ?!
LÃO MÓC
PHỤ BẢN:
TRẦN ĐỨC THẢO, NGƯỜI TRÍ THỨC LẦM ĐƯỜNG!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
Cách đây 18 năm, ngày 28-4-1993, trước linh cửu của giáo sư Trần Đức Thảo, Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ của Hà Nội tại Paris đã đọc một thông báo vừa được Hà Nội gửi qua, nguyên văn như sau:
“Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tổng hợp cùng di quyến thương tiếc loan tin: Giáo sư Thạc sĩ Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại xã Phong Tháp, Từ Sơn, Hà Bắc, nguyên Đại diện Việt kiều tại Pháp, Ủy viên ban Liên viện Paris, thành viên ban Phụ trách Nghiên cứu Sử Địa, giáo sư trường Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên viên cấp cao của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Huân chương Độc lập hạng nhì, đã nghỉ hưu, sau một thời gian lâm bệnh đã được Đại sứ nước ta tại Pháp tận tình chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, đã từ trần vào lúc 8 giờ 10 phút, giờ Paris tại bệnh viện Broussais Paris, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ hỏa táng tại Paris ngày 28-4-93, lễ truy điệu giáo sư Thạc sĩ Trần Đức Thảo được cử hành lúc 10 giờ ngày 28-4-93 tại giảng đường trường đại học Tổng hợp Hà Nội”.
Giáo sư Trần Đức Thảo là một nhà Triết học nổi tiếng. Theo cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”, học giả Hoàng Văn Chí kể rằng: Trần Đức Thảo là con cụ Trần Đức Tiến, một tiểu công chức tòng sự tại sở Bưu Điện Hà Nội. Lúc còn trẻ học ở Lycée Albert Sarraut ông tỏ ra hết sức thông minh. Các thầy dạy ông, nhất là giáo sư Ner đã phải kêu lên là không chấm nỗi bài của ông.  Ông đỗ Tú tài Pháp, ban Triết học năm 1935. Năm sau ông đỗ đầu trong kỳ thi vào Normal Supérieure ở bên Pháp. Sau đó ông đỗ Thạc sĩ Triết học và dạy ở Đại học Sorbonne.
Những tài liệu này có một vài chi tiết hơi khác với các nguồn tài liệu khác.
Lúc đầu ông theo chủ nghĩa Existentialisme của Jean Paul Sartre, nhưng từ năm 1946, ông thiên về chủ nghĩa Marx và gia nhập đảng Cộng sản Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết: “Tôi là người nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, tôi không phải là người Cộng sản, tôi không hề xin vào đảng Cộng sản Việt Nam”.
Nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn là: Trần Đức Thảo là một người yêu nước. Năm 1945, khi thực dân Pháp chuẩn bị trở lại Đông Dương, trong một cuộc họp báo, một ký giả Pháp đã hỏi ông:
“Nếu mai đây quân đội Pháp trở lại Đông Dương thì họ sẽ được dân chúng Đông Dương đón tiếp ra sao?”
Ông đã trả lời không do dự: “Bằng những phát súng”.
Câu trả lời trên đã nói lên tâm tư của ông đối với đất nước, và đã trở thành hiện thực. Quân đội Pháp đã phải đối đầu với cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam, mở đầu với những phát súng ngày 23-9-1945 tại Sàigòn.  
Nhưng cũng vì câu trả lời này mà ông và một số thân hữu đã bị chính quyền của De Gaule bắt giam vào khám lớn La Santé trong ba tháng. Khi còn trong tù ông đã viết một bài báo nhan đề “Về vấn đề Đông Dương” gửi đăng trên tờ Les Temps Modernes, là một tờ báo chuyên về văn chương và triết học của phe tả (số ra tháng 2 năm 1946).
Đầu thập niên 50, dư luận đặc biệt chú ý tới 5 buổi tranh luận giữa Jean Paul Sartre và Trần Đức Thảo. Cuộc tranh luận giữa hai triết gia nổi tiếng này, đã được thỏa thuận trước là sẽ ghi lại và xuất bản, theo nguyên văn cuộc tranh luận giữa hai người. Nhưng cuộc tranh luận đã đi đến chỗ gay gắt vì những bất đồng ý kiến quá cách biệt giữa đôi bên. Việc xuất bản do đó bị ngưng lại và đưa đến việc thưa kiện giữa hai người.
Vụ thưa kiện đang được Toà án thụ lý thì Trần Đức Thảo quyết định về nước trực tiếp chống Pháp. Vì theo ông: “… Chiến tranh đã bùng nổ ngày càng căng thẳng… thế nên sau nhiều đêm suy nghĩ đắn đo, tôi quyết định bỏ hết để đi về”. Và ông đã về thật, bỏ hết quyền lợi vật chất và danh vọng. Những bạn bè thân thiết cho đây là một quyết định sai lầm, vì liệu một nhà nghiên cứu triết học sẽ làm được gì trong bưng biền kháng chiến vất vả và eo hẹp. Ông cũng đã nghĩ đến điều đó và ông tâm sự: “Nếu chuyến trở về này mà không làm được gì thì cuộc đời tôi kể như chết từ hôm nay”. Rồi ông rời Paris đi Prague, thủ đô Tiệp Khắc, qua Moscow, Bắc Kinh về Việt Bắc. Đó là thời điểm cuối năm 1951.
Và đây, Tô Hoài kể về những ngày đầu của nhà nghiên cứu Triết học Marxist Trần Đức Thảo ở Việt Bắc:
“… Trần Đức Thảo ở Pháp về Việt Bắc… Trần Đức Thảo còn viết cả bài quy định giai cấp tiểu thương, tiểu chủ cho các nhân vật Thúc Sinh, Mã Giám Sinh trong truyện Kiều. Trần Đức Thảo hồn nhiên, hăng hái bằng các sinh hoạt của anh lúc ấy. Thảo đem cho hết đồ Tây, Thảo mặc áo nâu, đi chân đất. Chúng tôi ngủ không màn, mặc dầu chúng tôi ở rừng đầu sông Lô, đêm đến muỗi nhiều như trấu. “Về muộn mà, tớ phải luyện tập gian khổ cho kịp với các cậu”. Trần Đức Thảo nói đứng đắn thế. Chẳng bao lâu, Thảo lăn đùng ra sốt rét xanh tái…” (Tô Hoài, Cát Bụi Chân Ai).
Nhưng cũng trong lúc đó, ông cũng choáng váng trước “hiện thực Marxist” mà ông lần đầu tiên tiếp xúc. Trước hết, ông nhận ra rằng những người lãnh đạo ở Việt Bắc lúc ấy không coi ông là người trong tổ chức của họ. Ông được giao cho những công tác lặt vặt và trái chuyên môn. Qua năm 1953, ông được bố trí cho ngồi dịch các bài nói, bài viết của Trường Chinh, người lúc ấy đang được coi là lý thuyết gia số một của Đảng. Và cũng từ mùa hè 1953 ông trực tiếp tham gia cuộc “chỉnh huấn” dưới sự cố vấn của các cán bộ Trung Quốc. Quan điểm thịnh hành lúc bấy giờ của cuộc “chỉnh huấn” và “cải cách ruộng đất” ở vùng do Việt Minh kiểm soát là quan điểm hoàn toàn Maoist, rập khuôn Trung Quốc.
Trước những hành động cuồng tín của một số cán bộ cấp trung và cấp thấp, khi gặp những lãnh tụ tương đối có trình độ, ông mạnh dạn đặt vấn đề thì được họ phũ phàng trả lời: “Đó là ý kiến của lãnh đạo, phải tuyệt đối chấp hành, còn thắc mắc tức là có tư tưởng lệch lạc”.
Về Hà Nội, Trần Đức Thảo được cử giữ chức Chủ nhiệm khoa Sử trường Đại học Hà Nội. Cuối năm 1956, một người trong nhóm “Nhân văn” là Nguyễn Hữu Đang (người đã dựng lễ đài Độc Lập tại Hà Nội năm 1945) đến gặp Trần Đức Thảo và nhờ viết bài. Ông nhận lời, và trên Nhân văn số 3, ngày 15-10-1956, có bài viết của ông nhan đề “Nỗ lực phát triển Tự do, Dân chủ”. Tiếp theo đó là bài “Nội dung Xã hội và hình thức Tự do” trên “Giai phẩm mùa Đông”. Hai bài viết có tác dụng như hai quả bom nổ giữa lòng Hà Nội. Ngay lập tức ông bị cách chức, bị lôi ra kiểm điểm cùng với tất cả những ai có liên quan đến “Nhân văn” và “Giai phẩm mùa Đông” như Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trương Tửu, Lê Đạt… Cá nhân Trần Đức Thảo nói riêng và nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” nói chung bị bọn văn nô, bồi bút theo lệnh Đảng tấn công liên tục suốt hai năm trời.
Phạm Huy Thông, tiến sĩ, một trong những trí thức hàng đầu của miền Bắc lúc bấy giờ đã viết bài: “Một triết gia phản bội chân lý: Trần Đức Thảo” đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 4-5-1958, lúc cuộc đấu tố bước vào thời kỳ cao điểm. Bài viết buộc tội Trần Đức Thảo hết sức gay gắt, nhiều chi tiết bịa đặt, dựng đứng để bôi xấu cá nhân ông:
“… Thật ra thành tích học thuật cũng như thành tích chính trị của Thảo ở Pháp trước đây, nhìn lại toàn là những thành tích bất hảo. Mất gốc rễ dân tộc, Thảo chỉ say mê với văn học Hy Lạp, với triết học duy tâm từ Pờ-la-tông đến Hê-ghen với những phương pháp suy luận trừu tượng, hình thức. Trở nên môn đệ của Giăng-Pôn-Xác, Thảo đã tham gia những hoạt động văn hóa và chính trị phản động của nhóm Thời Nay, do Xác chỉ huy, nêu cao thuyết “sinh tồn” – một thuyết phản động về triết học và chính trị, chủ yếu nhằm chống lại phong trào cộng sản ở các nước phương Tây. Dưới chiêu bài sinh tồn, người ta thấy tập họp đủ mọi hạng phá hoại, Tờ-rốt-kít vô chính phủ cùng mọi cở sa đọa về chính trị…” (Phạm Huy Thông, bài báo đã dẫn).
Nhưng nhà trí thức Phạm Huy Thông, một người từng du học ở Pháp, đã không dừng lại ở đó:
“… Ngay từ năm 1945, Thảo công kích những người đem tư tưởng Marxist truyền bá cho kiều bào, công nhân, cho rằng công nhân không có văn hóa, không tiếp thu được hay tiếp thu một cách máy móc thì nguy hiểm… Thảo phỉ báng chính sách ngoại giao của ta mà Thảo cho là đầu hàng, phản bội. Nói về hiệp ước sơ bộ 6-3-1945, Thảo đã phụ họa với bè lũ Tơ-rốt-kít chống lại chính phủ của ta và đã thốt ra những lời thóa mạ thô bỉ, rất hỗn xược đối với các lãnh tụ của ta… Bọn Tơ-rốt-kít đã có lần gây một vụ đổ máu thê thảm ở trại Ma-đát gần Mác-Xây, để đe dọa những kiều bào ủng hộ kháng chiến, khiến hàng chục kiều bào thiệt mạng, hàng trăm kiều bào bị tàn phế, thương tật. Nhiều người đã lên tiếng nói rằng không phải Thảo không có trách nhiệm gì trong vụ khiêu khích bẩn thỉu này…” (PHT, bbđd).  
Sau khi nói xấu Trần Đức Thảo đủ điều (mà chúng tôi không thể nêu hết ra đây), Phạm Huy Thông xoay ra “chụp mũ, quy kết chính trị” nhà triết học này:
“… Mùa Thu 1956, tưởng thời cơ đã đến. Từ số 3 trở đi, báo Nhân văn chuyển hướng sang chính trị một cách rõ rệt. Bài “Nỗ lực phát triển tự do, dân chủ” của Trần Đức Thảo được đăng trong số báo ấy, mở đầu cho sự chuyển hướng và được nhóm Nhân văn coi như cương lĩnh của mình… Trần Đức Thảo ở trong đại học và ở ngoài đại học lúc nào cũng lớn tiếng đòi trả chuyên môn cho chuyên môn, đòi trục xuất chính trị ra khỏi chuyên môn… Qua thư của Hoàng Cầm và nhiều tài liệu khác nữa, cho thấy đường lối chính trị của nhóm Nhân văn là do Trần Đức Thảo trực tiếp và chủ yếu vạch ra…” (PHT, bbđd).
Ta thấy rõ ông trí thức Phạm Huy Thông đã tự đánh mất những liêm sỉ tối thiểu của một nhà trí thức khi dựng đúng những chi tiết mà chỉ cần đọc lướt qua, ai cũng thấy ngay là bịa đặt.
Tố Hữu, người chỉ đạo công tác tư tưởng và văn hóa, văn nghệ thời bấy giờ, phụ trách việc đấu tố triệt hạ nhóm “Nhân văn – Giai phẩm”. Trong bài đấu tố nhóm này, ông cai thầu văn hóa, văn nghệ đã nhiều lần nhắc đến tên Trần Đức Thảo:
“… Chúng vu khống Đảng ta là ‘chủ nghĩa cộng sản phong kiến’ bóp nghẹt tự do, chúng vu khống những người cộng sản là ‘khổng lồ không tim’ chà đạp con người… xuyên tạc những quan hệ giai cấp trong xã hội, Trần Đức Thảo cũng đã cố tạo thế đối lập giữa lãnh đạo ‘kìm hãm tự do’ và quần chúng lao động ‘đòi tự do’… Tất cả những luận điệu của chúng rõ ràng không nhằm mục đích nào khác là chống lại lợi ích của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, kích thích chủ nghĩa cá nhân thối nát, tạo nên miếng đất tốt cho những hoạt động khiêu khích, phá hoại của chúng, hòng làm thất bại cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc…” (Tố Hữu, Báo cáo tổng kết cuộc tranh đấu chống nhóm phá hoại “Nhân văn – Giai phẩm” trong hội nghị Ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam họp lần thứ III tại Hà Nội ngày 4-6-1958). 
Đó không phải là lần nhắc đến tên Trần Đức Thảo duy nhất trong bài nói của Tố Hữu. Ở một đoạn khác, Tố Hữu nói:
“… Trần Đức Thảo cố bịa ra cái “hạt nhân duy lý”, là một hỏa mù cốt để xóa nhòa ranh giới giữa cái đúng và cái sai, giữa cách mạng và phản cách mạng…” (Bđd).
Và cuối cùng, như một công thức bất di bất dịch để đúc kết các bài viết, bài nói, Tố Hữu kết luận:
“… Lấy đường lối văn nghệ của đảng Lao động Việt Nam làm vũ khí chiến đấu, giới văn nghệ chúng ta hãy tiến lên tiêu diệt tận gốc đường lối văn nghệ phản động của nhóm Nhân văn – Giai phẩm”. (Tố Hữu, bài nói đã dẫn).
Số phận của nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” đã được định đoạt: mất quyền công dân, bị tuớc đoạt tất cả, bị cưỡng bức lao động ở một vùng quê. Nhiều năm sau mới được trở lại Hà Nội, sống nghèo nàn với tài sản đắt giá nhất là một chiếc xe đạp cũ kỹ. Vợ ông, Tiến sĩ Tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Nhì, bị áp lực của Đảng và Nhà nước đã ly dị ông để kết hôn với Nguyễn Khắc Viện, một người bạn thân của ông ở Pháp. Bác sĩ Viện lúc ấy đang là con cưng của Đảng.     
Nhà nghiên cứu Triết học Marxist, Giáo sư Thạc sĩ Trần Đức Thảo đã sống trong tăm tối nghèo khổ cùng cực trong 30 năm. Sau khi Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền và tung ra chiêu bài cởi mở năm 1987, ông Thảo mới được viết trở lại. Lúc này ông đã già. Năm 1991, ông được cho qua Pháp ngắn hạn. Hết hạn, ông vẫn ở lại, sống vô cùng túng quẫn. Bị cúp tiền, ông lén nấu ăn lấy thì bị cúp gas, cúp điện. Thấy vậy, Hội Những Nhà khoa học Pháp (Société des Hommes de Sciences) để tỏ lòng ngưỡng mộ đã quyết định trợ cấp cho ông vô hạn định mỗi tháng 10,000 Francs (2,000 USD). Nhưng ông vừa nhận được tấm ngân phiếu đầu tiên vào ngày hôm trước, thì hôm sau ông qua đời.
Lời nói từ giã bạn bè ở Pháp trước khi về nước của giáo sư Trần Đức Thảo đã trở thành một lời tiên tri bi thảm. Tài năng của ông không có chỗ để phát huy dưới chế độ Cộng sản. Chế độ đó đã làm thui chột một tài năng triết học có “tầm cở quốc tế” như nhà triết học nổi tiếng Louis Althusser (bạn và là học trò của Trần Đức Thảo) nhận định.
Nhưng đã để lại cho chúng ta một tấm gương của một nhà trí thức không cúi đầu trước sai lầm của những người đang nắm giữ quyền lực. Và qua cái chết của ông, trong hoàn cảnh vô cùng túng quẩn đã cho mọi người thấy sự giả trá, bịp bợm cùng cực của Cộng sản Hà Nội qua bản thông báo của họ. “Được đại sứ quán của nước ta tại Pháp tận tình chăm sóc…” Câu nói láo trắng trợn này được Đại sứ Hà Nội Trịnh Ngọc Thái đọc lên một cách hết sức trơn tru khiến người ta phải nóng mặt.
Không có điếu tang. Bởi bài điếu tang giáo sư Trần Đức Thảo nếu được viết một cách đứng đắn sẽ là những cái tát ngược vào mặt chế dộ.
“Khi sống, con chẳng cho ăn
Khi chết, con lại làm văn tế ruồi!
NGUYỄN THIẾU NHẪN

No comments: