Theo NguoiViet Online
Ngô Nhân Dụng
Hai bản ý kiến mới được công bố trong vòng hai tuần lễ cho thấy giới trí thức Việt Nam đã mạnh bạo nhập cuộc trong việc tranh đấu của người dân Việt trước những hành động gây hấn mới của Trung Quốc tại biển Ðông. Nhưng đằng sau những đòi hỏi vì lòng yêu nước đó, các nhà trí thức cũng nêu lên và đòi thực hiện những quyền tự do căn bản mà người dân Việt chưa được hưởng: Tự do hội họp và tự do thông tin.
Những bản ý kiến này thực ra chỉ nhắc lại một cách chính thức các ý kiến đã được nêu lên trong các blog do nhiều nhà trí thức và văn nghệ sĩ đã thực hiện gần đây, như các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân Diện, Tô Hải, vân vân. Bản ý kiến thứ nhất được làm tại Sài Gòn ngày 25 Tháng Sáu, mang tên là một Tuyên Cáo “Về Việc Nhà Cầm Quyền Trung Quốc Liên Tục Có Những Hành Ðộng Gây Hấn, Xâm Phạm Nghiêm Trọng Chủ Quyền Và Toàn Vẹn Lãnh Thổ Việt Nam Trên Biển Ðông.”
Sau khi lên án nhà cầm quyền Trung Cộng với những hành động gây hấn nhằm xâm chiếm biển Ðông, sau khi tuyên bố ủng hộ các cuộc biểu tình của đồng bào, tuyên cáo này nhấn mạnh “biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất vẫn là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước ở trong nước cũng như ở ngoài nước.” Ðó là xác định không ai được chiếm độc quyền yêu nước. Nhưng ý kiến cụ thể nhất là nói với nhà cầm quyền ở Việt Nam “không vì lý do gì ngăn chặn những hành động yêu nước của nhân dân bao gồm các cuộc biểu tình, mít tinh ôn hòa, trật tự của thanh niên, sinh viên học sinh và đồng bào Việt Nam trên toàn quốc.” Nói cách khác, người Việt Nam phải có quyền tự do hội họp để phát biểu ý kiến khi cần bảo vệ tổ quốc.
Bản ý kiến thứ nhì là một kiến nghị gửi Bộ Ngoại Giao ngày 4 Tháng Bẩy 2011, “Yêu Cầu Bộ Ngoại Giao Cung Cấp Thông Tin Liên Quan Ðến Quan Hệ Với Trung Quốc.”
Giống như bản tuyên cáo trước đó, kiến nghị này dựa trên một sự kiện cụ thể gần đây, là một bản tin bằng tiếng Anh của Tân Hoa Xã ngày 28 Tháng Sáu 2011 loan báo cuộc gặp gỡ giữa ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, với ông Trương Chí Quân, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao về phía nhà nước Trung Quốc, và ông Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách về ngoại giao trong đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Bản tin Tân Hoa Xã nói rằng trong các cuộc gặp gỡ trên hai chính quyền đều “...phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam...” Nếu đúng như vậy thì hai đảng Cộng Sản đã tước bỏ quyền của nước Việt Nam nếu muốn liên minh với các nước Ðông Nam Á hay các cường quốc khác khi phải đối đầu với Bắc Kinh! Và Tân Hoa Xã viết tiếp là hai bên “nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy...” Lời “nguyện” này rõ ràng là lời Bắc Kinh bắt chính quyền Hà Nội phải ngăn chặn các cuộc biểu tình của dân phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc. Nếu thực hiện lời “nguyện” này, đảng Cộng Sản đã mặc nhiên nghe lệnh Bắc Kinh bác bỏ lời yêu cầu tự do hội họp nêu trong bản tuyên cáo thứ nhất, giống như họ vẫn làm trước đây.
Bản tin của nhà nước Trung Quốc còn nhấn mạnh, “Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.” Bản tin Tân Hoa Xã không cho biết ông Hồ Xuân Sơn đã phản ứng thế nào khi được nhắc nhở điều đó. Những người ký kiến nghị nhận xét: “Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam.”
Chính vì thấy bản tin của thông tấn xã nhà nước cộng sản ở Việt Nam không hề nói đến các chi tiết trên, cho nên những người ký kiến nghị đã yêu cầu phải công bố tất cả những thỏa thuận giữa ông Hồ Xuân Sơn và chính quyền và đảng Cộng Sản Trung Quốc; đặc biệt là thỏa thuận cấm dân Việt bày tỏ ý kiến và lời cam kết không mời nước nào khác tham dự các cuộc hội đàm về hải đảo.
Những nhà trí thức đưa ra các đòi hỏi trên nhân danh hai điều ghi trong Hiến Pháp năm 1992, Ðiều 53 nói: “Công dân có quyền... tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước,...”, và Ðiều 69 nói: “Công dân... có quyền được thông tin;...”
Hai bản tuyên cáo và kiến nghị trên đây đánh dấu một chuyển biến trong nhiều nhà trí thức trong nước, trong đó một số từng là đảng viên cộng sản hoặc đã ủng hộ chế độ cộng sản. Ðó cũng chỉ là một bước tiến trong quá trình phản kháng của giới trí thức Việt Nam gần đây, khi họ lên tiếng đòi các quyền tự do dân chủ cho đồng bào. Những người làm blog từng nêu lên những ý kiến giống như vậy sớm hơn, và còn đi xa hơn nữa. Những người đã đấu tranh trong vòng pháp luật như Nguyễn Văn Ðài, Nguyễn Vũ Hải, Nam Phương, Tạ Phong Tần, vân vân, còn đưa ra những đòi hỏi cụ thể với tính chất toàn diện và căn bản hơn nữa. Tất cả phong trào tranh đấu trên mặt trận tư tưởng, tác động trên dư luận trong mấy năm nay cũng có thể coi là đã noi theo truyền thống của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội trước đây hơn nửa thế kỷ. Năm 1958 chế độ chuyên chính đã dập tắt phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và đày đọa những Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Ðang, Ðặng Ðình Hưng. Năm nay, người Việt Nam sẽ không cho phép tái diễn hành động đó.
Trong những năm 1955, 56, các văn nghệ sĩ và trí thức Nhân Văn Giai Phẩm chưa nêu lên vấn đề quyền làm người, một khái niệm mà ngày nay đương nhiên ai cũng phải quan tâm. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm cũng chỉ giới hạn trong việc tranh đấu để giới trí thức văn nghệ được góp ý kiến với đảng cộng sản trong việc lãnh đạo văn nghệ. Ngày nay, phong trào trí thức tranh đấu mới đòi hỏi thực hiện các quyền làm người, cụ thể nhất là những quyền căn bản như tự do hội họp, tự do thông tin, cho tất cả mọi người dân Việt.
Những đòi hỏi tự do của các nhà trí thức sẽ ảnh hưởng lâu dài trên tương lai đất nước nếu được đấu tranh bền bỉ cho tới khi đảng cộng sản phải nhượng bộ. Chỉ cần một quyền tự do được thể hiện, như quyền tự do hội họp, là có thể sẽ có một bước ngoặt mở đầu một trang mới trong lịch sử đất nước. Trong 5 tuần lễ qua, người dân Hà Nội đã đi biểu tình liên tiếp để bày tỏ lòng yêu nước trước các hành động ngang ngược và thái độ xấc láo của chính quyền Trung Cộng. Ðiều cốt yếu trong yêu cầu tự do hội họp này là đòi quyền tự do yêu nước, không còn để cho một nhóm người chiếm độc quyền nữa. Nhưng đó cũng là tiếng nói đòi cho mọi người dân quyền tập họp và phát biểu những nguyện vọng chính đáng. Ngày Chủ Nhật vừa qua, đoàn người biểu tình đã tiến đến trước Nhà Hát Lớn Hà Nội, một địa điểm đã chứng kiến lịch sử Việt Nam thay đổi. Chúng ta không quên rằng cuộc biểu tình ngày 19 Tháng Tám năm 1945 do giới trí thức tiểu tư sản Hà Nội tổ chức cũng khởi đầu tại Nhà Hát Lớn, trước khi bị các cán bộ cộng sản “cướp diễn đàn.” Tại Sài Gòn, thanh niên cũng đã biểu tình chống Trung Quốc trên các đường mang tên cũ là Duy Tân, Thống Nhất, nơi đã xuất phát các cuộc biểu tình chống Hiến Chương Vũng Tầu năm 1964, biểu tình đòi bầu cử Quốc Hội lập hiến năm 1966, mà từ đó mới thiết lập bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967. Những địa điểm trên đã đi vào lịch sử, và sẽ còn làm lịch sử. Ðảng Cộng Sản Việt Nam biết khó kiểm soát người dân Sài Gòn, trong đó có những người đã từng đi theo cộng sản trong thời chiến, cho nên công an Sài Gòn đã đàn áp mạnh mẽ hơn trong hai tuần qua, các người tổ chức biểu tình đã bị chặn lại từ khi chưa bắt đầu. Nhưng dân Hà Nội vẫn được phép tụ họp, chứng tỏ nhà nước cộng sản đã phải nhượng bộ trước tinh thần bất khuất của người dân.
Khi người dân một nước tự đứng ra thực hiện quyền hội họp tự do, một xã hội công dân sẽ thành hình, làm động lực thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Chúng ta biết rằng Phong trào Công Ðoàn Solidarnos tự phát ra đời năm 1980 cũng là một biểu hiện cụ thể của xã hội công dân ở Ba Lan. Trước đó, ở Ba Lan chỉ có giáo hội Công Giáo đứng bên ngoài guồng máy kiểm soát của nhà nước, tạo được một không gian tư và “dễ thở.” Lần đầu tiên năm 1980 mới có một tổ chức đứng ngoài guồng máy đảng cộng sản, Solidarnos vừa độc lập vừa tự nguyện, tự giành lấy quyền hoạt động công đoàn và đảng Cộng Sản Ba Lan cũng phải nhượng bộ. Nhờ những hoạt động của xã hội công dân như thế mà quá trình dân chủ hóa ở Ba Lan từ năm 1990 đã tiến nhanh hơn nhiều nước cựu cộng sản khác. Một Xã hội Công dân gồm các tổ chức độc lập và tự nguyện phát xuất từ những khát vọng và nhu cầu cụ thể của người dân, là căn bản để xây dựng nếp sống dân chủ. Nó khác với xã hội dân sự trong đó bao gồm cả guồng máy hành chính dân sự và các tổ chức phụ dân sự do chính quyền dựng lên, tiếng gọi là tư nhân nhưng hoàn toàn lệ thuộc đảng cầm quyền.
Nhưng bản kiến nghị ngày 4 Tháng Bẩy 2011 còn nêu lên một đòi hỏi lớn là yêu cầu chính quyền Cộng Sản Việt Nam xác định lập trường của họ đối với lá thư Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai năm 1958. Như nhiều lần đã trình bày trong mục này, muốn lên tiếng nói được quốc tế kính trọng, nhà cầm quyền ở Việt Nam phải xác định dứt khoát rằng lá thư của Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai năm 1958 là vô giá trị. Lúc đó, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền cai quản của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, ông Phạm Văn Ðồng đứng đầu một chính phủ chỉ cai trị phía Bắc vĩ tuyến 17 cho nên không có thẩm quyền trên các đảo đó. Mặc dù ông Phạm Văn Ðồng có viết thư nói ông đồng ý với ông Chu Ân Lai, nhưng về một vấn đề lãnh thổ quốc gia, văn kiện đó không phải là một hiệp ước, không được một Quốc Hội nào của nước Việt Nam thông qua, thì cũng vô giá trị. Ngược lại, hành động đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc đầu năm 1974, việc đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988 rõ rệt là những cuộc tấn công xâm lược của quân đội Trung Hoa đối với các hải đảo thuộc nước Việt Nam. Xác định những điều trên là một dịp để đảng cộng sản tạ tội đối với tổ tiên, với các thế hệ tương lai, về một hành động lầm lẫn trong quá khứ.
Tháng Tám năm 1945, khi các công chức thành phố Hà Nội, thuộc bộ máy hành chánh của chính phủ Trần Trọng Kim, tổ chức mít tinh ở Nhà Hát Lớn, giấc mộng của toàn dân là giành độc lập quốc gia. Cuộc mít tinh đó đã bị chiếm đoạt, đảng cộng sản sau đó đã cướp quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa đến cảnh cốt nhục tương tàn. Bây giờ người dân Việt Nam còn tự hỏi trong 55 năm qua nước mình có thực sự độc lập toàn vẹn hay vẫn luôn luôn bị ngoại bang thao túng; mà chính vì thế đã đưa tới cảnh cốt nhục tương tàn? Người trí thức Việt Nam bây giờ khi tiến đến Nhà Hát Lớn Hà Nội, chắc không phải chỉ nghĩ đến ước vọng quốc gia độc lập thực sự mà còn phải biết đòi hỏi những quyền tự do căn bản cho mọi người dân Việt được sống xứng đáng với phẩm giá làm người. Tự do thông tin, tự do hội họp, là những quyền căn bản để thực hiện các quyền tự do bỏ phiếu chọn những chính phủ của dân, do dân và vì dân đích thực.
No comments:
Post a Comment