Translate

Sunday, July 10, 2011

Giới văn nghệ sĩ lên tiếng phản đối Trung Quốc

Tại đại hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6 và 7 tháng 7 vừa qua, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch hội văn học Hà Nội đã có một bài phát biểu với tựa đề ‘Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước’.

Nguyễn Xuân Diện's blog
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đọc những bài thơ ái quốc trong cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, trước ĐSQ TQ tại Hà Nội sáng 12.6.2011.
Trong bài phát biểu của mình ông kêu gọi các văn nghệ sĩ sáng tác khích lệ tinh thần yêu nước của người dân trước các hành động lấn áp của Trung Quốc trên biển Đông. Việc bày tỏ ý kiến công khai của văn nghệ sĩ liên quan đến một vấn đề mà chính phủ Việt Nam coi là nhạy cảm, trước một đại hội lớn có sự tham gia của một số lãnh đạo đảng, chính phủ như vậy có thể coi là một hành động dũng cảm hiếm hoi của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Những căng thẳng trên biển Đông thời gian gần đây với những hành động và thái độ lấn lướt của Trung Quốc với quốc gia láng giềng Việt Nam đang khiến không chỉ người dân mà còn cả giới nghệ sĩ trong nước phẫn nộ và lên tiếng.

Trách nhiệm

nguyenquanga-250.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Ngô Đức Thọ tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3-7-2011.
Có lẽ sự lên tiếng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam liên quan đến vấn đề biển Đông được cho là gây tiếng vang nhất trong những ngày gần đây là bài phát biểu có tựa ‘Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước’ của nhà văn Phạm Xuân Nguyên trước đại hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội hôm 7 tháng 7 vừa qua.
Đại hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội quy tụ gần 3000 hội viên là các văn nghệ sĩ của nhiều hội chuyên ngành như văn học, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, kiến trúc… Theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên một đại hội quy tụ nhiều đại biểu như vậy và lại diễn ra tại thủ đô là một cơ hội tốt để các văn nghệ sĩ bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của mình trước sự tình đất nước:
“Tôi nghĩ văn nghệ phải có trách nhiệm, có tình cảm, và phải có sự quan tâm với tình hình đất nước hiện nay và những vấn đề, vụ việc trên biển Đông do phía Trung quốc gây ra cho Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải có một tiếng nói bày tỏ tình cảm của văn nghệ sĩ thủ đô nói chung, và văn nghệ sĩ thủ đô đại diện cho văn nghệ sĩ cả nước, đối với các người chiến sĩ và đồng bào của mình về Hoàng Sa, Trường Sa. Xuất phát từ đó tôi đã viết bài tham luận này.”
Tôi nghĩ văn nghệ phải có trách nhiệm, có tình cảm, và phải có sự quan tâm với tình hình đất nước hiện nay và những vấn đề, vụ việc trên biển Đông do phía Trung quốc gây ra cho Việt Nam.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên
Trong bài phát biểu của mình, nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã ca ngợi tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam được thể hiện qua các áng thơ văn, âm nhạc trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, từ bài thơ ‘Thần’ của Lý Thường Kiệt được khắc ghi trên đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, đến bài thơ mới gần đây của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có tựa ‘Tổ Quốc Nhìn Từ Biển’.
Trước các vị đại biểu là các lãnh đạo cao cấp của đảng và chính phủ, nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã dũng cảm nói đến một bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo ca ngợi một thiếu tá hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã dũng cảm hy sinh trong trận chiến đẫm máu với tàu của Trung Quốc vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lòng yêu nước

bieu-tinh-saigon-250.jpg
Từ trái qua phải : ông Đình Vượng, ông Vương Đình Chữ, cụ Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà báo Nguyễn Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh; ông André Mendras Hồ Cương Quyết, ông Huỳnh Tấn Mẫm.
Và tất nhiên, nhà văn Phạm Xuân Nguyên cũng không quên sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 trước tàu Trung Quốc. Ông kêu gọi các văn nghệ sĩ sáng tác vì người dân, người lính nơi hải đảo. Xin trích một đoạn trong bài phát biểu của nhà văn Phạm Xuân Nguyên qua giọng đọc của Vũ Hoàng:
“Mỗi chúng ta, là công dân, là người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, đừng để cuộc sống thanh bình đầy đủ tiện nghi vật chất trên đất liền, ở các thành phố, ở giữa thủ đô, che khuất tầm nhìn về hướng biển, về những người lính, người dân đang ngày đêm vật lộn với sóng nước, chống đỡ với những mưu toan thâm độc của kẻ láng giềng nước lớn hung hãn, đang lấy thân mình che cho tổ quốc khỏi cơn cuồng phong xâm lược có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình. Đó là cách chúng ta thể hiện sự phản đối âm mưu của kẻ xấu.”
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho rằng bài phát biểu của ông đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các văn nghệ sĩ thủ đô qua một tràng pháo tay khi kết thúc.
Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên
Ngay sau bài phát biểu của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, ông Phạm Quang Nghị, ủy viên bộ chính trị ban chấp hành Trung ương Đảng, bí thư thành ủy Hà Nội đã có bài phát biểu. Ngoài việc ca ngợi những đóng góp của văn nghệ sĩ thủ đô đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của thủ đô, ông Phạm Quang Nghị cũng nói đến vấn đề bảo vệ vùng biển đảo của Việt Nam.
Ông nói rằng đây là vấn đề của toàn đảng, toàn dân chứ không phải của riêng người nào, giới nào. Ông bày tỏ niềm tin là Việt Nam có đủ sức mạnh, năng lực, trí tuệ để giải quyết vấn đề này như lịch sử đã chứng minh từ hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên, ông cho rằng việc phản đối Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền không thể thực hiện thành công qua biểu tình, xuống đường. Xin trích một đoạn trong bài phát biểu của ông Phạm Quang Nghị qua giọng đọc Nam Nguyên:
“Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục giải quyết tốt vấn đề này bằng sức mạnh chính trị, bằng tiềm lực quân sự, bằng sức mạnh ngoại giao, bằng yếu tố pháp luật, bằng dư luận xã hội trong nước và thế giới. Và phải tổng hợp tất cả các yếu tố ấy lại chứ không phải chỉ có một biện pháp một số người xuống đường mà giải quyết thành công.”
pham-xuan-nguyen-jul-3-2011-250.jpg
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc trước Nhà hát Lớn TP Hà Nội hôm 03/7/2011. Kami's blog.
Để phản đối Trung Quốc, Nhà văn Phạm Xuân Nguyên cùng một số văn nghệ sĩ khác trong suốt 5 tuần qua đã cùng đồng hành với những thanh niên, người yêu nước trong các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn.
Những cuộc biểu tình trong suốt nhiều tuần qua ở Việt Nam đã quy tụ hàng trăm người thuộc nhiều thành phần. Những người biểu tình tuần hành qua các đường phố ở Hà Nội, Sài Gòn và nhất là trước cổng đại sứ quán Trung Quốc ở hai thành phố. Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu đã không khuyến khích các cuộc biểu tình này và thường sử dụng lực lượng an ninh, công an cố gắng giải tán các đoàn biểu tình.
Việt Nam đã cử Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn sang Bắc Kinh gặp và nói chuyện về các tranh chấp trên biển Đông với ông Đới Bỉnh Quốc, ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua. Trong một cuộc họp báo ngắn sau các cuộc trao đổi giữa hai phía, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng ‘cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước’.
Vào năm 2007, sau việc Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, người Việt Nam trong nước cũng đã xuống đường biểu tình phản đối nhưng đã bị chính phủ đàn áp.

No comments: