Phi Vũ
Ngày hôm qua, anh Tưởng Năng Tiến gởi đến cho tôi trang web “Góc Bể Bên Trời”, một trang web quy tụ những truyện ngắn và truyện dài của nhà văn Võ Hoàng, một nhà văn nặng lòng yêu nước, đã trở về quê hương kháng chiến và đã hy sinh. Tôi đọc một hơi hơn mười tiếng đồng hồ, trong lòng xúc động, bồi hồi. Những truyện này một số do tôi đánh máy, một số do anh Tiến và Nguyễn Nam An đánh máy.
Giọng văn của anh Võ Hoàng dùng từ mang đậm nét miền Nam, từng lời văn, từng con chữ phảng phất một chút Hồ Biểu Chánh pha lẫn một chút Sơn Nam để tạo nên một văn phong rất là…Võ Hoàng. Thời gian anh sống tại Hoa Kỳ khá ngắn ngủi, từ năm 1979 đến năm 1984, nhưng số lượng ttruyện dài và truyện ngắn anh để lại không phải là ít. Khi đánh máy câu chuyện dài “Góc bể bên trời”, một câu chuyện kể lại một quãng đường ngắn đầy bi thảm của người thuyền nhân (cũng có tnể là bạn) từ Thái Lan đến nước Úc. Những nỗi gian truân, vất vả giữa biển khơi, gió to, sóng lớn làm cho người đọc hồi hộp theo dõi, nhất là những ai đã có một thời là thuyền nhân và đã lâm vào hoàn cảnh tương tự. Đây là truyện nêu bật lên được cái khát vọng tự do của người Việt miền Nam -vừa bị mất- và đã đánh đổi mạng sống của mình để tìm lại tự do… Hoặc là khi đánh máy truyện ngắn “Măng đầu mùa” , tôi thật sự xúc động mãnh liệt. Tôi lo lắng cho số phận của “cô bé”, không biết rồi đây sẽ phải sống như thế nào trong hoàn cảnh cha mẹ không có, chỉ sống bằng tình thương yêu của ông nội đã già yếu…Cậu chuyện tôi đánh máy xong rồi cứ đọc đi, đọc lại nhiều lần, lòng cứ băn khoăn, lo nghĩ về số phận của “cô bé”. Tôi nghĩ rằng đây là câu chuyên mà nhà văn Võ Hoàng viết với nhiều ưu ái nhất nên đã để lại một ấn tượng khá mạnh trong tôi. Đúng như sự suy nghĩ của tôi, khi gởi email hỏi anh Tưởng Năng Tiến về câu chuyện này thì được anh Tiến cho biết là anh Võ Hoàng đã viết về cha của mình cùng với con gái đầu lòng. Hoặc là câu chuyện “Chúng ta mất hết chỉ còn nhau” lại đem đến một sự xúc động khác. Chúng ta nhìn thấy cái cô đơn buồn thảm của nhà yêu nước Võ Hoàng khi đến từng người bạn để dọ hỏi cùng nhau trở về quê hương phục quốc. Rất nhiều lý do được nêu ra để rồi Võ Hoàng lại phải cười buồn. Anh lại nghĩ đến ngày mai khi lên đường, sẽ gặp lại những người bạn cũ cùng chung chí hướng ở chiến khu. Biết bao nhiêu câu chuyện sẽ cùng nhau hàn huyên…Tất cả những truyện dài, truyện ngắn của Võ Hoàng đã tạo nên một thề giới riêng của Võ Hoàng mà cũng là thế giới chung của những người Việt Nam yêu chuộng tự do, công bằng, nhân ái mà mới vừa bị đánh mất.
“Người thuyền nhân” Võ Hoàng đã hy sinh vì lý tưởng, vì quê hương đất nước. Ta không khỏi đau lòng khi cũng có những “người thuyền nhân” ngày hôm trước trốn chạy khỏi một chế độ bạo tàn, ngày hôm nay trở về “xênh xang áo mũ”. Ngày hôm trước họ là “cặn bã của xã hội” thì ngày hôm nay họ là “Việt Kiều yêu nước, là khúc ruột ngàn dặm”. Danh xưng đã có sự thay đồi đúng 180 độ. Phải chăng họ là những “con rối” đem tiền về để củng cố cho một chế độ mà họ đã trốn chạy. Nhìn những người này, ta lại càng cảm phục Võ Hoàng, một người yêu nước nồng nàn, đã đem mạng sống của mình để bảo vệ lý tưởng của mình và đã hy sinh.
Phi Vũ
Ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ năm 2011
No comments:
Post a Comment