Translate

Friday, July 8, 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam: Cực Kỳ Phản Động Và Phản Quốc


Báo Quân Đội Nhân Dân, một trong hai cái mồm chính thức của Đảng CSVN, ngày 27-6-2011 đăng một bài tựa đề “Lựa chọn, bố trí đúng cán bộ trong chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo, quản lý”, tác giả là “Trung tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình” đã nói đến “bài học” về sự sụp đổ của Đế quốc Đỏ Sô Viết năm 1991 như sau:

Gorbachev 
Sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả ngay những giá rất đắt nếu mắc sai lầm trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết cách đây 20 năm cho chúng ta bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Nhân danh ‘đổi mới’, ‘cải tổ’, những phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã phản bội lý tưởng XHCN và lợi ích quốc gia dân tộc, dùng mọi thủ đoạn loại bỏ những người cộng sản kiên trung ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội. (Khi M.Goóc-ba-chốp làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, có 8 ủy viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ, 92,5% trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị cách chức hoặc thay thế; trong ba năm từ 1987 đến 1989 có khoảng 50% cán bộ cơ quan chiến lược của quân đội, hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch – chiến lược và 30% tướng lĩnh bị cách chức hoặc cho ra quân với lý do ‘tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ’, được thay thế bởi những phần tử ‘cấp tiến’). Từ đó, làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô bị mất vai trò lãnh đạo và tan rã, Quân đội Liên Xô tuy còn 3,9 triệu quân, được trang bị rất hiện đại, vượt xa quân đội các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị ‘phi chính trị hóa’ nên mất sức chiến đấu, không bảo vệ được Tổ quốc XHCN...”(ngưng trích)
Lập luận trên đây của viên trung tướng kiêm “phó giáo sư” (?) và “tiến sĩ” (?) VC đã cho thấy bản chất cực kỳ phản động của Đảng CSVN trước trào lưu dân chủ hoá trên toàn thế giới. Thật ra, tất cả các đảng cộng sản đều mang bản chất phản động mặc dầu chúng xưng danh “cách mạng” và kết tội những người chống lại chúng là “phản động”.
Trong lịch sử cận đại, tất cả các đảng cộng sản, khởi đầu từ công sản Nga, đều lên nắm quyền bằng bạo lực, trái ngược với ý chí của đa số quần chúng. Đó là phản động. Bằng cách ấy, năm 1917 Lê-nin và nhóm Bôn-sê-vích đã lật đổ chính quyền dân chủ non yếu vừa thành lập được vài tháng tại Nga, dựng lên chế độ cộng sản đầu tiên trên thế giới, khai sinh ra đế quốc đỏ Liên Sô dưới tên chính thức “Liên Bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Sô Viết”. Trong suốt 70 năm, từ “cái nôi của cách mạng vô sản” tại Điện Kremlin, chủ nghĩa cộng sản đã được xuất cảng tới khắp các lục điạ, đem theo tàn phá và chết chóc còn nhiều hơn hai cuộc thế chiến cộng lại. Nó cũng mang theo thù hận, nghèo đói, sợ hãi đến đời sống của hơn một phần ba nhân loại. Sự bành trướng hung bạo ấy đã tạo ra cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Liên Sô, đặt thế giới trước hiểm hoạ thường trực của một cuộc chiến tranh hủy diệt, và cũng làm suy kiệt tài nguyên của Liên Sô với hơn 30 ngàn đầu đạn nguyên tử trong một đất nước mà người dân phải xếp hàng nhiều giờ để mua vài quả trứng hay một ổ bánh mì.
Tình trạng đen tối bế tắc ấy của nước Nga cũng như toàn khối cộng sản chư hầu Đông Âu đã được khai thông trong sáu năm ngắn ngủi khi Ông Mikhail Gorbachev giữ chức Tổng Bí thư Đảng CS Liên Sô. Ông đã can đảm đưa ra chính sách “perestroika” (tái tạo) và “glasnost” (cởi mở). Hai chính sách ấy đã thổi một luồng sinh khí vào guồng máy cai trị mục nát và nô lệ hoá gần 300 triệu dân Nga, mở đường cho những đổi mới tại Liên Sô hướng về dân chủ. “Perestroika” và “glasnost” được gieo mầm ở Nga nhưng đã đơm hoa kết trái trước tại  Đông Âu, và chỉ 4 năm sau, hàng loạt các chế độ độc tài cộng sản do Liên Sô dựng lên từ sau Thế Chiến II đã theo nhau sụp đổ khi dân chúng đứng lên đòi tự do.
Nước Nga cần những thay đổi nhanh chóng hơn, rộng lớn hơn, trong lúc thành phần bảo thủ phản động trong đảng lại cố kéo lùi bánh xe lịch sử. Trong tình thế ấy, một “cứu tinh” đã xuất hiện: Boris Yeltsin. Đang là bí thư Thành ủy Mạc-tư-khoa, Ông Yeltsin đã đứng ra thách thức chương trình đổi mới, đòi tiến mau tiến mạnh hơn nữa, và trở thành đối thủ chính trị của Gorbachev, và rồi ông đã xé thẻ đảng trước một đại hội, công khai và dứt khoát đứng về phiá quần chúng đang khao khát tự do. Sau đó, ông được bầu làm tổng thống Cộng Hoà Nga trong một cuộc phổ thông đầu phiếu được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử hơn một ngàn năm của nước Nga. Ngày 18.8.1991, bọn giáo điều cuồng tín trong Đàng CS Nga âm mưu đảo chánh, mong đảo ngược tình thế. Yeltsin đã dũng cảm đứng ra kêu gọi quần chúng xuống đường chống lại bọn phản động làm loạn, cứu vãn nước Nga và cứu được chiếc ghế Chủ tịch Liên Sô cho Gorbachev. Nhưng cũng từ đó, Ông Gorbachev đã bị thời cuộc biến chuyển mau lẹ vượt qua. Ngày 24.12.1991, trong bài diễn văn từ chức ngắn đọc trên đài truyền hình Mạc-tư-khoa trước khi giao quyền cho Tổng thống Yeltsin, Ông Gorbachev nói rằng chủ nghiã cộng sản đã đưa Liên Sô vào chỗ bế tắc và ông đã làm xong nhiệm vụ giải thoát dân tộc Nga.
Boris Nikolayevich Yeltsin
Cũng từ lúc ấy, lá cờ búa liềm màu đỏ máu trên nóc Điệm Kremlin đã bị hạ xuống vĩnh viễn, sau 70 năm ám ảnh loài người trong cả những giấc ngủ không yên. Mikhail Gorbachev được lịch sử ghi nhận là người đã giải phóng dân tộc Nga và các dân tộc Đông Âu, và tránh cho nhân loại một cuộc chiến tranh nguyên tử. Nhưng 20 năm sau, tại cái nước Việt Nam bất hạnh vẫn còn bị cai trị bởi đám con cháu của những học trò mê muội của Lê-nin, có anh tướng cuồng tín xưng quân hàm chưa đủ, còn khoe “phó giáo sư” và “tiến sĩ” để nói thay cho đảng những điều ngu dốt và phản động, kết tội ông thầy cũ “Goóc-ba-chốp” là “sai lầm chiến lược” nghiêm trọng nên đã làm tan rã Liên Sô xã hội chủ nghiã. Đây là “bài học” sai lầm của những kẻ cực kỳ phản động không chịu mở mắt trước lịch sử và trào lưu dân chủ hoá đã và đang diễn ra trên khắp thế giới. Viên tướng Nguyễn Tiến Bình dù có khoe chức “phó giáo sư” và “tiến sĩ” cũng chỉ nhai lại những bài bản cũ mèm của đảng:
Trong chiến lược ‘diễn biến hòa bình’ chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng các dự án đầu tư, viện trợ kinh tế, hoạt động ‘ngoại giao thân thiện’, chương trình ‘hợp tác đào tạo’… để tăng cường ‘can dự’ sâu hơn vào công tác nhân sự, ‘đón lõng’ quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ ‘cấp tiến’ thân phương Tây tư bản chủ nghĩa, nhất là trong các cơ quan tham mưu chiến lược và ban lãnh đạo, điều hành đất nước, thúc đẩy ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ ta. Kịch bản này đã được các thế lực thù địch thực hiện thành công ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20.
Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện tốt chiến lược cán bộ. Trong công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhất là những vị trí chủ chốt, cần chú ý lựa chọn, bố trí đúng những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị…”(hết trích)

Đảng CSVN là lịch sử của phản động, phản quốc, tàn bạo và lừa dối…sẽ bị hạ xuống, vĩnh viễn…
Có vẻ đã quá trễ để Đảng CSVN đưa ra những “cảnh báo” như trên. Người dân Việt Nam ngày nay đều đã biết lịch sử Đảng CSVN là lịch sử của phản động, phản quốc, tàn bạo và lừa dối. Nó đã cướp trắng ngày “Cách mạng Tháng 8 năm 1945” của dân tộc Việt Nam. Nó đã đưa nuớc Việt Nam vào hai cuộc chiến tranh “giành độc lập” và “chống đế quốc” không cần thiết. Để chiếm quyền và nắm quyền cai trị cho “đảng”, nó đã sát hại những người quốc gia yêu nước, nó đã cúi đầu nhường đất nhường biển cho Cộng sản Tàu. Nó đã đem bao tai hoạ đến với dân tộc Việt Nam và tàn phá đất nước Việt Nam. Ngày nay người dân Việt Nam đã không còn bị lừa đối và không còn sợ nó. Dù đã “cảnh báo” về “bài học Goóc-ba-chốp” , và dù đã sống thêm được 20 năm sau cái chết của “Liên Sô vĩ đại”, Đảng CSVN cũng sẽ đi tới cùng một nơi với Đảng CS Liên Sô. Ngày ấy, lá cờ đỏ màu máu cũng sẽ bị hạ xuống, vĩnh viễn, khỏi nóc Bắc Bộ Phủ.
Sơn Tùng
4.7.2011

No comments: