Translate

Friday, June 24, 2011

Phản ứng của Việt Nam sau bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu

Theo Dân Luận

Tờ Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) ngày 23/6/2011 viết xã luận phê phán bài “Cứng rắn với Trung Cộng không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam” đăng trên Global Times của Trung Cộng hôm 11/6 vừa qua. Bằng âm lượng khá mạnh, SGGP viết rằng phía Trung Cộng “đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam”. Bài nằm ở link: http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2011/6/260757
Trong khi đó, trang web điện tử Bauxite Việt Nam trong bình luận của mình ngày 23/06 nêu lên những thái độ và hành động rất khó hiểu, thậm chí trái ngược nhau của nhà chức trách Hà Nội trước sự khiêu khích ngang ngược của Trung Nam Hải. Với đề tựa “Làm gì trước thái độ không còn úp mở của Trung Cộng?”, Bauxite VN viết: “Về phía Nhà nước Việt Nam, thử hỏi “hồi chuông cảnh mê” của chính kẻ thù đã đủ “đô” để tỉnh hay chưa? Nhiều động thái chồng chéo, lắm khi trái ngược nhau đang cùng lúc diễn ra thật khó lòng dò đoán”.
Nhận định của Bauxite VN được chứng minh rất gần đây qua bài “Nhận định Biển Đông và sự thức tỉnh” hôm 20/06/2011 [http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-17-bien-dong-va-su-thuc-tinh] của tác giả Giáp Văn Dương. Sau khi đăng 1 giờ Online, đọan đưới đây bị cắt bỏ:
"Lâu nay, để giữ hòa hiếu với Trung Cộng nên ta đã chấp nhận là một người "đồng chí". Nhưng xin nhắc lại là một Trung Cộng có hai chế độ thì họ không có nhu cầu quan tâm đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản ở ViệtNam. Mục đích của họ là lợi dụng luận điểm rằng cả Việt Nam và Trung Cộng đều có Đảng cộng sản để dễ bề qua mắt người dân Việt Nam rằng ta là đồng chí của họ. Trong khi đó, họ lại gặm nhấm từng mẩu đất. Đây là luận điệu rất nguy hiểm mà nếu nhân dân không hiểu được hết để giải thích thì bạn bè quốc tế cũng có thể hiểu sai".
Tại sao cơ quan kiểm duyệt của Đảng CSVN lại cắt bỏ, không muốn nhân dân (người đọc) “hiểu luận điệu nguy hiểm” này? Giấu đầu hở đuôi, phải không các bạn?
Lê Diễn Đức
Nguồn: Facebook
_____________________________

"Thời báo Hoàn Cầu đã đi ngược lợi ích của nhân dân TC"

(VTC News) - Hôm nay (23/6), đánh giá về bài bình luận mang đầy tính xuyên tạc và đe dọa trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Cộng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định, những lời lẽ thiếu thiện chí này không thể đại diện cho nhân dân Trung Cộng.
Trả lời phỏng vấn báo chí về việc Thời báo Hoàn Cầu của Trung Cộng đưa bài bình luận với những lời lẽ không chính đáng, mang tính chất đe dọa về vấn đề biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết:
"Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra những bình luận thiếu thiện chí, không đúng với sự thật, và điều này hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước, gây ra những tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Thời báo Hoàn cầu cũng chỉ là tiếng nói của một nhóm người nhất định, chứ không phải đại diện cho nhân dân Trung Cộng. Tôi tin rằng nhân dân Trung Cộng cũng như nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới đều không thể đồng tình và chia sẻ với những bình luận thiếu thiện chí như vậy của Thời báo Hoàn cầu".
"Về phía Việt Nam, chúng ta bao giờ cũng nói rất rõ ràng về chủ trương giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Cộng. Hai nước đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhân dân hai nước cũng như hai Đảng, hai nhà nước đều rất nỗ lực phát triển mối quan hệ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Tôi tin rằng những bình luận thiếu thiện chí của tờ Thời báo Hoàn cầu đã không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân 2 nước" - bà Nga nói.

Trước câu hỏi của phóng viên AP: "Trong 3 chủ nhật vừa rồi, có hàng trăm người tụ tập trước Đại sứ quán Trung Cộng ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Cộng ở Sài Gòn để phản đối hành động gây hấn của TC ở biển Đông, xin bà cho biết bình luận?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trả lời:
"Về việc này, chỉ có thể nói như sau: Các hành động gây hấn của các tàu Trung Cộng trên biển Đông vừa qua đã gây nên bức xúc lớn trong dư luận nhân dân Việt Nam, và sự việc diễn ra trong những ngày cuối tuần vừa qua đã thể hiện điều này. Chúng tôi xin khẳng định lại lần nữa chủ trương của nhà nước Việt Nam là giải quyết mọi vấn đề thông qua thương lượng hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Đông Linh - Đỗ Hường (ghi)
_____________________________

Làm gì trước thái độ không còn úp mở của Trung Cộng?

Xin bạn đọc nhớ cho, bài báo chúng tôi giới thiệu dưới đây không phải là tiếng nói của một trang mạng địa phương Trung Cộng mà ta thường thấy nhan nhản, để đinh ninh rằng đó chưa phải là lập trường chính thức của Trung Nam Hải. Cũng không phải là tiếng nói của một cá nhân để có thể mơ hồ rằng quan điểm của người viết chưa hẳn là lập trường chính thống của đảng đàn anh. Đây là một bài xã luận hẳn hoi trên Hoàn Cầu thời báo, một trang báo đối ngoại của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Như vậy là quá rõ. Đảng và Nhà nước Trung Cộng đã gióng lên hồi chuông về quyết tâm sử dụng vũ lực đối với Việt Nam để làm sao nuốt cho trôi mọi hoạt động lấn cướp Biển Đông mà họ ra mặt tiến hành từ 1956 đến nay, lúc âm thầm, lúc lộ liễu, nhưng xu hướng ngày càng hung hãn, mà họ thừa biết chỉ có Việt Nam mới đích thực là kỳ đà cản mũi, bởi hầu hết những gì họ đã ngoạm được cũng như những gì đang lăm le muốn ngoạm tiếp, đều thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam từ ngàn đời nay.
Biến hành vi xâm lược, bất thần tấn công giết người hàng loạt, cướp đảo, cướp biển không ghê tay như vụ chiếm Trường Sa năm 1988, thành hành vi “phản kích tự vệ một cách có kiềm chế” đối với người láng giềng mà họ gọi là “hung hăng” song trong tay lại… không tấc sắt! Ngôn từ xảo trá kỳ thực là đại ngu xuẩn của tên đế quốc nước lớn nhằm át giọng kẻ yếu, nhằm che đậy những âm mưu nham hiểm, những kế hoạch thâm độc được bày đặt lớp lang, tỉ mỉ, từng bước, vẫn là thủ thuật muôn đời không có gì thay đổi. Chỉ có khác là lần này không còn gì để mà che đậy, tự họ đã gạt cái lá nho để lòi bộ mặt và cái miệng nhơ bẩn, và phun hết ra mọi dã tâm của họ, rằng bất chấp luật pháp quốc tế, họ đang ngốt lên với bao nhiêu tài sản đang chìm sâu dưới Biển Đông mà cái lưỡi bò thè lè của họ ngày nào chưa liếm được thì vẫn ăn không ngon ngủ không yên. Thế có nghĩa là tự họ đang trơ tráo muốn công khai xé bỏ mọi hiệp ước hòa bình và hữu nghị mà họ rủ rê Việt Nam ký với họ và Việt Nam vẫn nghiêm chỉnh tôn trọng; tự họ đã xéo hẳn lên “16 chữ” và “4 tốt” mà họ ban cho Việt Nam làm phương châm hữu hảo mà Việt Nam lâu nay vẫn nghiêm túc chấp hành. Nghĩ mà thương cho ông Đại tá Hải quân chúng ta vừa rồi đến thăm Hải quân nước họ vẫn phải nhắc lại mấy chữ xỏ lá ấy như một bài đọc thuộc lòng.
Họ lại còn cố tình dọa dẫm trước đối với Hoa Kỳ, để Hoa Kỳ đừng có léo hánh tới đây một khi họ ra tay hạ thủ “người anh em chí cốt”. Các đồng chí Trung Hoa chúng ta quả thật suy nghĩ chỉn chu mọi lẽ. Họ có lường tính được phản ứng của thế giới đối với mình ra sao trong Hội nghị an ninh Biển Đông mới diễn ra tức thời hay không? Họ có biết khắp nhân loại từ Đông sang Tây đang ngày càng ngấm ngầm sục sôi một câu hỏi: “Nguy cơ Trung Hoa Đỏ” đối với cuộc sống an lành nhiều mặt của các châu lục liệu có giống như nguy cơ Hitler trước Thế chiến II hay không? Hay họ chỉ biết mình là một con báo đang say mồi, mắt nhìn mải mê con mồi mà bất chấp tất cả? Trong thế giới phẳng ngày nay, không ai cho phép một thứ chúa tể rừng xanh ngang nhiên “một mình một rừng” như thế.
Về phía Nhà nước Việt Nam, thử hỏi “hồi chuông cảnh mê” của chính kẻ thù đã đủ “đô” để tỉnh hay chưa? Nhiều động thái chồng chéo, lắm khi trái ngược nhau đang cùng lúc diễn ra thật khó lòng dò đoán. Nhưng quyết tâm xây dựng một bản lĩnh kiên cường trong chiến lược nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo, quán triệt ra ở mọi chủ trương chính sách, và một sự cởi mở thật sự trong quan điểm chính trị, trong đường lối dân chủ hóa, chứng tỏ cái lượng của người cầm chịch thành tâm quy tụ lòng dân, là yêu cầu cần kíp bậc nhất vào lúc này. Không thể nào đương đầu với con sói đã há miệng nhe nanh trước mặt mình mà lại cứ mơ tưởng có thể tìm cách đến gần vuốt ve, gãi ngứa vào mông nó để nó lãng quên và ngậm miệng lại. Càng không thể đương đầu với nó bằng sự đơn độc vì nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù, sợ hãi đến mức lảng tránh những bàn tay đang sẵn sàng chìa ra giúp đỡ. Những lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Jim Webb và nhiều bạn bè khác khắp năm châu… nhân dân ta đều nghe và ai cũng hiểu, chẳng lẽ riêng ai đấy cứ làm đui làm điếc vì quá “cảnh giác” với những thứ gọi là “diễn biến hòa bình” không có thật, và để rồi lại vuột mất một cơ hội như bao lần đã để vuột trước đây?
Hãy luôn luôn ghi khắc vào trong óc lời khuyên vàng ngọc này của nhà tư tưởng thiên tài Ức Trai: “Thời cơ, thời cơ, không nên lầm lỡ”.
Bauxite Việt Nam
_____________________________

Đường "lưỡi bò" phi lý: Xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam

Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu (Trung Cộng) đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề "Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Để dư luận ở Việt Nam và Trung Cộng cũng như ở khu vực và trên thế giới hiểu đúng sự việc, nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.


2 trong số 3 tàu hải giám Trung Cộng đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011
Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Cộng chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành "láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.
Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Cộng không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Cộng vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Cộng phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Cộng "lớn tiếng” nhất. Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề "Cứng rắn với Trung Cộng  không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.
Để dư luận ở Việt Nam và Trung Cộng cũng như ở khu vực và trên thế giới - đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Cộng trên Biển Đông - hiểu đúng sự việc, thiết nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.
Bài xã luận nói Việt Nam "đe dọa”, "dọa dẫm” Trung Cộng thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Cộng mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Cộng không chỉ là "đe dọa” hay "dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ. Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Cộng đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Cộng. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.
Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11-6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam "dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Cộng có thể đưa ra”, "nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại...” (nhân đây, tuy rất không muốn nhưng buộc phải nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Cộng tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt). Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.
Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Cộng và những bài đại loại như xã luận ngày 11-6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Cộng (không phải với nhân dân Trung Cộng nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là "người dân Trung Cộng khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.
Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa "nước lớn” và "nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Cộng cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Cộng trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương "tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa "trỗi dậy hòa bình”.
Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế..., phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước... Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Cộng thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Cộng trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại. Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu "trùm chăn mà đánh” được! Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Cộng đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Cộng đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Cộng hàng ngàn dặm)? Trung Cộng đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Cộng đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.


Vị trí tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Cộng cắt cáp cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý ngày 26-5-2011
Bài xã luận đánh giá rằng, "Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ "Hà Nội” bằng chữ "Bắc Kinh” là đủ! Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Cộng đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: "mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi". Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!
Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Cộng và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Hoàng Trường

No comments: