Translate

Tuesday, June 21, 2011

Đôi lời về liêm sỉ của báo chí

Theo danchiimviet.info
Việt Nam có trên 700 tờ báo và hơn 15.000 nhà báo được cấp thẻ

Có người gọi tôi là nhà báo. Người khác gọi bằng cái tên nghe ‘kêu’ hơn nữa: Ký giả. Xin minh định ngay rằng, đó là chuyện (riêng) của họ. Cá nhân tôi chưa từng một lần xưng mình là nhà báo, thậm chí “lều báo” cũng không. Và đương nhiên, tôi chẳng dính dáng gì tới nền “báo chí cách mạng” đồ sộ và vĩ đại của Việt Nam mà hôm nay là kỉ niệm sinh nhật lần thứ 86 của nó (21/6/1925-21/6/2011). Nhưng xin mượn ngày này để nói đôi điều về liêm sỉ của báo chí.
Thời buổi người ta bàn về tiền bạc, đại gia, chân dài và các ngón nghề ăn chơi hưởng lạc, bàn về liêm sỉ quả là vô duyên và lạc lõng. Nhưng không thể không có mấy lời nhất là sau bản tin của một cơ quan báo chí hàng đầu tại Việt Nam vừa qua, tờ Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).

“Nhục nhã và sai trái”
Liên quan tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 5/6/2011 ở Hà Nội và Tp. HCM mà hầu hết các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, AFP, BBC, Reuters… đã đăng bài và vô vàn tin tức, hình ảnh trên hàng trăm trang blog cá nhân cũng các trang web “phi cách mạng”, TTXVN đã mô tả như sau:
Về việc một số người tụ tập gần Đại sứ quán Trung Quốc:
“Ngày 5.6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM. Đó là thông tin sai sự thật.
Trên thực tế, sáng 5.6, có một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những người này cho rằng, hành động của các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Những người này tụ tập một cách trật tự, bày tỏ thái độ một cách ôn hòa, và sau khi được các đoàn thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích, họ đã tự giải tán, ra về”.
Chỉ 270 chữ. Rất ngắn. Nhưng nó đủ để cho thấy liêm sỉ của cơ quan ngôn luận đại diện cho một nhà nước lớn tới cỡ nào. Và sự trơ trẽn, dối trá, đổi trắng thay đen của họ ở mức độ ra sao.
Những video clip được đưa lên mạng cũng như sự mô tả của các nhân chứng, sự tường thuật trực tiếp của các phóng viên nước ngoài cho thấy con số “hàng ngàn người” là hoàn toàn đáng tin cậy. Theo những đánh giá khác nhau, có từ 3.000 tới 8.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hôm 5/6 được cho là lớn nhất ở Sài Gòn kể từ sau năm 1975, Hà Nội khoảng vài trăm tới 1.000. Nhưng TTXVN miêu tả là “sự tụ tập của một số ít người“. Các phóng viên AP, Reuters, AFP… đều bị cho là đã đưa tin “sai sự thật”!
Nhiều trang báo trong nước, sau đó đều đăng tải lại bản tin này của TTXVN theo dạng chay (không hình ảnh) và đó cũng là tin tức duy nhất mà họ đề cập tới sự kiện biểu tình. Xưa nay, báo chí Việt Nam đã lờ đi rất nhiều sự việc mà nhà nước cho là “nhạy cảm” nhưng thà vậy có lẽ còn hơn là đưa một bản tin lố bịch đến mức như thế.
Người ta có thể đặt câu hỏi, những sự việc xảy ra giữa thiên thanh bạch nhật với sự chứng kiến của hàng ngàn người, trong đó có cả báo giới ngoại quốc, hàng trăm bức hình tràn ngập trên mạng mà TTXVN còn sẵn sàng đổi trắng thay đen như vậy, thì thử hỏi những việc xảy ra ở Đồng Chiêm giữa đêm hôm khuya khoắt, hay Cồn Dầu, Mường Nhé… mức độ chính xác của các thông tin đó được bao nhiêu phần trăm?
Có rất nhiều bài viết bình luận, mổ xẻ bản tin này của TTXVN, luật sư Lê Hiếu Đằng đã chấp bút một bức thư ngỏ gửi ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên Giáo TW, Chủ tịch hội Nhà Báo… nhưng các phản hồi này đều thuộc giới báo chí ngoài lề, tức “phi cách mạng”. Nhịp Cầu Thế Giới cho tới nay là tờ báo hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, trong số 700 tờ báo của nền “báo chí cách mạng” đã đưa ra lời bình luận về bản tin của TTXVN, dưới dạng bài viết của một người dân, là “nhục nhã và sai trái“.
Đó là một vết nhơ trong nền báo chí Việt Nam. Tiếc rằng, những vết nhơ như vậy lại quá nhiều và diễn ra khá thường xuyên.
Từ vô cảm tới phản cảm
Có rất ít nhà báo, ít tới mức đếm trên đầu ngón tay, trong số trên 15.000 nhà báo chính quy, được cấp thẻ, hạ bút viết về cuộc biểu tình hi hữu này. Đoan Trang nói, cô đã phải đi tụt lại cuối đoàn biểu tình bởi không muốn ai nhìn thấy rằng mình đang khóc. Khóc vì cảm động trước tình yêu nước nồng nàn của giới trẻ.
Nhà báo Huy Đức có chung cảm giác như vậy khi anh kết luận: “Chảy nước mắt khi cảm thấy dân mình đơn độc“.
Đơn độc cũng là sự cảm nhận của rất nhiều bạn trẻ chia sẻ trên các trang blog hay Facebook cá nhân. Họ cô đơn bởi sự thờ ơ của hơn 80 triệu đồng loại, bởi sự đàn áp vô lối của lực lượng an ninh và nguy hiểm hơn nữa là sự quay lưng hoàn toàn của các cơ quan truyền thông trong nước.
Báo chí nhiều năm nay động đâu cũng bị cấm, chỗ nào cũng “nhạy cảm” dần sinh lá cải. Những việc đại sự quốc gia, quan hệ quốc tế, văn hóa hay đạo đức xã hội, chống tham nhũng.v.v. dường bị chìm nghỉm trên mặt báo trước những cơ man nào là tin tức về các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, đại gia cặp với chân dài hay người đẹp này sành điệu, người mẫu kia lộ hàng.v.v.
Chuyện hàng ngày là vậy, điều đáng nói là, vào lúc nước sôi lửa bỏng khi Trung Quốc 2 lần cắt cáp thăm dò của Việt Nam, khí thế sôi sục chống Trung Quốc sau bao năm bị kìm nén trong lòng dân chúng đang bùng phát mạnh mẽ, không một dòng tin, không một bài viết  về những cuộc xuống đường thể hiện tình yêu nước, nhưng báo chí Việt Nam lại thi nhau đưa tin về một cuộc diễu hành khác. Đó là hành trình của một dàn xe siêu khủng.
Cuộc phô diễn của những chiếc xe triệu đô, đẹp và sang trọng vào loại nhất thế giới do đại gia Cường đô la tổ chức, sẽ thực hiện một chuyến đi từ Tp. HCM ra Đà Nẵng.
Cường đô la, một tên tuổi nổi bật trên mặt báo Việt Nam trong đôi năm trở lại đây luôn sánh vai với hàng tá người đẹp, ca sĩ cũng như nổi tiếng với những bộ sưu tập xe hơi triệu đô hoành tráng. Một thiếu gia xuất thân từ phố núi Plejku từng bị án tù  về đua xe và hối lộ cảnh sát, sự nghiệp làm giầu của gia đình bắt đầu từ hoạt động buôn lậu gỗ và phá rừng có thể coi nhẹ chuyện liêm sỉ, thậm chí không cần biết tới thứ xa xỉ đó, nhưng những tờ báo hàng đầu của Việt Nam không lẽ cũng không có hay sao?
Ba lần biểu tình, 3 ngày Chủ nhật, ở cả 2 thành phố lớn nhất trong cả nước, nơi quy tụ của các tòa báo, nhưng các nhà báo đều giả đui, giả điếc. Nếu không thể, hay không được phép đưa tin thì cũng xin các nhà báo (tạm) nhịn chuyện xe cộ, đùi vế, váy áo đi mấy hôm, nếu có chút lương tâm nghề nghiệp. Những chuyện phô diễn xe cộ vào lúc này chướng tai, gai mắt lắm!
Dân chúng có quyền đòi hỏi liêm sỉ ở những người cầm bút, trước khi đòi hỏi nó ở những người cầm các vật dụng khác như búa, kìm, cày, cuốc hay dùi cui. Bởi họ mang sứ mệnh góp phần hình thành nhận thức và nhân cách của một xã hội. Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng trong những năm vừa rồi có một nguyên nhân không nhỏ từ xu hướng lá cải hóa của báo chí, từ sự lấn án quá mức của những chuyện ăn chơi hưởng lạc tầm thường mà quên mất những điều thiêng liêng của quốc gia, dân tộc. Và còn bởi sự dối trá vẫn ẩn nấp dưới ngòi bút của không ít các nhà báo.
Xin hãy dành, dù chỉ một ngày duy nhất trong năm, ngày sinh của nền báo chí cách mạng, 21 tháng Sáu, để nghiêm chỉnh nhìn nhận về đạo đức của nghề báo.
© Đàn Chim Việt

No comments: