Translate

Sunday, April 10, 2011

Tượng đài Cù Huy Hà Vũ

Theo Nữ Vương Công Lý
Tượng đài Cù Huy Hà Vũ
Cù Huy Hà Vũ không phải là người ngây thơ. Chỉ cần nhìn vào những người dám đấu tranh cho tự do, dân chủ, dám đứng về phía người nghèo để chống lại bạo quyền, ông hẳn đo lường được hiểm hoạ có thể đến với bản thân, với gia đình. Nhưng con người đó đã dám liều mạng, dám hy sinh. Tôi chợt nghĩ đến lời Chúa Giê-su : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Một giả thuyết

Cứ giả sử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không bị bắt, cứ tiếp tục hành nghề luật sư, thỉnh thoảng đưa ra một lời tuyên bố “động trời”, thì cũng khó gây chấn động hơn là khi ông đòi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay đòi huỷ bỏ điều 4 của Hiến pháp, hay ngay cả khi đòi liên minh với Hoa Kỳ. Cứ để cho ông nói “cho sướng miệng”, có chết gì ai đâu. Cho đến giờ này, ông đâu có gây được ảnh hưởng gì trên các phương tiện truyền thông ở trong tay nhà nước. Bằng cớ là ngày này qua ngày khác, báo chí cứ ê a ba chuyện cụ rùa hôm nay thế này, ngày mai thế kia. Tìm được đề tài để viết mà không bị gõ đầu là sướng quá rồi, đâu có ai dại gì đi theo cái ông luật sư “ăn được gan trời” để mang hoạ vào thân !

Bắt xong sẽ tìm ra tội

Thế nhưng đêm 05-11-2010, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt tại khách sạn Mạch Lâm tại Sài Gòn, với một người phụ nữ. Sau khi tiến hành khám xét và bắt được “2 bao cao su đã qua sử dụng”, chính quyền cộng sản Việt Nam đã muốn biến tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thành một kẻ tầm thường, một khách “mua hoa”, cho dù chưa phải là hoa học đường như ông thầy hẳn đã từng dạy đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh, hay các quan chức đầu tỉnh Hà Giang. Nhưng có lẽ sau đó vì hiểu ra rằng không thể cầm thứ vật chứng đó mà không bẩn tay, nên tội mua dâm đã hoá phép thành tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Tuy nhiên nếu làm thất thoát của nhà nước đến 4 tỷ rưỡi đô-la như vụ Vinashin mà bị coi là chuyện nhỏ chưa đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì “tuyên truyền chống nhà nước” phải được biến thành tội kinh thiên động địa đến mức nào… Và mọi người nóng lòng chờ ngày bị can Cù Huy Hà Vũ xuất hiện trước vành móng ngựa để xem ông to gan lớn mật tới đâu !
Những tưởng phiên toà sẽ diễn ra ngay tại sân Mỹ Đình, trước bàn dân thiên hạ, với các đại diện của ngoại giao đoàn và các hãng thông tấn quốc tế, nhất là mấy báo đài như VOA, BBC, hay Á Châu Tự Do… ngày ngày rỉ rả : Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Trước khi phiên toà diễn ra

Thế nhưng khác với điều mọi người mong đợi, phiên xử lại diễn ra tại Toà án nhân dân Tp. Hà Nội, và không phải ngày 24-03 như đã báo trước, nhưng là ngày 04-04. Rất nhiều người đã nóng lòng chờ đợi ngày đó.
Có người háo hức đến không chịu nổi, nên mới ngày 22-03 đã mang hoa tới văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ. 4 lẵng hoa tổ chảng. Đã vậy lại còn ghi “Tổ quốc và nhân dân bên cạnh anh chị”. Chẳng biết có phải hai chữ “nhân dân” đã gây đụng chạm hay không, mà công an nhân dân đến bắt gia chủ phải khênh hoa vào trong nhà chứ không được để ở ngoài. Và khi gia chủ không tuân lệnh, liền cho xe đến cướp đi. Xem ra những bông hoa lộng lẫy, dễ thương cũng làm người ta sợ !
Cuối cùng thì ngày 04-04 đã tới. Từ sáng sớm đã có rất nhiều người đổ về Toà án nhân dân Tp. Hà Nội để xem vụ xử “công khai”. Thế nhưng cũng từ rất sớm, hàng hàng lớp lớp cảnh sát cơ động, rồi công an, rồi dân phòng, chìm nổi đủ thứ, đã dựng ba-ri-e chung quanh toà án. Nhiều người bị ngăn cản, bị chặn hỏi, bị giật máy ảnh, điện thoại di động, một số người bị bắt, trong đó có những nhân vật đã thành nổi tiếng như luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Không cần nhắc lại diễn tiến phiên xử đã được ghi lại trong vô số bài viết từ mấy ngày qua.

Dư chấn của phiên toà ngày 04-04

Với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế, dành cho phạm nhân Cù Huy Hà Vũ, phiên toà ngày 04-04 tại Hà Nội đã gây bàng hoàng cho bất cứ ai theo dõi vụ việc từ nhiều tháng nay. Riêng đối với những người chủ trương yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, hẳn phải nghiêm túc đặt câu hỏi : thế lực thù địch nào đã đứng đàng sau tác động để dẫn đến những hậu quả không thể tồi tệ hơn cho uy tín của chính quyền cộng sản Việt Nam ? Còn nếu tất cả đã diễn ra theo ý muốn và kế hoạch của chính quyền, thì phải chăng phiên toà ngày 04-04 vừa qua là khúc nhạc dạo đầu của một bản giao hưởng chào mừng người trúng cử ngay vòng đầu cuộc bỏ phiếu chọn lãnh tụ cho một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thực sự tự do, thực sự dân chủ ? Ai quan tâm lên mạng đi tìm thì dễ dàng nhận ra : phiên toà ngày 04-04 đã tạo nên một đợt sóng thần khủng khiếp với một lượng bài viết khổng lồ. Xin ghi lại đây nhận định của tác giả Song Chi trả lời đài RFA : “Đây là lần đầu tiên có một người bất đồng chính kiến bị bắt mà nhận được đông đảo sự ủng hộ của dư luận như vậy, bất kể trong hay ngoài nước, phe này hay phe khác. Không thể kể hết những tờ báo, tổ chức, cá nhân đã lên tiếng hoặc đã có những hành động cụ thể khác nhau để ủng hộ ông Vũ. Nhưng đặc biệt là sự ủng hộ của nhiều nhân sĩ, trí thức và hàng loạt các đảng viên cộng sản công thần của chế độ như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Lê Hữu Đức, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh v.v…và sự phối hợp lên tiếng của các tổ chức tôn giáo từ công giáo, giáo hội PGHH thuần túy, giáo hội Phật giáo VN…” Ta có thể nói qua phiên toà ngày 04-04 chính quyền cộng sản Việt Nam đã củng cố thanh thế của một người đấu tranh cho tự do, dân chủ, tạo điều kiện cho ông xuất hiện như một người yêu nước, một anh hùng dân tộc, đã dựng lên một tượng đài hoành tráng mang tên Cù Huy Hà Vũ.

Dưới cái nhìn của người Ki-tô hữu

Vụ án Cù Huy Hà Vũ diễn ra ngay giữa Mùa Chay, vào lúc các tín hữu Chúa Ki-tô chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh mà cao điểm là Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Ngay từ đầu Mùa Chay. Hội Thánh đã kêu mời các tín hữu nghe lời ngôn sứ I-sai-a : “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?” (Is 58,6-7).
Qua tuần 2 Mùa Chay thì chính Đức Giê-su cảnh cáo : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘thầy’.” (Mt 23,1-7).
Cù Huy Hà Vũ không chịu phép rửa tội, không phải là người Công Giáo, không ngồi trên toà ông Mô-sê để dạy dỗ tín đồ. Nhưng ông đã xả thân phục vụ đồng bào, bảo vệ văn hoá, bảo vệ môi sinh, tranh đấu cho tự do, dân chủ, cho công lý, cho toàn vẹn lãnh thổ quốc gia qua các vụ án lừng danh như :
– kiện Uỷ Ban Nhân Dân Thừa Thiên Huế nhận dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh tức trên vùng đất đan viện Thiên An ;
– kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxite Tây Nguyên ;
– tố cáo ông Vũ Hải Triều, phó tổng cục trưởng tổng cục An ninh tuyên bố đã đánh sập 300 trang mạng ;
– yêu cầu xoá bỏ điều 4 Hiến pháp để đất nước được thực sự dân chủ, tự do.
Đặc biệt hơn cả là vụ Cồn Dầu. Trong khi mục tử của giáo phận Đà Nẵng chẳng những không đi trước, đi giữa hay đi sau đoàn chiên, nhưng tiếp tay cho chó sói ăn thịt đoàn chiên, thì tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã nhận lời đứng ra bênh vực, cho dù sau đó không được nhà nước chấp thuận.
Muốn đánh giá những việc làm như trên đây của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, ta hãy nhớ là có lần Chúa Giê-su đã biểu dương lòng tin của một người ngoại đạo (ngoại đạo có nghĩa là không tin) là viên đại đội trưởng Rô-ma khi Ngài tuyên bố : “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế” (Mt 8,10). Thiết tưởng nay Ngài cũng có thể nói về tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ như vậy. Và tiếp theo sau Chúa Giê-su, thánh Gia-cô-bê đã không hề úp mở khi nói : “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết… Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,17-18). Lời giáo huấn này đưa đến một hệ luỵ là chúng ta, những thành phần trong Giáo Hội, giám mục, linh mục hay giáo dân, chúng ta là những người có đạo, nhưng không đương nhiên có đức tin.
Cù Huy Hà Vũ không phải là người ngây thơ. Chỉ cần nhìn vào những người dám đấu tranh cho tự do, dân chủ, dám đứng về phía người nghèo để chống lại bạo quyền, ông hẳn đo lường được hiểm hoạ có thể đến với bản thân, với gia đình. Nhưng con người đó đã dám liều mạng, dám hy sinh. Tôi chợt nghĩ đến lời Chúa Giê-su : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và bạn hữu ông Cù Huy Hà Vũ là cả dân tộc Việt Nam.

Kết luận

Đối diện với Hội đồng xét xử, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ xuất hiện giữa 2 viên công an mang sắc phục ; dù 2 tay phải mang còng số 8 ở phía sau, đây không phải là một phạm nhân cúi đầu nhận tội để được khoan hồng, nhưng là một con người tự tin, bình thản, hiên ngang vì ý thức những việc mình làm. Phiên toà ngày 4 tháng 4 đã tạo điều kiện cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đi vào lịch sử Việt Nam như một người yêu nước, như một bậc anh hùng.
Sài Gòn, ngày 09 tháng 04 năm 2011
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com

No comments: