Theo NguoiViet Boston
Nguyễn Chính Kết
Lạn Tương Như và Liêm Pha là hai vị tướng lớn nhất nước Triệu. Tương Như có công đoạt lại viên ngọc bích của vua Triệu từ tay vua Tần, lại cứu vua Triệu khỏi bị vua Tần làm nhục (hai việc ấy không mấy ai làm được). Vua Triệu nhớ ơn, phong Tương Như chức Thượng Tướng. Liêm Pha thấy vậy sanh lòng ganh tị, cho rằng mình có công to đánh thành chiếm đất, còn Tương Như chỉ nhờ tài ngoại giao mà được chức cao hơn mình. Ông quyết định hễ gặp Tương Như là sẽ giết ngay.
Tương Như biết thế nên tìm mọi cách tránh mặt Liêm Pha: các buổi chầu đều cáo bịnh không đến, ra đường thấy đoàn của Liêm Pha đi tới liền tránh vào ngõ, đợi Liêm Pha qua khỏi mới ra. Các quan trong triều đều cho Tương Như là hèn nhát, thủ hạ của ông cũng xấu hổ không muốn theo phò ông nữa.
Bất đắc dĩ Tương Như phải phân trần: “Vua Tần trong thiên hạ không ai dám chống, thế mà ta dám mắng vua Tần, chẳng lẽ ta lại sợ Liêm Pha? Nhưng hiện nay, sở dĩ Tần không dám đánh Triệu là vì còn có ta và Liêm Pha. Nếu ta và Liêm Pha đánh nhau, ắt một trong hai phải chết, nước Triệu sẽ yếu đi, Tần sẽ thừa cơ đánh Triệu. Việc nước mới là quan trọng, còn việc ta bị chê là hèn nhát, có gì quan trọng đâu?”
Liêm Pha nghe nói lấy làm xấu hổ, bèn đích thân đến nhà Tương Như xin lỗi. Từ đó, hai người kết làm anh em, trọn đời không thay dạ đổi lòng. Nước Tần vì thế không dám đánh Triệu. (Xem Đông Chu Liệt Quốc, hồi 96).
Tư tưởng ganh tị trong nội tâm Liêm Pha là phản ứng tâm lý rất tự nhiên vẫn thường xảy ra trong tâm trí mọi người: thấy người khác hơn mình, giàu có, may mắn hoặc tài giỏi hơn mình, ai cũng cảm thấy buồn vì mình thua kém họ. Nhưng phản ứng kế tiếp sau đó mới xác định mức độ cao thượng hay quân tử của từng người.
− Người cao thượng hay thánh thiện thì vui vẻ chấp nhận sự thật đó. Ngoài nỗi buồn vì thấy mình thấp kém thì còn niềm vui vì thấy người kia hơn mình, nên thành thật ngỏ lời khen ngợi, chúc mừng.
− Người tốt nhưng không cao thượng lắm thì để cho nỗi buồn ấy canh cánh trong lòng, nhưng ráng tự chế để không làm điều gì có hại cho người kia.
− Người ít cao thượng hơn nữa thì cay cú, bực bội trong lòng, và nhất định phải làm sao hạ giá trị người kia, như dèm pha, nói xấu người ấy, hoặc làm điều gì hại người ấy cho bõ ghét.
Trong chuyện trên, Liêm Pha là người ít cao thượng. Lòng ganh tị khiến ông quyết định giết Tương Như mặc dù ông này hoàn toàn vô tội. Giết được Tương Như, Liêm Pha sẽ cảm thấy lòng ganh tị được thỏa mãn, nhưng sau đó tai hại rất lớn sẽ ập đến: Nước Triệu sẽ suy yếu vì mất đi một người tài rất cần thiết cho sự tồn vong và phát triển của đất nước, và sẽ bị nước Tần thôn tính, dân cả nước sẽ đau khổ lầm than. Còn bản thân ông chưa chắc được toàn mạng: vua Tần có thể giết hoặc bỏ tù ông. Vì: nước mất là mất tất cả. Lòng ganh tị khiến ông chỉ nhìn thấy tự ái của ông mà không nhìn thấy đại cuộc.
Về phần Tương Như, khi thấy Liêm Pha thù ghét mình, đương nhiên ông cũng rất buồn khổ. Tự ái chắc chắn khiến ông nảy sinh ý tưởng: phải cho Liêm Pha một bài học đáng đời, nhất là cho mọi người thấy mình không hèn nhát đến nỗi phải sợ sệt Liêm Pha. Và rất có thể ông dư khả năng hại Liêm Pha. Nhưng nghĩ đến đại cuộc, ông thấy việc thỏa mãn tự ái cá nhân của ông sẽ rất tai hại cho đất nước. Vì thế ông chấp nhận: thà bị người đời cho là hèn nhát, bị lép vế còn hơn để cho nước mất nhà tan.
Chuyện tương tự như trên xảy ra thường ngày trong xã hội, trong chính trường, trong học đường, trong bất cứ môi trường nào có kẻ hơn người kém. Sự thường, số người đặt tự ái hay quyền lợi cá nhân hoặc đảng phái trên quyền lợi chung của xã hội, của đất nước như Liêm Pha không phải ít. Còn số người có tâm hồn vì đại cuộc hơn tiểu cuộc như Lạn Tương Như quả không nhiều, thậm chí hiếm. Bao lâu tâm thức chung của xã hội chưa vượt khỏi mức tầm thường ấy thì lực lượng thiện trong xã hội khó có đủ sức mạnh để thắng được lực lượng ác. Một đất nước có tỉ lệ quá lớn người coi quyền lợi riêng nặng hơn quyền lợi chung, hoặc đa số người lãnh đạo đặt tiểu cuộc trên đại cuộc, nếu đất nước ấy bị cái ác tàn phá, dân chúng lâm cảnh đau khổ điêu linh, thì đó là chuyện dễ hiểu, thậm chí là tất yếu.
Hạnh phúc hay thịnh vượng chung của một dân tộc, chính là hoa trái phát sinh từ tâm thức chung của dân tộc ấy. Tâm thức ấy được thể hiện ngay trong cách hành xử thường ngày của mỗi cá nhân trong gia đình, xã hội, trường học, sở làm… Gia đình là xã hội nhỏ nhất, nếu người trong gia đình đặt nặng vui thú cá nhân mình hơn hạnh phúc chung của gia đình, thì ngoài xã hội y cũng sẽ đặt quyền lợi riêng của mình trên quyền lợi xã hội. Một tổ chức không chấp nhận chia sẻ uy thế hay quyền lợi của mình nên từ chối kết hợp hay liên kết với những tổ chức khác cùng mục đích với mình để thành một lực lượng tổng hợp đủ mạnh hầu chiến thắng thế lực ác, tổ chức ấy đã đặt tiểu cuộc lên trên đại cuộc. Một dân tộc trong đó có các tổ chức đa số đặt nặng tiểu cuộc và coi nhẹ đại cuộc như thế, dân tộc ấy có bị sự ác thống trị cũng là chuyện không sao tránh được.
Vấn đề căn bản cần đặt ra chính là cải tạo tâm thức của từng cá nhân, sao cho ai cũng biết đặt nặng quyền lợi chung hơn quyền lợi riêng, coi đại cuộc quan trọng hơn tiểu cuộc. Đó là vấn đề của giáo dục, mà hiện nay, trong một xã hội vô thần, vô đạo đức, tôn giáo hẳn nhiên phải lãnh một vai trò rất quan trọng. Nếu các vị lãnh đạo tôn giáo và các trí thức trong tôn giáo cũng lại đặt tiểu cuộc lên trên đại cuộc, đặt quyền lợi tôn giáo mình trên quyền lợi tổ quốc, thì không biết đất nước mình sẽ đi về đâu?
Houston, ngày 24-4-2011.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment