Lần đầu tiên Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tổ chức đi đầu trong phong trào phòng, chống tham nhũng toàn cầu, thực hiện một khảo sát đầy đủ ở Việt Nam với 1000 người dân ở năm thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Đây là một phần trong những công cụ đánh giá tham nhũng của TI gọi là Phong Vũ Biểu Tham nhũng Toàn cầu, phỏng vấn hơn 91.000 người ở 86 quốc gia
62 % trong số người được hỏi cho rằng tham nhũng gia tăng tại Việt Nam trong ba năm qua.
Trong các lĩnh vực “cảm nhận’’ có tham nhũng, cảnh sát được cho là ngành đứng đầu tham nhũng ở Việt Nam - với 82% số người được hỏi đồng ý.
Theo sau là giáo dục (67%), cán bộ nhà nước, nhân viên hành chính công (61%), và tư pháp (52%).
Liên quan đến trải nghiệm về tham nhũng (tỷ lệ người dân có liên hệ với ngành/dịch vụ trả lời có đưa hối lộ), cảnh sát vẫn dẫn đầu các ngành mà người dân phải trả hối lộ nhiều nhất (49%). Tiếp theo là giáo dục (36%), y tế (29%) và hải quan (29%).
Ai phê phán nhiều hơn?
Khảo sát tại Việt Nam do công ty tư vấn Indonchina Research, đại diện cho hãng nghiên cứu Gallup International tại Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).
Nó đưa ra một số kết quả thú vị. Ví dụ, phụ nữ tỏ ra bi quan hơn về tham nhũng so với nam giới.
Những người về hưu và thất nghiệp phê phán vấn nạn nhiều hơn, trong khi xét về tôn giáo, người theo đạo Phật và Thiên Chúa giáo ít nhìn tiêu cực hơn.
Tham nhũng gia tăng được cảm nhận nhiều hơn ở phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội (58% so với 37% ở TP. HCM). 86% người trả lời ở Hà Nội cảm nhận giáo dục có tham nhũng.
Lớp tuổi từ 31-40 trải nghiệm tham nhũng nhiều hơn so với các độ tuổi khác.
Lý do hối lộ
Cũng theo khảo sát, 84% người được hỏi nói họ hối lộ để "đẩy nhanh công việc", 9% nói để "tránh phiền hà với chính quyền".
Khi được hỏi về mức độ tin tưởng đối với thể chế chính trị, nhóm người dưới 40 tuổi ít tin tưởng vào chính phủ hơn nhóm người từ 41-50 (40-42% so với 54%).
Những người được xem là có thu nhập thấp lại tin tưởng chính phủ nhiều hơn, so với những người thu nhập cao tin vào giới truyền thông nhiều hơn.
Ở Hà Nội, người dân ít tin vào chính phủ hơn - 38% so với 49% ở TP. HCM, hay 61% ở Cần Thơ.
Người dân thủ đô cũng xếp cao hơn khi nói "không tin ai" (17%) so với 9% ở TP. HCM.
Khi được hỏi người dân có thể tạo sự khác biệt hay không, những người thu nhập cao (73%) tin vào điều này hơn là nhóm thu nhập thấp (chỉ có 49%).
Người Hà Nội có vẻ thuộc nhóm hồ nghi nhất khi cũng ở câu hỏi này, chỉ có 61% đồng ý, thấp nhất so với tỷ lệ chung 67%.
Chỉ có 48% người ở Hà Nội nói họ sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng, cũng thấp nhất trong khảo sát, so với 94% người ở Cần Thơ.
So sánh với các nước
Theo khảo sát, người dân Việt Nam phải đưa hối lộ nhiều hơn so với người dân ở các nước láng giềng - cao hơn cả Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và chỉ kém Campuchia.
Tuy vậy, người Việt lại nhận định tích cực hơn về nỗ lực của chính phủ so với các nước láng giềng.
Mặc dù phải đưa hối lộ nhiều hơn các nước láng giềng, nhưng người Việt lại cảm nhận tham nhũng trong các ngành ít hơn so với các nước trong vùng.
Theo khảo sát, số người báo cáo đưa hối lộ nhiều nhất năm 2010 là Afghanistan, Cambodia, Cameroon, Ấn Độ, Iraq, Liberia, Nigeria, Palestine, Senegal, Sierra Leone và Uganda với tỉ lệ hơn 50% người trả lời có đưa hối lộ trong vòng 12 tháng qua.
Ở cấp quốc gia, Phong Vũ Biểu năm 2010 chứa đựng những thông tin hữu ích cho cải tổ chính sách và thiết kế những nghiên cứu sâu hơn nữa trong những lĩnh vực được công chúng đánh giá là tham nhũng nhất.
Hướng tới Minh Bạch
Hướng tới Minh Bạch, một tổ chức tư vấn độc lập và là cơ quan đầu mối quốc gia của Transparency International tại Việt Nam, cho BBC biết:
"Bảng hỏi của Phong Vũ Biểu được thông qua Ban Tư vấn Chỉ số của TI gồm những chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, phương pháp nghiên cứu, toán kinh tế và thống kê. Phong Vũ Biểu là nguồn dữ liệu thực chứng phong phú về quan điểm của công chúng và trải nghiệm của họ với tham nhũng."
"Các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng Phong Vũ Biểu để hiểu rõ hơn về các cơ quan công quyền và dịch vụ công được đánh giá mức độ tham nhũng thế nào, hiểu rõ hơn về hình thức và tần suất của những hối lộ nhỏ, và thấy được sự phân bổ nhân khẩu học của cả hai yếu tố này."
"Ở cấp quốc gia, Phong Vũ Biểu năm 2010 chứa đựng những thông tin hữu ích cho cải tổ chính sách và thiết kế những nghiên cứu sâu hơn nữa trong những lĩnh vực được công chúng đánh giá là tham nhũng nhất. “
Phong Vũ Biểu 2010 là khảo sát lần thứ bảy thu nhận được phản hồi của 91.781 người dân ở 86 quốc gia và là lần khảo sát nhiều quốc gia nhất cho tới nay.
Được biết Transparency International đã có chương trình “Phòng, chống tham nhũng cho khu vực nhà nước, tư nhân và xã hội" tại Việt Nam từ 2009 và sẽ kéo dài đến 2012.
Chương trình này được thực hiện thông qua Tổ chức Hướng tới Minh bạch, và nhận được sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng các nhà tài trợ Quốc tế ở Việt Nam: Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID), Cơ quan Viện trợ Ireland (IrishAid), Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển.
No comments:
Post a Comment