Translate

Wednesday, January 12, 2011

Đại hội XI Đảng CSVN, đại hội cuối cùng?

Theo danchimviet.info

Đại hội XI đã khai mạc sáng nay 12/1/2011 tại Hà Nội.

Thời gian chỉ còn đếm bằng giờ chứ không đủ để tính bằng ngày, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng CSVN lần thứ XI khai mạc. Theo kế hoạch thì còn ít giờ nữa Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 12/1 đến ngày 19/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đây được coi là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Được biết tham dự Đại hội sẽ có gần 1.400 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên, sinh hoạt tại 54.000 tổ chức cơ sở Đảng.

Vì là đại hội của đảng cộng sản, chính đảng hợp pháp duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội theo quy định của hiến pháp, cho đến nay Việt nam là số trong 5 quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản còn sót lại vẫn ngoan cố bám theo mô hình cai trị kiểu cộng sản, đó là đảng cộng sản là cơ quan quyền lực cao nhất ở đỉnh chóp của một trục thẳng đứng lãnh đạo toàn diện mọi mặt bao gồm cả 3 cơ quan quyền lực khác là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp từ trung ương tới địa phương.

Theo chương trình, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2015), cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội.

Trong lịch sử các đảng cộng sản trên toàn thế giới và Việt Nam hiện nay, thì việc sắp đặt nhân sự của các bộ máy đảng và nhà nước cho các đại hội đảng với thời gian 5 năm một lần đều do Ban Tổ chức Trung ương thực hiện có tham khảo ý kiến của Bộ Chính trị. Tới thời điểm trước Hội nghị Trung ương kỳ chót thì mọi việc đã ngã ngũ kiểu ván đã đóng thuyền, nêu ra tại Hội nghị Trung ương cuối cùng thực ra chỉ mang tính chất thông báo cho các ủy viên Trung ương biết. Còn việc bỏ phiếu bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, rồi để từ đó tiến tới Bầu các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kiểm tra Trung ương đảng chỉ hoàn toàn mang tính hình thức vì tất cả đã được sắp đặt sẵn. Kết quả nhân sự cuối cùng của các kỳ đại hội đảng toàn quốc đều diễn ra như theo nguyên tắc như vậy.

Theo đánh giá của các nhà phân tích tình hình cho thấy, trong số 11 đại hội toàn quốc của đảng CSVN từ năm 1930 đến nay, chưa từng có một đại hội nào lại gặp khó khăn, và bế tắc như việc chuẩn bị đại hội lần thứ XI. Ngay từ khâu công bố Dự thảo các văn kiện của đại hộ i XI để xin ý kiến toàn dân cũng vấp phải sự phản biện quyết liệt ngay từ những ngày đầu của các cựu lãnh đạo các cấp của đảng và nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu, và những ý kiến đó đã bị quy kết cho là mang tính chống đối. Nhưng thê thảm hơn vẫn là vấn đề nhân sự, được biết tại Hội nghị trung ương 14 vấn đề nhân sự gặp bế tắc và bị phản ứng dữ dội bằng các tranh luận gay gắt, trong tiếng la ó của các đại biểu thuộc các phe phái khác nhau, một hiện tượng chưa từng xảy ra trong các kỳ đại hội đảng toàn quốc của đảng CSVN. Danh sách nhân sự dự kiến của Ban Tổ chức TW xem xét cũng phá sản, không được Hội nghị thống nhất, kể cả cách thức lựa chọn bầu Tổng Bí thư trực tiếp cũng phải gác lại mà không ai dám quyết. Và cuối cùng các phe nhóm cũng buộc phải tạm thỏa hiệp để đi đến kết luận cuối cùng là tạm chấp nhận để nghiên cứu xem xét thêm.

Cũng chưa yên, kết quả của Hội nghị TW14 kết thúc mang lại cũng bị các nhân vật cựu lãnh tụ cao cấp của đảng không chấp nhận. Ngay lập tức họ có các văn bản yêu cầu, bản kiến nghị gửi các đại biểu bầy tỏ quan điểm rõ ràng, khẳng định rõ họ ủng hộ ai, không ủng hộ ai và yêu cầu Bộ chính trị phải triệu tập Hội nghị Trung ương 15 bất thường để thông qua lần cuối trước ngày khai mạc có hơn 2 ngày. Đặc biệt có nguồn tin từ đại biểu cho biết dự kiến nhân sự của Hội nghị Trung ương 15 đã đảo ngược so với kết quả đạt được của Hội nghị Trung ương 14 thông qua và gay go nhất là trường hợp của ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang. Cũng tin từ đại biểu này cho biết tại Hội nghị 14 có đoàn đại biểu đã thẳng thừng yêu cầu bác bỏ tên của ông Nông Quốc Tuấn, khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành Trung ương với lý do tư cách phẩm chất của Nông Quốc Tuấn chưa đủ, để lại sẽ làm mất uy tín của đảng. Việc để xuất thẳng thừng như vậy đã gay tranh cãi giữa các phe gay gắt,cuối cùng đưa đến phương án dung hòa để xem xét lại có thể đưa vào danh sách bầu ủy viên dự khuyết.

Đáng quan tâm nhất là tỷ lệ sự tín nhiệm của các đại biểu đối với các nhân vật tên tuổi hàng đầu có danh sách ngấp nghé các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ như các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang hay Nguyễn Minh Triết … số phiếu cũng chỉ xấp xỉ quá bán, đặc biệt trường hợp ông Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạt dưới 50% không đủ phiếu theo tiêu chuẩn để vào trung ương. Nhưng người ta vẫn hy vọng trong buổi bỏ phiếu bầu trong đại hội chính thức sẽ có kết quả khả quan hơn.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại có tình trạng thiếu thống nhất và lộn xộn như vậy trong việc thông qua các vấn đề chuẩn bị cho đại hội 11? Câu trả lời là:

* Nguyên nhân thứ nhất trước hết là sau hai đại hội 9 và 10, vai trò lãnh đạo đã được trao cho ông Nông Đức Mạnh giữ chức vụ Tổng Bí Thư, chức vụ quyền lực cao nhất trong hệ thống đảng và chính quyền ở Việt nam. Vốn là một người có gốc dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức cần phải có của một vị lãnh tụ, do thiếu sự giáo dục toàn diện trong thời gian dài cộng với tính ba phải kiểu “mười bốn cũng ừ, mười tư cũng gật” và đầu óc nặng về vụ lợi thu vén cá nhân, không có khả năng phân biệt đúng sai, bạn hay kẻ thù. Qua hai khóa 9 và 10 ở cương vị này, ông Mạnh đã ngày càng sa sút về phẩm cách dẫn tới uy tín và sự tín nhiệm trong nội bộ Trung ương đảng hết sức thấp, bị đồng chí coi thường.

* Nguyên nhân thứ hai cũng từ nguyên nhân thứ nhất dẫn tới sự thiếu đoàn kết, thiếu nhất quán trong Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương, hình thành các phe nhóm kiểu Tam quốc rõ nét và công khai thể hiện trong việc công tác triển khai các chủ trương lớn của đảng thường mâu thuẫn giữ các phe trong Bộ Chính trị như đường sắt cao tốc là một ví dụ điển hình.

* Nguyên nhân thứ ba là do trong hàng các nhân vật hàng đầu của đảng CSVN hiện nay không có một nhân vật xuất chúng, có bản lĩnh hơn người toàn diện và nổi trội để đủ sức khống chế và thuyết phục đội ngũ cán bộ cao cấp dưới quyền. Với sự phá sản của phương án nhân sự của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt trình Hội nghị, thì khi đưa danh sách ra có tới 142/200 nhân sự đề cử là tay chân của mình, đã gây cho các Ủy viên trung ương hết sức giận dữ (Hội nghị Trung ương 14) yêu cầu phải xé toạc, và kết quả tại Hội nghị TW 14 chính Trưởng ban TCTW Hồ Đức Việt đã bị gạt vào nằm trong danh sách về hưu sớm và ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ đạt được 8/15 phiếu của Bộ Chính trị trong việc ủng hộ vào chức vụ Tổng Bí thư.

* Tất cả 3 nguyên nhân tạm dẫn ra trên đây đều do nguyên nhân chủ chốt cơ bản nhất là sự thoái hóa, xuống cấp về phẩm cách chính trị, đạo đức cách mạng của các lãnh đạo cao cấp trong bộ máy đảng do tác động của cơ chế kinh tế thị trường mang lại. Khi mà trong đảng CSVN thiếu một lãnh tụ kiệt xuất, đủ uy tín để quyết định các vấn đề nhân sự quan trọng cho đại hội kế tiếp theo nguyên tắc truyền thống của các đảng cộng sản từ xưa tới nay. Hiện tại do chức, quyền đi kèm với tiền bạc và quyền lợi của các nhóm lợi ích khác nhau, cộng với mục đích và lý tưởng của đảng viên cộng sản đã thay đổi sâu sắc. Từ chỗ các đảng viên luôn luôn xác định phấn đấu vì mục tiêu cao cả nhất vì đất nước và dân tộc đã được thay bằng vì lợi ích của đảng và cá nhân thì sự tranh chấp về quyền lực giữa các phe nhóm sẽ dễ bộc lộ, hòng triệt hạ lẫn nhau về uy tín chính trị và quyền lợi của mỗi nhóm là chuyện đương nhiên phải có, đồng thời động cơ không ăn được thì đạp đổ đã bắt đầu hình thành và xuất hiện trong suy nghĩ và hành động của các lãnh đạo cao cấp.

Sau Hội nghị Trung ương 14, đã có nhiều ý kiến đề nghị hoãn và lùi lại ngày khai mạc Đại hội XI do vấn đề nhân sự bế tắc, kể cả phương pháp lựa chọn Tổng Bí thư thông qua bỏ phiếu trực tiếp cũng chưa có câu trả lời thống nhất, mà phải chờ tới đại hội chính thức để xin ý kiến các đại biểu vì lý do điều lệ đảng không đề cập tới.

Người ta thường nói bèo hợp rồi sẽ tan là quy luật của tự nhiên, với các nguy cơ phân hóa, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc về quyền lợi, quyền lực và với tình hình nội tại của ban lãnh đạo đảng CSVN thì khả năng đảng CSVN sẽ buộc phải tách đảng kiểu tôi đi đường tôi, anh đi đường anh là rất có thể. Đó chính là lý do vì sao khi phóng viên hãng tin AP đặt câu hỏi với ông Tô Huy Rứa tại cuộc họp báo hôm qua (10/01) tại Hà nội là “Việt Nam có đa nguyên đa đảng hay không?”, thì người trả lời thay lại là Đinh Thế Huynh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định: “Việt Nam chúng tôi không có nhu cầu đa nguyên đa đảng, và dứt khoát không đa nguyên đa đảng.” chứ không phải là ông Tô Huy Rứa Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Tuyên giáo là người được hỏi.

Như ông Cù Huy Hà Vũ đã phát biểu khi trả lời phỏng vấn của bà Tâm Oanh trước ngày bị bắt cho rằng “Đại hội đảng lần thứ XI sẽ là đại hội cuối cùng”, điều đó hoàn toàn rất có khả năng xảy ra. Vì cứ xem sự bùng nhùng, bế tắc do bất đồng hiện tại trong nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN hiện nay, mà diễn biến các Hội nghị TW 14 và 15 cho thấy, điều mà chưa thành tiền lệ trong lịch sử 81 năm hoạt động và trưởng thành của đảng CSVN đã xảy ra như vậy, thì sự chia tay giữa các phe nhóm lợi ích sẽ là giải pháp tốt nhất. Các phe nhóm hiện tại trong đảng tách thành các đảng khác nhau để thi thố tài năng và cạnh tranh để chứng tỏ khả năng của chính mình thì cũng tốt, kể cả không cho các đảng phái khác tham gia cũng còn hay hơn hiện tại.

Chúng ta hãy cùng chờ xem!

Ngày 11/01/2011

No comments: