Translate

Thursday, December 30, 2010

Đại hội XI của đảng CSVN: Lại cũng thế thôi!

Theo Báo Tổ Quốc

Cứ mỗi 5 năm đảng CSVN tổ chức đại hội một lần. Mỗi lần luôn kèm theo một chuỗi vận động, tuyên truyền nhằm mục đích giới hạn sự chống đối để nâng cao thành quả đại hội. Mỗi lần như vậy, các cơ quan truyền thông, báo chí ngoài luồng và những người ủng hộ tinh thần dân chủ lại mất rất nhiều thời giờ và tâm trí để phân tích, nhận định, phán đoán… Dân chúng thì đặt lòng kỳ vọng cho một sự đổi mới thật sự. Nhưng cuối cùng thì… lại cũng thế thôi!

Đại hội XI lần này có thể cũng sẽ diễn ra tương tự những kỳ đại hội trước đó: Những màn kịch dân chủ được dàn dựng công phu để hợp thức hóa một sự lãnh đạo độc tài.

Cho đến nay, chưa có một nhân vật cao cấp nào của đảng CSVN nói rằng đảng này sẽ trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho nhân dân Việt Nam. Ngược lại, họ vẫn luôn khăng khăng khẳng định là đảng CSVN đi đúng đường và xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước.

Những lời phát biểu của ông Nguyễn Văn An tuy gây được nhiều chú ý nhưng sẽ không thay đổi được hướng đi cố hữu của đảng, vì ông không còn ở trong vị trí có quyền lực nữa. Hơn nữa, những điều ông nói không có gì mới, ngoại trừ từ một người vốn có vị trí quan trọng trong Quốc Hội. Những lý luận của ông thiếu tính khẳng định của nhu cầu tối cần thiết là chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam phải chấm dứt để thay vào đó một chính thể Dân Chủ Đa đảng. Nêu lên những sai lầm của đảng CSVN để đòi hỏi những thay đổi đúng đắn hơn… không phải là chìa khoá của vấn đề Việt Nam. Quyết định cần có của đảng CSVN là thực sự dân chủ hoá Quốc Hội, thực thi các quyền tự do căn bản và chấp nhận tiến trình Tổng Tuyển Củ Tự Do.

Ngoài ông An đang có rất nhiều tiếng nói đúng đắn và ôn hoà khác đầy dẫy trên các mạng truyền thông ngoài luồng. Nhưng chắc chắn là những người lãnh đạo đảng CSVN sẽ không xem đó là quan tâm lớn phải giải quyết.

Nói rằng những người lãnh đạo đảng CSVN không nhìn thấy được sự bế tắc của cả bộ máy… là không đúng.

Với điều kiện và môi trường mở rộng của mặt thông tin ở ngày nay, những người lãnh đạo đảng CSVN chắc chắn hiểu rõ xu hướng thế giới đang như thế nào, đồng thời người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang mong đợi ra sao? Tuy nhiên, họ có thừa kinh nghiệm để biết chắc rằng những sự bất mãn thuần tuý trong dư luận chưa có đủ sức mạnh để phải lo ngại.

Đảng CSVN cũng có thừa tự tin để tiếp tục bất chấp dư luận ở trong nước, và cả từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khi phong trào dân chủ nói chung vẫn chưa chứng tỏ được là đã trở thành một thế lực đủ sức mạnh và uy thế, có khả năng gây nguy hiểm lớn cho chế độ.

Mặt khác, dù những người lãnh đạo đảng CSVN biết rằng họ đang gặp khủng hoảng về niềm tin của quần chúng, nhưng họ cũng nhìn thấy là tổ chức đấu tranh trong cộng đồng hải ngoại vẫn chưa phục hồi lại được niềm tin của đồng hương. Cùng lúc đó, các tổ chức đối lập trong nước đến nay vẫn còn ở bước đầu trên con đường xây dựng niềm tin trong lòng người dân tại Việt Nam.

Do đó, chỉ đến khi nào đảng CSVN nhìn thấy được rõ ràng là đang có một đối thủ đủ tầm vóc và thế lực đáng kiêng nể, thì họ vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước một cách ngông nghênh, xem thường ý kiến xây dựng của giới trí thức, của nhân dân, và cả những người đảng viên tiến bộ. Những kỳ đại hội đảng sẽ tiếp tục diễn ra cùng một tấn tuồng trơ trẽn với những diễn viên mới và 80 triệu khán giả thường trực.

Kể từ khi đổi mới kinh tế và có một số thay đổi về mặt đối ngoại, đảng CSVN đã tổ chức tổng cộng bốn lần đại hội, và nay là lần thứ năm.

Trong vai trò Tổng Bí Thư, từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đến Nông Đức Mạnh, quá khứ cho thấy là họ đều có cùng mục tiêu chung: là bảo vệ sự lãnh đạo độc tôn của đảng CSVN. Hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy là đảng CSVN sẽ có một vị Tổng Bí Thư sẵn sàng thuyết phục Bộ Chính Trị chấp nhận một thể chế dân chủ đa đảng.

Trong vai trò Thủ tướng, từ Phan văn Khải, Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Tấn Dũng, ai ai cũng nhìn thấy là họ đều có cùng một chủ trương là mở rộng kinh tế để tạo sức mạnh củng cố đảng, nhưng luôn trấn áp các phong trào đấu tranh dân chủ một cách thô bạo. Võ Văn Kiệt có một số phát biểu gây chú ý khi đã về hưu mà thôi. Nếu Việt Nam chưa có dân chủ sớm được, thì một ngày nào đó khi về hưu, Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn cũng sẽ có những lời phát biểu tiến bộ khác hẳn lúc đương quyền. KHÔNG có bất cứ nhân vật lãnh đạo nào lên tiếng chỉ trích đảng CS một cách mạnh mẽ khi đang còn nắm quyền lực.

Đến giờ phút này, vẫn chưa nhìn thấy ai trong Bộ Chính trị đảng CSVN có tư tưởng muốn thay đổi chế độ độc đảng đương quyền. Phong thái, ngôn ngữ, cách hành xử chức vụ của mỗi người có thể khác nhau nhưng chưa có ai, và chắc chắn là sẽ không có ai, thật sự muốn trở thành một thứ Yeltsin của Việt Nam.

Lý do không khó hiểu lắm, vì bối cảnh chính trị của Việt Nam hoàn toàn khác với các nước CS đã bị sụp đổ. Mặt khác, là vì đến nay vẫn chưa có một thực thể chính trị nào đủ lớn mạnh để tạo nên yếu tố khích lệ cho một sự thay đổi thể chế. Một nhân vật có tầm vóc nào đó có thể có ý nghĩ làm cách mạng, nhưng ý nghĩ đó sẽ không thể trở thành hành động khi môi trường cách mạng vẫn còn nhiều điểm chưa thích hợp.

Quá khứ cho thấy rằng Bộ Chính Trị đảng CSVN có thể có một số cách nhìn khác nhau về phương hướng giải quyết các bế tắc đang có nhưng đều có chung một mẫu số tư tưởng là phải bảo vệ quyền lực của đảng bằng mọi cách. Do vậy, những phát biểu bất thường, nếu có trong một vài trường hợp, không hàm nghĩa là 15 người lãnh đạo này đang bị phân hoá, mâu thuẫn và sẵn sàng đấu đá triệt hạ lẫn nhau. Kinh nghiệm bị kỷ luật và buộc phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng của ông Trần Xuân Bách vào năm 1990 khi phát biểu: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân…” vẫn là một nhắc nhở quan trọng cho những người trong Bộ Chính Trị có ý tưởng muốn bước ra khỏi lề phải của đảng.

Mặt khác, để bảo đảm chủ trương chống thế lực thù nghịch từ bên ngoài và kể cả diễn tiến nội bộ, những người đang nắm quyền lực cao nhất của đảng CSVN không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải điền khuyết vào Bộ Chính Trị (thay thế người về hưu, kỷ luật, v.v…) những người có cùng lập trường, quan điểm và chủ trương hành động.

Trong tình huống đó, rất khó để có người trong Bộ Chính Trị có tư tưởng đối lập với số còn lại. Ngay cả có người nghĩ khác cũng chưa chắc đã dám phát biểu thật lòng. Và nếu có thể phát biểu mạnh dạn vì một lý do nào đó, cũng sẽ khó biến thành hành động cụ thể khi lo ngại sẽ bị cô lập, khai trừ.

Tình trạng chênh lệch trong tương quan lực lượng giữa đảng cầm quyền và phong trào đấu tranh dân chủ là trở ngại lớn nhất đang cản trở sự xoay chuyển của cục diện Việt Nam. Muốn giải quyết trở ngại đó, các tổ chức đấu tranh cần mạnh dạn nhìn nhận thực tế trước mắt và tìm thế liên kết cụ thể để cùng nhau xây dựng một thực thể chính trị có đủ sức khôi phục lại niềm tin của đồng bào, vận dụng được sự yểm trợ của thế giới, và tạo được thế đứng đối lập cân xứng với đảng CSVN. Khi có được ưu thế đó, sự ủng hộ của đa số quần chúng sẽ đến.

Diễn biến từ đại hội XI của đảng CSVN cần được theo dõi nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là làm sao tạo được thế chủ động trong công cuộc đấu tranh, hơn là tiếp tục đợi chờ thiện chí của đảng CSVN.

Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng…. ai sẽ đóng Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nước , Chủ tịch Quốc Hội và Thủ Tướng? Điều đó không hẳn là quan trọng vì cuối cùng thì đảng CSVN vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo độc quyền và phong trào đấu tranh dân chủ sẽ tiếp tục bị trấn áp.

Những tấn tuồng đại hội này chỉ chấm dứt khi không còn ai trông đợi ở đảng CSVN nữa, và thay vào đó là một ý chí sắt đá: Phải giải thể chế độ độc tài này bằng mọi giá!

Có phải chăng đây là một thử thách quá lớn đối với dân tộc Việt Nam?

Lâm Thế Nguyên
(Đảng Vì Dân Việt Nam)

No comments: