Translate

Thursday, December 2, 2010

Đường lưỡi bò" và những nhóm lợi ích ở Trung Quốc

Theo TuanVietNam.net
GS Tonnesson, Na Uy đi sâu phân tích về các nhóm lợi ích ở Trung Quốc với vấn đề Biển Đông, thái độ của từng nhóm với "đường lưỡi bò" cũng như cách tiếp cận xử lí tranh chấp Biển Đông.

LTS: Tổng kết Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ hai, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào 11-12/11/2010, Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng đã hứa với các học giả tham dự rằng ông sẽ báo cáo về những phân tích, đánh giá của họ lên các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Với mục đích, theo ông, là giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có những cách tiếp cận hợp lý hơn đối với tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Những phân tích dưới đây của Giáo sư Tonnesson về quan điểm của các nhóm lợi ích đối với cái gọi là "Đường lưỡi bò" hy vọng sẽ là một trong những điều Giáo sư Quảng đặc biệt nhấn mạnh trong báo cáo của mình. Bởi Việt Nam, trong khi triển khai tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh của mình, với nội dung cốt lõi là phân hóa đối thủ, hay "tăng bạn bớt thù", sẽ có có thêm những cơ sở để vạch ra những đối sách "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".

Giải mã "lợi ích cốt lõi" và "đường lưỡi bò" của Trung Quốc

Theo Giáo sư, sự bất đồng quan điểm ở Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền và cách giải quyết tranh chấp chủ quyền liệu có phải là điều thực sự đáng lo ngại ở Trung Quốc không? Nhất là đối với những nước muốn giải quyết ổn thoả tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì mục đích thúc đẩy hợp tác vì phát triển.

Đúng vậy. Sự bất đồng quan điểm của Trung Quốc còn được thể hiện dưới cái gọi là "mâu thuẫn về chức năng" của từng nhóm lợi ích khác nhau. Đó là ngư dân, doanh nghiệp khai thác dầu khí, cộng đồng doanh nghiệp phi dầu khí, hải quân và ngoại giao.

Ngư dân là nhóm vốn quen với việc đánh cá ở bất cứ đâu họ thích. Ở bất cứ quốc gia nào, việc bắt ngư dân phải tuân thủ những qui định như lệnh cấm biển (cấm đánh cá) trong một khoảng thời gian nào đó đều là điều hết sức khó khăn. Hơn nữa, cá thì không tuân thủ đường phân định lãnh hải do con người đặt ra, mà ngư dân phải đi theo luồng cá, nên họ cũng chẳng thích thú gì với việc đường phân định lãnh hải. Có thể nói nhóm này là nhóm thiếu xây dựng nhất.

Thăm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Lê Anh Dũng.
Nhóm lợi ích thứ hai là các tập đoàn dầu khí Trung Quốc, như CNOOC (Chinese National Offshore Corporation). Họ luôn muốn được khai thác dầu khí ở thềm lục địa, và chính vì vậy họ muốn thềm lục địa Trung Quốc càng kéo dài càng tốt. Họ phản ứng rất mạnh đối với những thoả thuận giữa PETRO Vietnam, chẳng hạn, với các đối tác bên ngoài (như BP hay Exxon Mobile), mà họ cho là khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Trung Quốc.

Hơn nữa, lãnh đạo những doanh nghiệp này có quan hệ chặt chẽ với chính quyền, bởi doanh thu từ khai thác dầu khí thuộc về quốc gia. Phần lớn những nhà lãnh đạo doanh nghiệp này đều ủng hộ cho "đường lưỡi bò". Chính vì vậy đây cũng là nhóm có những ảnh hưởng tiêu cực.

Nhóm lợi ích thứ ba là hải quân. Và, theo tự nhiên, nhóm này rất ủng hộ đường lưỡi bò. Họ có một ý tưởng, hay thậm chí ảo tưởng, rằng toàn bộ khu vực Biển Hoa Nam (Biển Đông) là nơi hải quân Trung Quốc có thể thống trị, và ngăn chặn sự hoạt động của tàu hải quân nước ngoài mà họ gọi là lực lượng thù địch, theo luật về lãnh hải của Trung Quốc và tiềm lực quân sự.

Và vì tranh chấp ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) khó mà có thể giải quyết một sớm một chiều được, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đều mong muốn chứng kiến sự hiện diện của hải quân các nước ngoài khu vực tại vùng biển này, chứ không nhất thiết chỉ là hải quân Mỹ. Chẳng hạn như hải quân Ấn độ, hải quân Nhật, hay hải quân Nga.

Riêng Trung Quốc không có lợi ích từ sự hiện diện này ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), bởi còn phải mất nhiều năm xây dựng nữa, hải quân Trung Quốc mới có thể sánh ngang sức mạnh với hải quân Mỹ. Mặt khác, sự cấp tập tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc vì mục tiêu này, nếu theo hướng khiêu khích, hay đối đầu, với các nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản, và tất nhiên, cả Mỹ, họ chắc chắn sẽ thất bại.

Trung Quốc có thể nhìn thấy những tấm gương nhãn tiền của những thế lực nổi lên trước Đệ Nhị Thế Chiến như Quân phiệt Nhật, hay Đức Quốc Xã. Lãnh đạo Trung Quốc chắc ý thức được điều này. Và những người đứng đầu ngành hải quân Trung Quốc cũng vậy. Cuối cùng họ cũng hiểu ra rằng trong thời gian 20-30 năm tới việc tăng cường sức mạnh hải quân phải diễn ra bí mật.

Chính vì vậy, họ muốn ngăn những tàu khảo sát của Mỹ ở khoảng cách càng xa căn cứ hải quân Tam Á của họ càng tốt.

Nhóm lợi ích thứ tư ở Trung Quốc là bộ ngoại giao. Có lẽ đây là nhóm có sự hiểu biết luật pháp quốc tế tốt nhất, bởi họ có nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Hơn nữa, đây là nhóm đã đầu tư rất nhiều công sức vào việc xây dựng quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng.

Và nhóm cuối cùng có thể quan tâm đến Biển Hoa Nam (Biển Đông) là cộng đồng doanh nghiệp phi dầu khí. Tuy không mặc quân phục, nhưng đội quân đông đảo này thực sự có sức mạnh. Họ quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao thương trên cơ sở thực hiện đầy đủ một khu vực thương mại tư do Trung Quốc - ASEAN.

Đây chính là nhóm mong muốn những tranh chấp trên biển được giải quyết ổn thoả, để cho những quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN trở nên suôn sẻ.

Như vậy, theo phân tích của Giáo sư, dường như chỉ có hai nhóm cuối là có thể có cái nhìn tích cực đối với những giải pháp cho tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, liệu lợi ích từ tự do hoá thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc có đủ lớn để đối trọng với lợi ích từ khai thác nguồn năng lượng biển vẫn là một dấu hỏi lớn. Cũng tương tự như vậy đối với mối quan hệ giữa giới ngoại giao Trung Quốc và giới quân sự, nhất là hải quân.

Như vậy, liệu có hy vọng gì cho một cách tiếp cận thống nhất và dễ chấp nhận hơn từ Trung Quốc đối với các nước trong khu vực không, thưa ông? Nhất là khi mà ông Đới Bỉnh Quốc chỉ là nhân vật đứng thứ 50 trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, theo như tạp chí Foreign Affairs.

Đúng là có chuyện đó. Nhưng vẫn có những dữ kiện khác để chúng ta có cách nhìn đỡ bi quan hơn.

Chẳng hạn, ngay đối với nhóm doanh nghiệp dầu khí, cũng đã có những dấu hiệu hứa hẹn của sự thay đổi thái độ về tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Nam (Biển Đông). CNOOC hiện đang rất quan tâm đến việc quốc tế hoá hoạt động của mình, tức là muốn tham gia vào những hoạt động thăm dò - khai thác bên ngoài thềm lục địa Trung Quốc. Chính vì vậy, hoạt động của họ sẽ thuận lợi nếu khuôn khổ pháp lý liên quan đến thăm dò - khai thác dầu khí trở nên rõ ràng hơn, tức là có sự phân định rõ ràng về chủ quyền đối với các nguồn năng lượng biển.

Chúng ta cần nhớ rằng để hoạt động thăm dò dầu khí là rất tốn kém và mang tính rủi ro cao, vì vậy đây chính là lợi thế của CNOOC, với khả năng vay tiền ngân hàng với lãi suất thấp và dài hạn. Đó là chưa nói đến một ưu thế rất lớn khác của CNOOC là họ có một đội ngũ chuyên gia dầu khí rất giỏi.

Vậy tại sao với việc phân định rõ ràng về thềm lục địa, CNOOC lại không thể thắng thầu thăm dò khai thác ở các lô trên thềm lục địa của Việt Nam, hay Philippines, cơ chứ?

Lãnh đạo Trung Quốc cần học tập những người đồng chí, đồng cấp từ Việt Nam

Hơn nữa, những diễn biến trong khu vực trong khoảng thời gian một năm rưỡi qua đã khiến cho nỗ lực trong suốt hơn một thập kỷ qua của bộ ngoại giao có nguy cơ trở nên công cốc. Chính nguy cơ này khiến cho bộ ngoại giao cảm thấy lo ngại sâu sắc.

Tôi cho rằng bộ ngoại giao là nhóm mong muốn thay đổi quan điểm của Trung Quốc, theo hướng thực tiễn và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tôi hy vọng rằng khi vạch ra chính sách biển cho giai đoạn sau 2012, giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ tham vấn kỹ với các chuyên gia giỏi và có chính kiến riêng của họ để có những cách tiếp cận thực tế.

Những diễn biến trong khu vực trong thời gian một năm rưỡi vừa qua là quá đủ để cho họ hiểu rằng nếu chính sách của Trung Quốc được xây dựng theo hướng củng cố quan hệ láng giềng và hợp tác, trên cơ sở thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin. Và, nếu họ làm được như vậy, các nước ASEAN có liên quan cũng không cần trông mong vào sự can dự ngày càng mạnh mẽ của những thế lực ngoài khu vực như Mỹ.

Vả lại, trong trường hợp này, một nhóm lợi ích quan trọng là hải quân Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi. Họ có thể ít bị chú ý hơn trong việc xây dựng năng lực phòng thủ, như họ vẫn tuyên bố.

Tại sao Giáo sư lại có niềm tin như vậy vào giới lãnh đạo Trung Quốc? Nhất là theo thông lệ, khó có sự thay đổi chính sách từ nay đến khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2012.

Nhưng lại có một tiền lệ khác diễn ra ở một nước lánh giềng gần gũi của Trung Quốc. Đó là Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã có sự thay đổi khá mạnh về cách tiếp cận, nhất là trong chính sách đối ngoại. Và Việt Nam có thể tự hào rằng họ đã thành công trong cách tiếp cận mạnh dạn này.

Vậy tại sao các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lại không học tập những người đồng chí và đồng cấp từ Việt Nam nhỉ? Nếu làm được như vậy, hai vị lãnh đạo này sẽ để lại cho hai người kế nhiệm, nhiều khả năng là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, một di sản cực kỳ quan trọng: Giới thiệu với khu vực, và thế giới nói chung, một Trung Quốc với cách nhìn mới, thực tế và thân thiện hơn.

No comments: