Giáo sư Jerry Livingston Voorhis
(Bản dịch của bán nguyệt san Tự do Ngôn luận)
Trong năm 1989, hai sự kiện rất ý nghĩa và rất khác biệt đã diễn ra ở hai đầu của thế giới. Tại Đức, bức tường Berlin sụp đổ. Cộng sản, xét như một hệ thống cầm quyền, bị sụp đổ ở Đức và phần còn lại của Đông Âu.
Tuy nhiên ở Trung Quốc, một điều rất khác xa đã xảy ra. Những niềm hy vọng của thế giới cho một nước Trung Quốc tự do, dân chủ đã tiêu tan khi xe tăng và quân đội từ nông thôn tiến vào Thiên An Môn và tàn sát hàng trăm trong số hàng ngàn sinh viên vốn đã biểu tình đòi dân chủ tại Bắc Kinh trong nhiều tháng.
Dân chủ, một nền kinh tế thị trường và việc tự do phát biểu quan điểm chính trị lẫn văn hóa đã chiến thắng chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu và thậm chí ở Nga, đang khi ở Trung Quốc và trong các khu vực Cộng sản kiểm soát ở Châu Á, những ảnh hưởng giải phóng này đã bi đè bẹp bởi các Chính phủ Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, Lào và đặc biệt là Campuchia và Bắc Triều Tiên.
Chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao kết quả của phong trào hòa bình và dân chủ lại quá khác nhau giữa Châu Âu và Châu Á?
Có nhiều lý do cho những kết quả khác nhau này và một trong những lý do đầu tiên và quan trọng nhất là các loại Cộng sản vốn đặc trưng Châu Á hoàn toàn trái ngược với các loại Cộng sản ở Châu Âu.
Tại Châu Âu, ngay từ nguyên thủy, chủ nghĩa Cộng sản là một hiện tượng có căn bản là đô thị. Công nhân đô thị, nhất những người làm việc trong các ngành công nghiệp quy mô lớn, được coi như giai cấp vô sản, những người tiên phong của cách mạng. Cùng với các đảng Cộng sản và lãnh tụ của họ, nhiều công nhân trong các nghiệp đoàn chặt chẽ và những khu vực công nghiệp cao như Saxony hoặc lưu vực sông Ruhr ở Đức đều đã bầu cho người Cộng sản hoặc ít nhất cho người Xã hội Chủ nghĩa với số lượng lớn. Trên khắp vùng quê, và ở các thị trấn nhỏ hay vùng ngoại ô Châu Âu, các cử tri bầu cho các đảng bảo thủ hay các đảng chính trị trung dung, nhưng không bao giờ bầu cho những người Cộng sản.
Nông dân Nga đã tham gia và ủng hộ Đảng Cách mạng Xã hội chứ không ủng hộ những người Cộng sản hay những người Bolsheviks như được gọi sau đó suốt thời gian của cuộc cách mạng. Cả trước và sau Thế chiến II, những khu vực nông thôn ở Đông Âu, và đặc biệt là những trại chủ giàu có đã cực lực chống đối và phá hoại các nỗ lực tập thể hóa tại Ukraine, Ba Lan, Nam Tư, Rumania, Đông Đức và mọi nơi khác. Đối với Cộng sản Châu Âu, thành phố là cơ sở hỗ trợ và phải chinh phục hoặc đánh thắng các vùng nông thôn.
Sự kiện này đã tác động rất lớn vào những gì đã xảy ra với các chế độ Cộng sản suốt các thập niên 80’s và 90’s tại Châu Âu Cộng sản, kể cả Nga. Một khi các thành phố đã lật đổ chế độ Cộng sản và thay thế nó bằng một chính phủ dân chủ phi Cộng sản và thay thế nền kinh tế hỗn hợp bằng một khu vực tư nhân lớn, chủ nghĩa Cộng sản đã bị tiêu diệt. Xét cho cùng, các vùng nông thôn luôn chống Cộng sản!
Ở Châu Á, người ta thấy một tình hình hoàn toàn trái ngược. Khắp Châu Á cũng như Cuba, chủ nghĩa Cộng sản lan từ nông thôn vào thành phố. Trung tâm sức mạnh chính của Mao Trạch Đông, trong Thế chiến II và cuộc Nội chiến tiếp theo sau đó, nằm ở nông thôn, vùng nông nghiệp tương đối thưa thớt dân cư ở Tây Bắc Trung Quốc, từ đó Cộng sản Trung Quốc lan tràn đến Bắc Kinh, Nam Kinh, Quảng Châu và các trung tâm đô thị khác. Một khi Cộng sản của Mao đã chiếm được các thành phố nơi Quốc Dân Đảng hoặc những người quốc gia tương đối mạnh, thì coi như họ đã chinh phục tất cả Trung Quốc.
Phong trào Khmer Đỏ của Pol Pot là ở nông thôn và gồm nông dân có khuynh hướng gần như cuồng tín. Nó nghiêm trị các cư dân của Nam Vang (Phnom Penh) và các trung tâm đô thị khác, giết chết hàng trăm ngàn nếu không phải hàng triệu người, và buộc những kẻ sống sót đi làm nông dân lao động ở nông thôn.
Sau cùng, phong trào Cộng sản của Hồ Chí Minh đã bắt đầu như là một lực lượng chính trong vùng đồi núi phía Bắc và phía Tây của Hà Nội. Cộng sản đã không kiểm soát được các thành phố như Hà Nội cho đến khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ. Cũng thế trong miền Nam Việt Nam, các thành phố Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn đã kiên trì chống lại Cộng sản cho đến ngày tàn cuộc bi thương. Hỗ trợ cho Việt Cộng chủ yếu là ở nông thôn hẻo lánh như các khu vực trong đồng bằng sông Cửu Long.
Như một kết quả của sự kiện này, những chống đối ở đô thị trong các nước Cộng sản Châu Á đã không có hiệu quả như ở Châu Âu. Chính phủ Cộng sản ở Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia luôn luôn có thể dựa vào hỗ trợ từ nông thôn. Các vùng nông thôn châu Á đã ủng hộ cho Cộng sản nhiều hơn so với phía tương ứng bên châu Âu.
Một yếu tố thứ hai góp phần vào sự kiên cường của chế độ Cộng sản ở Châu Á là việc tương đối thiếu những ảnh hưởng chống Cộng từ bên ngoài so với tình hình mà Cộng sản Đông Âu phải đối đầu. Trong suốt những thập niên 1950, 1960, 1970 và 1980, Đông Âu đã bị “dội bom” tới tấp bởi những chương trình phát sóng chống Cộng từ Radio Free Europe (đài Châu Âu Tự do), một mạng lưới chống Cộng tư nhân, từ Voice Of America (đài Tiếng nói Hoa Kỳ) và BBC. Tây Berlin, một vùng đất chống Cộng nằm sâu trong lãnh thổ Cộng sản, đã được dùng như một cái loa để phát tán các bài phát biểu chống Cộng của Tổng thống John Kennedy và của Tổng thống Ronald Reagan: “Hỡi Gorbachev! Hãy phá đổ bức tường này đi”. Lời tuyên bố ấy đã có một tác động rất lớn trên những người sống phía sau Bức Màn Sắt.
Rất nhiều người dân từ Đông Âu (Ba Lan, Hungari, Đức, v.v…) đã đến sống tại Hoa Kỳ vào lúc này. Sự hiện diện và ảnh hưởng chính trị của họ đã làm dấy lên nhiều hoạt động đặc biệt tại Hoa Kỳ như “Tháng hay Tuần lễ các Quốc gia bị lệ thuộc” (Captive Nations). Quốc gia bị lệ thuộc muốn ám chỉ các nước ở Châu Âu đã bị rơi vào tay Cộng sản và do đó, nằm dưới ngôi mộ hay sự thống trị của Liên Xô. Những sự kiện như thế đã làm dấy lên các cuộc liên minh và biểu tình chính trị để dồn sự chú ý liên tục của nước Mỹ và Quốc tế vào hoàn cảnh của các nước Đông Âu.
Loại cảm thông, chú ý và nỗ lực như thế đơn giản đã không có được cho các nước Châu Á nằm dưới sự cai trị cộng sản. Người Mỹ gốc Hoa là một nhóm nhỏ hơn nhiều so với những người Mỹ gốc Ba Lan, Đức và Hungari và những cộng đồng thiểu số thiểu số khác có gốc từ Đông Âu. Người tị nạn Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc thậm chí còn nhỏ hơn nữa. Sau hết, người Mỹ gốc Hoa và những người Mỹ chống Cộng phi Trung Hoa đã tập trung sự quan tâm của họ vào Đài Loan và củng cố Chính phủ Quốc Dân Đảng ở đó hơn là giải phóng hay dân chủ hóa Hoa lục.
Cuối cùng, Đông Âu đã là sân khấu diễn ra những cuộc nổi dậy hay là cách mạng chống Cộng sản đầu tiên. Năm 1952, công nhân Đông Đức ở Berlin và các thành phố khác đã nổi dậy chống lại ách cai trị của cộng sản ở Đông Đức, vốn mang tính áp bức hơn ở bất cứ nơi nào khác. Cuộc nổi dậy của họ đã bị dập tắt bởi xe tăng và quân đội Liên Xô. Trong năm 1956 và 1957, Hungari tiến hành một cuộc nổi dậy bất thành nhưng anh hùng nhằm lật đổ một chính phủ tàn bạo kiểu Stalin, và ngoài ra còn nhằm hợp pháp hóa các chính đảng phi Cộng sản, ủng hộ một nền kinh tế hỗn hợp với một khu vực tư nhân và chủ trương giữ Hungari trung lập trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô với các cường quốc phương Tây.
Cuộc nổi dậy của người Hungari đã bị dẹp tan, nhưng chỉ sau khi Liên Xô can thiệp mạnh mẽ ồ ạt, làm nhiều người thiệt mạng. Hậu quả của cuộc nổi dậy là có trên 100.000 người Hungari đi tị nạn và họ đã trở thành một lực lượng chính trị mạnh ghê gớm, hoạt động chống lại chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Âu. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, trong khi cuộc cách mạng Hungari đang diễn ra, Cộng sản Ba Lan đã thi hành một loạt các cải cách chống lại đường lối chủ nghĩa Cộng sản cứng rắn. Ngoài ra, chính phủ Ba Lan còn chấm dứt việc thành lập các nông trường tập thể ở nông thôn, và cho phép nông dân Ba Lan được giữ đất đai của họ. Chính phủ cũng cho phép dạy giáo lý Công giáo Rôma trong các trường công, và dung túng cho một đại học tư nhân duy nhất trên thế giới trong một quốc gia Cộng sản, Đại học Công giáo Lublin.
Ở Châu Á đã hầu như không có những cuộc nổi loạn chống lại ách cai trị Cộng sản trên quy mô của những gì đã xảy ra ở Đông Âu. Cuộc nổi dậy của Tây Tạng vào cuối những năm 1950 là để chống Trung Quốc hơn là chống Cộng sản. Cũng có một số ổ kháng cự cuối cùng chống lại chế độ Cộng sản ở Tây Nam Trung Quốc, dọc theo biên giới Miến Điện và tại Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ, nhưng đó không phải là những cuộc nổi loạn tươi mới như cuộc nổi dậy của người Hungari năm 1956. Sau hết, người dân sống trong các nước Cộng sản kiểm soát như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên, bị cô lập nhiều hơn hoặc bị cắt liên lạc với thế giới phi cộng sản. Đã không có một Tây Berlin ở Châu Á Cộng sản.
Một yếu tố khác nhấn mạnh sự khác biệt giữa Châu Á và Châu Âu là nhân tố lãnh đạo. Ngoại trừ ở Nga dưới thời Stalin, Nam Tư dưới thời Tito, Rumania dưới thời Ceauşescu và Albania dưới thời Enhver Hoxha, tất cả các nhà lãnh đạo Cộng sản Đông Âu đều là các viên chức vô danh, các sĩ quan quân đội không hấp dẫn hoặc những cán bộ Cộng sản thiếu lôi cuốn. Họ thường bị dân chúng mà họ cai trị coi như là những bù nhìn của Liên Xô. Mặt khác, hai nhà lãnh đạo được ưa chuộng và lôi cuốn nhất trong nước Cộng sản Ba Lan, ví dụ vậy, là Lech Walesa, lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết, một phong trào lao động chống Cộng, và giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
Các lãnh đạo Cộng sản quyền lực và lôi cuốn ở Đông Âu là Tito tại Nam Tư, Ceauşescu ở Rumania và Enhver Hoxha tại Albania đều chống Xô viết và thường xuyên chỉ trích hiệp ước Warsaw. Tito đã dung túng một khu vực tư nhân lớn trong nền kinh tế Nam Tư, và ông đã từ chối tham gia hiệp ước Warsaw, thay vào đó, thích đi theo một chính sách trung lập. Ceauşescu thương lượng với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, thách thức lại Liên Xô, và quan trọng nhất, tiếp tục công nhận Do Thái sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967 khi tất cả các nước Cộng sản Đông Âu khác đã chấm dứt quan hệ với Do Thái và kịch liệt thân khối Á Rập.
Cuối cùng, Hoxha đã mạnh mẽ lên án cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Albania rút ra khỏi hiệp ước Warsaw vào đầu thập niên 1960. Sau hết, có thể cho rằng ngoại trừ Lenin, nhà lãnh đạo có uy tín và thực sự đầy quyền lực của Liên Xô là Joseph Stalin, thế nhưng ông lại không phải là người Âu. Stalin đến từ nước Cộng hoà Georgia thuộc Châu Á và vì sự kiện ấy, ông đã cai trị nước Nga như một lãnh đạo Cộng sản Châu Á hơn là một lãnh đạo CS Châu Âu. Chẳng nhà lãnh đạo Liên Xô nào sau Stalin có quyền lực lôi cuốn gần như siêu nhiên của ông ta cả.
Nikita Khrushchev, người kế vị Stalin, trông như là một chú hề, và các chính sách đối nội lẫn đối ngoại của ông ta đã thất bại thê thảm. Leonid Brezhnev, người kế vị Khrushchev, là một viên chức không ai biết mặt, đã vụng về đưa Liên Xô vào một cuộc chiến tranh vô vọng ở Afghanistan. Những người kế vị Brezhnev thậm chí còn kém thành công hơn nữa, trong đó có cả Mikhail Gorbachev, kẻ bất đắc dĩ phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ, “cái chết” của Liên Xô.
Cũng như Liên Xô bắt đầu tan rã, chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ tại Nam Tư sau cái chết của Tito, tại Rumania sau cuộc hành quyết Ceauşescu, và tại Albania sau cái chết của Hoxha. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Cộng sản Châu Âu đã bị phỉ báng lẫn bị khước từ sau cái chết của họ và ảnh hưởng của họ tan biến. Điều này đã đúng ngay cả cho Stalin.
Các nhà lãnh đạo Cộng sản Châu Á đã tạo ra một sự tương phản rõ ràng với các tương nhiệm Châu Âu của họ. Điều này cũng áp dụng vào trường hợp Fidel Castro và Che Guevara. Mao-Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đều đã được tôn thờ như Thần thánh hoặc Hoàng đế bởi những đệ tử Cộng sản của họ. Thậm chí ngày nay, ở Trung Quốc, mặc dù nhiều chính sách của Mao đã thay đổi, bản thân Mao vẫn không bị tấn công.
Tại đây tuyệt đối chẳng có chuyện bài Mao như đã bài Stalin ở Liên Sô. Mao đã và vẫn là một hoàng đế đầy quyền lực như Tần Thuỷ Hoàng hay Càn Long vậy. Ảnh hưởng của ông còn dài dài sau khi ông chết. Kim Nhật Thành vẫn là quốc trưởng chính thức của nhà nước Bắc Triều Tiên, dù ông ta đã chết cách đây hai thập kỷ. Các đại sứ nước ngoài phải xuất trình Ủy nhiệm thư của họ cho nhà lãnh đạo vĩ đại này chứ không phải cho quốc trưởng đương nhiệm là Kim Chính Nhật, “Lãnh tụ kính yêu”.
Sau đó có Hồ Chí Minh, một hoàng đế đỏ khác, người mà quyền lực vẫn mở rộng từ bên kia nấm mộ. Điều khác biệt giữa sự kính sợ và tôn trọng dành cho các nhà lãnh đạo Cộng sản Châu Á với sự ít thần phục dành cho các tương nhiệm Châu Âu có thể giải thích tại sao chủ nghĩa Cộng sản đã thất bại ở Châu Âu nhưng vẫn tiếp tục ở Châu Á.
Cũng cần nói về hai cường quốc Cộng sản là Trung Quốc và Nga, và thảo luận về tác động khác nhau của hai nước này đối các láng giềng Cộng sản của họ.
Nước Nga nằm ở rìa phía Đông của Châu Âu. Theo lịch sử, nó từng bị các nước láng giềng Châu Âu xem thường và khinh miệt. Người Ba Lan đã xâm lấn Nga đầu thập niên 1600 và chiếm đóng Moscow. Đạo quân Pháp của hoàng đế Napoleon cũng đã xâm chiếm Nga suốt đầu thế kỷ 18. Cuối cùng, Đức đã xâm chiếm và tàn phá nước Nga hai lần trong cuộc Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Nga có một ảnh hưởng văn hóa rất hạn chế lên Châu Âu.
Bảng chữ cái Cyrillic của Nga không được sử dụng bởi bất cứ quốc gia Châu Âu Cộng sản nào trước đây, ngoại trừ Serbia, Macedonia, Montenegro, Bosnia, Ukraine và Belarus. Ngoài ra còn có một khác biệt tôn giáo lớn giữa Nga và các láng giềng Đông Âu. Các nước vùng Baltic, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Croatia, Slovenia và Đông Đức hoặc theo Tin Lành Luthêrô hoặc theo Công giáo Rôma, và họ sử dụng bảng chữ cái Latinh. Người Nga theo Chính Thống giáo Đông phương, một hình thức của Kitô giáo. Các nước Cộng sản Đông Âu theo Chính Thống giáo Đông Phương có những Giáo hội quốc gia riêng, khác với Giáo hội Chính thống Nga về một số điểm.
Tiếng Nga hoặc các biến thể của nó chỉ được nói ở Nga, Ukraine và Belarus. Tiếng Đức, Lithuania, Estonia, Latvia, Hungari và Rumani hoàn toàn khác tiếng Nga, và thậm chí cả trong trường hợp các ngôn ngữ Slave khác như tiếng Ba Lan, Serbi-Croatia hoặc Czech, vẫn có nhiều khác biệt đáng kể giữa Nga và họ.
Những lễ hội, y phục, ẩm thực, thái độ sống của người Nga rất khác với các nước Cộng sản Đông Âu, ngoại trừ có thể có là Ukraine và Belarus. Ngay cả huyền thoại và văn hóa dân gian Nga cũng khác với các nước Đông Âu còn lại. Cuối cùng, hơn một nửa đất đai của Nga thuộc Châu Á (Siberia). Nga đã trở nên Á và ít Âu hơn sau khi Ukraine và Belarus trở thành độc lập. Dân số của Nga cũng đang giảm. Chỉ có 140 triệu người sống trong những gì bây giờ là nước Nga. Châu Âu đã từng coi Nga như một lãnh thổ biên cương hoang dã, không văn minh, nửa Châu Á, man rợ. Tất cả các điều này có thể không đúng, nhưng nhiều người Châu Âu, đặc biệt là những người sống ở Đông Âu (Ba Lan, Hungari , Lithuania, v.v.) đều tin như vậy.
Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Cộng sản và phi Cộng sản hoàn toàn khác với Nga. Trung Quốc có thể bị các nước láng giềng bực bội hoặc thậm chí căm ghét, nhưng nó không bao giờ bị coi là man rợ, thiếu văn minh hoặc kém văn hóa. Không giống như Nga, các nước láng giềng vừa tôn trọng vừa nể sợ Trung Quốc.
Nền văn minh Nga hiện có khoảng 1.500 năm tuổi. Nền văn minh Trung Quốc (lâu đời nhất trên trái đất) thì ít nhất đã 5.000 năm tuổi. Trung Quốc là nước lớn thứ ba trên thế giới, và dân số một tỷ năm trăm triệu của nó lớn hơn dân số của bất kỳ nước nào khác. Trung Quốc là một nước rất to lớn, màu mỡ, hoàn toàn chế ngự bản đồ Đông Á. So với Trung Quốc về địa lý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam và Lào đều là những rẻo đất nhỏ bị anh khổng lồ Trung Quốc làm cho bé lại. Cuối cùng, thiểu số người Hoa ở Indonesia, Malaysia, Nepal, Ấn Độ và các nước Châu Á khác thường là hang ổ của Chủ nghĩa Mao. Ngược lại, thiểu số người Nga sống ở các nước bên ngoài Nga thường đa số chống Cộng. Lào, Việt Nam hoặc Bắc Triều Tiên rất khó lật đổ chế độ Cộng sản của họ bao lâu Trung Quốc vẫn còn là Cộng sản.
Một nhân tố cuối cùng, phải được xem xét khi nói về các đường lối khác nhau đã được thực hiện bởi Cộng Sản Châu Âu so với Cộng sản Châu Á, đó là việc chống chủ nghĩa đế quốc. Tại Cuba, Trung Quốc, Lào, Cộng sản đã có thể lợi dụng sự oán giận của dân bản xứ đối với chủ nghĩa đế quốc Pháp, Anh, Nhật hay Mỹ. Họ có thể đóng vai người yêu nước đấu tranh giải phóng xứ sở khỏi các tay cai trị ngoại quốc bị chán ghét.
Tại Châu Âu, một lần nữa, sự thật là ngược lại. Cộng sản Châu Âu đều đã chống phe quốc gia và chống đế quốc. Nhưng Châu Âu là cái nôi của đế quốc chủ nghĩa. Chống lại chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Pháp hoặc Hà Lan bị coi là không yêu nước và phá hoại. Cộng sản ở Châu Âu từng hát “Quốc Tế ca” và chủ trương đấu tranh giai cấp toàn diện với chủ nghĩa tư bản và với các đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan v.v…. Điều này đặt Cộng sản Châu Âu vào cuộc xung đột trực tiếp với phong trào dân tộc chủ nghĩa của Anh, Pháp hoặc Đức.
Để kết luận, có thể nói rằng mặc dù có thể mất một khoảng thời gian ở Châu Á lâu hơn ở Châu Âu, chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Á vẫn có thể bị lật đổ hoặc thay thế. Ví dụ, các tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) đã đặt Trung quốc và Việt cộng vào một cuộc xung đột trực tiếp với nhau.
Khi việc đô thị hóa phát triển tại Việt Nam lẫn các nước Châu Á khác, và con số nông dân giảm đi, ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Á sẽ suy giảm. Ngoài ra, cùng với việc đô thị hóa, sẽ có sự lệ thuộc lớn hơn vào kỹ thuật và một nền kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ gia tăng sự tiếp xúc với thế giới phi Cộng sản và rồi xói mòn chủ nghĩa Cộng sản. Với một trình độ giáo dục cao hơn, số lượng trí thức chống Cộng sẽ tăng lên dần.
Cuối cùng, một sự quan tâm rộng rãi và gia tăng đối với tôn giáo khắp Châu Á Cộng sản sẽ tiếp tục làm suy yếu quyền lực của các chế độ Cộng sản. Tất cả mọi nhân tố này cộng với một khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế sẽ dần dần tạo ra một Châu Á dân chủ và phi Cộng sản.
No comments:
Post a Comment