Báo trên mạng Bloomberg cho biết là theo nhận định của công ty tư vấn tài chính Moody, nợ của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin tương đương khoảng 3% tổng số tiền cho vay của một số ngân hàng Việt Nam. Vinashin, hiện đang đứng bên bờ vực phá sản, khó có thể thanh toán các khoản nợ đáo hạn và điều này có nguy cơ gây khó khăn cho các ngân hàng Việt Nam.
Trong một nghiên cứu được công bố ngày hôm nay, 29/11/2010, bà Karolyn Seet, chuyên gia phân tích tại Singapore thuộc công ty Moody's, cho biết là ngày 19/11, tập đoàn Vinashin tuyên bố có thể hoãn trả 60 triệu đô la đáo hạn trong khoản vay 600 triệu đô la, trong lúc chính phủ Việt Nam dường như không muốn giúp đỡ giải quyết những khó khăn tài chính.
Vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thay thế ban lãnh đạo Vinashin và chính phủ thông báo tiến hành cơ cấu lại doanh nghiệp này. Trong khi đó, lãnh đạo mới của tập đoàn, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định lại rằng Vinashin sẽ tự cơ cấu lại trên cơ sở những gì còn lại của doanh nghiệpTập đoàn này.
Theo chuyên gia Seet, việc hoãn trả một khoản nợ dài hạn đi kèm với việc chính phủ không hỗ trợ, có thể buộc các ngân hàng Việt Nam phải cơ cấu lại khoản nợ của Vinashin, gây thiệt hại cho các ngân hàng này.
Tháng 8 năm nay, chính phủ Việt Nam thông báo, nợ của Vinashin tính cho đến tháng sáu, lên tới 86 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,4 tỷ đô la.
Trước đây, giới phân tích nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẵn sàng ứng cứu, cấp vốn cho bất kỳ ngân hàng nào gặp khó khăn. Nhưng nhìn vào vụ Vinashin, thì trong tương lai, không có gì chắc chắn là chính phủ sẽ giúp đỡ các ngân hàng khi rơi vào tình trạng thiếu hụt các phương tiện thanh toán.
Theo số liệu của Bloomberg, Vinashin đã phát hành 16,2 tỷ đồng công trái và khoản vay này sẽ được thanh toán vào tháng tư năm 2017. Chi nhánh ngân hàng Deutsche Bank Vietnam cho biết, lãi suất danh nghĩa là 9%, tuy nhiên, do thị trường thiếu tin tưởng vào khả năng tài chính của Vinashin, lãi suất của công trái này đã lên tới 21,16% ngày hôm nay.
Lãnh đạo một số các ngân hàng cho vay của Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần, cho biết, Vinashin là con nợ lớn nhất của họ. Trong khi đó, đa số các khoản cho vay không được khấu trừ và được coi là loại tín dụng đặc biệt.
Bản nghiên cứu của công ty tư vấn Moody's nhận định, vụ Vinashin cho thấy chính phủ không thể cùng một lúc hỗ trợ các tập đoàn và khu vực ngân hàng. Điều này làm các ngân hàng lo ngại bị mất vốn khi cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, tổng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 40% khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment