Translate

Saturday, November 6, 2010

John Pomfret: Lịch sử đổi chiều, Việt Nam xem Trung Quốc là địch thủ (Trần Bình Nam lược dịch)

Theo NguoiViet Boston

AiNamQuan- b4Cách đây 3 tuần có một cuộc triển lãm tại Viện Bảo Tàng Quân sự Việt Nam. Trong một hành lang dài một bên trưng bày các chứng tích của hai cuộc chiến với Hoa Kỳ và Pháp như thư đầu hàng (TBN: của Pháp), các khẩu hiệu của Hồ Chí Minh, lựu đạn, súng AK-47 như người xem đã thấy tại nhiều cuộc triển lãm khác, không có gì mới lạ.
Mới lạ là phía bên kia hành lang triển lãm. Dọc tường hành lang là các tranh minh họa, gíáo mác, các khẩu hiệu của vua chúa và tướng lãnh Việt Nam với rất nhiều chi tiết của cuộc đấu tranh dài với Trung quốc qua nhiều niên biểu như các trận đánh năm 1077, 1258, và những trận thư hùng trong thế kỷ 14, 18.
Cung cách trưng bày – đặt một bên là “những kẻ xâm lăng Tây phương”, một bên là “thiên triều Trung quốc” cho thấy một sự thay đổi tâm lý lớn trong giới lãnh đạo Việt Nam và là một cái gai đối với Trung quốc.
Trung quốc từng cố gắng siết chặt quan hệ thân hữu với chính quyền cộng sản Việt Nam, một quốc gia có 90 triệu dân. Nhưng Trung quốc càng mạnh càng có thái độ uy hiếp Việt Nam, nên các nhà lãnh đạo Việt Nam trở nên cảnh giác ý đồ của ông bạn lớn phương Bắc. Đối với Việt Nam Trung quốc đang mất dần tư cách bạn bè thân hữu và trở thành một lân bang đáng ngại như Việt Nam vẫn thường xem từ ngàn xưa .
Thay đổi cách nhìn về Trung quốc, Việt Nam tìm bạn trên thế giới để phòng chống Trung quốc, quan trọng nhất là Hoa Kỳ, một nước lớn cũng đang tìm đồng minh để đối phó với quyết tâm trở thành siêu cường của Trung quốc.
Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trong một cuộc phỏng vấn mới đây nói: “Có thêm một người bạn là tốt, nhất là khi người bạn đó là một cựu thù.”
Dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thể hiện rõ qua chuyến viếng thăm Hà Nội của bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Cllinton tuần này. Đây là chuyến viếng thăm Việt Nam lần thứ hai của bà Clinton trong vòng 4 tháng. Ba tuần trước ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng đã đến Hà Nội. Trong tháng 8 một viên chức cao cấp của bộ quốc phòng Mỹ đã có mặt tại Hà Nội để thảo luận với các viên chức quốc phòng Việt Nam về an ninh chung. Trong 3 năm qua các chiến hạm Hoa Kỳ đã 3 lần viếng Việt Nam và hiện có 30 sĩ quan quân đội cộng sản Việt Nam đang học tại các học viện quân sự của Hoa Kỳ.
Một viên chức cao cấp Việt Nam – không nêu danh – nói: “Hoa Kỳ đã chiến đấu tại Việt Nam để ngăn chận Trung quốc, thì nay Hoa Kỳ kết bạn với Việt Nam cũng để ngăn chận ảnh hưởng của Trung quốc thôi.”
Việt Nam và Hoa Kỳ đang thảo luận một thỏa thuận để Việt Nam có thể dùng khả năng kỹ thuật khai phá năng lượng nguyên tử của Hoa Kỳ. Theo một viên chức Việt Nam việc này gíúp Việt Nam không bị lệ thuộc điện năng của Trung quốc. Việt Nam cũng đang vận động tranh thủ kỹ thuật quân sự tối tân của Hoa Kỳ, đặc biệt máy dò dưới nước (Sonar) để theo dõi sự hoạt động của tàu ngầm Trung quốc trong Biển Đông. Hà Nội cũng đang dạm mua phụ tùng cho các máy bay trực thăng, loại UH-1 của Hoa Kỳ, để lại tại miền Nam sau khi chiến tranh chấm dứt. Và bất chấp áp lực của Trung quốc 3 hãng dầu của Hoa Kỳ đã bắt đầu dò tìm dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.
Cuộc viếng thăm 2 ngày của ngoại trưởng Hillary Clinton vừa qua là để – lần đầu tiên – Hoa Kỳ tham dự hội nghị hằng năm của Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) do sự vận động của Việt Nam.
Nói chuyện với sử gia Michael Beschloss, bà Clinton nói: “Việt Nam rất muốn thắt chặt quan hệ với chúng tôi. Trước đây chiến tranh đã làm thiệt mạng hàng trăm ngàn binh sĩ Việt cả hai bên và Mỹ chưa kể số binh sĩ thương tật và đã tạo ra một ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Hoa Kỳ và Việt Nam. Giờ đây hai nước chúng tôi lại chung sức làm việc với nhau, ngoại giao với nhau vì hai nước có cùng một quan tâm chung về các vấn nạn trong vùng.”
Bảo Ninh, một binh nhì trong quân đội Bắc việt từng đánh nhau với lính Mỹ trong Nam, và sau chiến tranh đã viết cuốn tiểu thuyết nổi danh “Nỗi buồn chiến tranh” nói: “Hãy để cuộc chiến tranh đã qua cho các nhà văn. Thế hệ chúng tôi không có gì để oán trách Hoa Kỳ. Nếu hỏi ý kiến của các quân nhân, quý vị sẽ thấy đa số có cảm tình với Hoa Kỳ.”
Mục tiêu chung của Việt Nam và Hoa Kỳ là không để cho Trung quốc chiếm cứ Biển Đông làm sở hữu chủ. Trung quốc đã tuyên bố chủ quyền trên một triệu dặm vuông của Biển Đông, và đã gởi một đoàn tàu tuần tra duyên hải hùng hậu vào Biển Đông sách nhiễu ngư dân Việt Nam không cho đánh cá và hăm dọa các công ty nước ngoài có giao kèo dò tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Tháng 7 vừa qua, sau khi trao đổi với Việt Nam, bà Clinton đưa vấn đề này ra công khai trong hội nghị các nước Asean mở rộng tại Hà Nội, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không chấp nhận ý đồ của Trung quốc lấy đại dương làm của riêng và đề nghị các nước trong vùng thương thuyết đa phương để gỉải quyết với nhau. Mười một nước (11 nước) tham dự hội nghị công khai tán thành ý kiến của Hoa Kỳ làm cho ông Bộ trưởng Ngọai giao Trung quốc Dương Thiết Trì tức giận bỏ phòng họp. Sau đó ông trở lại và nói – có tính đe dọa – rằng quý vị đừng quên Trung quốc là một nước lớn.
Một trong những mục tiêu chung khác bà Clinton làm nổi bật lên là hôm Thứ Bảy 30/10 vừa qua bà triệu tập và chủ tọa một buổi họp của Ủy ban Sông Cửu Long (một Ủy ban được thành lập do sáng kiến của Hoa Kỳ) nhằm áp lực Trung quốc giảm thiểu số đập xây trên thượng nguồn sông Cửu long. Tuần vừa qua mực nước sông Cửu Long chảy vào Việt Nam thấp nhất từ trước đến nay. Các chuyên viên trị thủy Việt Nam nói rằng việc giảm lưu lượng nước vào Việt Nam do các đập nước để sản xuất điện hay dẫn thủy nhập điền của Trung quốc trên thượng nguồn.
Ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam còn tìm cách đồng minh với Liên bang Nga. Năm 2009 Việt Nam mua 5 tàu ngầm loại Kilo của Nga. Việt Nam kết thân với Ấn độ và nhờ Ấn giúp tối tân hóa các không đội Mig-21. Pháp cũng đang có kế hoạch bán chiến hạm cho Việt Nam. Việt Nam còn kết thân với Nhật và Nam Hàn. Năm năm trước Việt Nam đã cho phép công dân hai nước này vào Việt Nam không cần xin chếu khán nhập cảnh trước.
Nhà báo Nayan Chanda, tác giả cuốn “Brother Enemy” (Anh em trở thành thù địch), một cuốn sách miêu tả quan hệ giữ Việt Nam với Trung quốc, nói “Việt Nam đang đánh một nước cờ tế nhị khi muốn nói với Trung quốc rằng chúng tôi cũng đang có những người bạn cường quốc.”
Dù sao trên thực tế ảnh hưởng của Trung quốc đối với Việt Nam còn rất nặng nề. Chính sách “đổi mới” kinh tế và tổ chức an ninh để duy trì quyền lực của đảng là theo mẫu Trung quốc. Và Việt Nam biết không ích lợi gì nếu chọc giận Trung quốc. Tại Bảo tàng viện Quân sự Việt Nam cẩn thận không trưng bày gì liên quan đến cuộc chiến biên giới năm 1979.
Chính quyền Việt Nam thường kiểm duyệt các bài viết hay thông tin bài bác Trung quốc. Mới đây bộ máy kiểm duyệt Việt Nam đã buộc Vietnamnet, một tờ báo điện tử của chính quyền rút đi một bài chủ trương rằng các nước Đông Nam Á châu nên có một thái độ chung cứng rắn đối với Trung quốc về vấn đề Biển Đông cũng như trên nhiều vấn đề khác có liên hệ đến Trung quốc.
Tuy nhiên chính phủ Việt Nam cũng để cho những bài khác như bản thỉnh nguyện do bà Nguyễn Thị Bình đứng đầu danh sách ký kêu gọi Đảng ngưng chương trình khai thác quặng Bauxít trên cao nguyên miền Trung do Trung quốc đấu thầu. Bà nguyễn Thị Bình nguyên Phó Chủ tịch nước và là đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại cuộc hòa đàm Paris.
Bà Phạm Chi Lan, một nhà kinh tế, một trong những người cùng bà Bình ký tên trong bản thỉnh nguyện nói: “Chúng tôi ở cạnh Trung quốc đã 4000 năm. Chúng tôi không thể chia tay nhau một sớm một chiều được. Tuy nhiên chúng tôi cần thêm bạn năm châu.”

Trần Bình Nam lược dịch từ “In historic turn, Vietnam casts China as opponent” của ký gỉa John Pomfret đăng trên tờ washingtonpost số ngày 30/10/2010 .

Nov. 2, 2010
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

No comments: