Nguyễn Thanh Ty
Giờ đã là thế kỷ thứ 21 rồi mà còn nói đến “chữ trinh” không khéo có người lại ôm bụng cười ngất và bảo rằng “Xưa rồi Diễm!”.
Vâng! Quả đúng như thế! Nhất là ở cái xã hội Cộng Hoà Xã Nghĩa Việt Nam thì cái “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” chẳng còn một chút giá trị đạo đức nào cả.
Bọn lãnh đạo Hà Nội theo lời dặn dò của lão Hồ: “Con người là (cái) vốn quí”, (tức một thứ hàng quí mà không cần vốn) đã đem “trôn” của các cô gái quê, một thứ của không vốn, bán cho bọn Đài Loan, Singapore, Tàu Cộng, Mã Lai mấy năm nay… để lấy tiền làm giàu. Giàu sụ. Tên nào cũng có cả tỷ đô la trong nhà băng ngoại quốc. Dinh cơ đồ sộ năm bảy cái tọa lạc khắp các đô thị. Còn chuyện các cô gái khốn khổ ấy theo chồng ra nước ngoài, có được hạnh phúc hay sống chết ra sao thì “mặc bây” tiền thầy đã bỏ túi. Đảng ta phủi đít cái phạch là xong.
Chưa có lúc nào mà đạo đức xã hội Việt Nam suy đồi đến tận cùng đất đen như vậy. Hàng trăm tổ chức nhân danh là “Công ty Môi giới hôn nhân” hợp tác với Nhà nước và bọn buôn phụ nữ để làm ăn một cách hợp pháp. Chúng về các vùng quê, chiêu dụ các cô gái trong những gia đình nghèo, nói là để giới thiệu việc làm tại thành phố, nhưng thật sự là đem bán cho bọn đàn ông nước ngoài làm vợ. Tiếng là làm dâu kỳ thực là làm nô lệ tình dục.
Theo báo chí trong nước đưa tin, riêng mỗi một xã Tân Lộc ở Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ, từ năm 2000-2006 đã có đến 2.744 cô gái bị đem đi bán cho Đài Loan. Xã Tân Lộc là một đảo nhỏ giữa sông, giờ có cái tên mới là “Đảo lấy chồng Đài Loan”. Báo VnEpress cho biết từ tháng 1/1987 đến 3/2008 có 87 ngàn cô gái Việt sang làm dâu Đài Loan
Theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc (Đại Hàn) thì đến nay đã có 50.000 cô gái Việt Nam làm dâu xứ này.
Nhưng bài viết này không bàn về chuyện “Gái Việt lấy chồng ngoại” nên không đi sâu vào chi tiết mà chỉ nhân chuyện đảng cộng sản Việt Nam bán trinh tiết của các cô gái Việt Nam để làm giàu cho cá nhân và cái đảng của mình mà tản mạn vài ý về chữ trinh của người Việt lưu vong và sự tha hóa của một số trí thức hải ngoại mà thôi.
Chữ trinh này nằm trong 4 chữ “trung trinh tiết tháo”.
Tình cảnh tháng 4/75, cộng sản Bắc Việt với sự giúp sức của cả một khối Cộng Sản khổng lồ đã ào ạt đưa xe tăng vào xâm lược miền Nam cướp đất, cướp của, tàn phá tan hoang đất nước miền Nam, lăng nhục người miền Nam so với tình cảnh nàng Kiều trong Đoạn trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du thấy có mấy phần giống nhau.
Gia đình của Vương viên ngoại đang sống êm ấm, chan hoà hạnh phúc trong cảnh thanh bình:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
thì bỗng nhiên cha con, chồng vợ bị phân ly, nhà tan cửa nát, Kiều phải bán mình chuộc cha chỉ vì thằng bán tơ bá vơ nào đó bị bắt vì tội bán tơ lậu, bị quan nha “làm việc” rồi khai đại cho nhà Vương viên ngoại. Thế là:
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao;
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi….
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ.
Tình cảnh chúng ta, nhân dân miền Nam còn thê thảm, tồi tệ gấp mấy ngàn lần tình cảnh của nhà Vương viên ngoại.
Bọn quan nha ngày xưa bắt oan người dân chỉ cốt làm tiền:
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
Cho nên Kiều đành theo lời “cò” ở trong quan phủ nộp tiền đút lót để đỡ tội cho cha bằng cách bán mình để trả hiếu:
Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi
…
Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Còn chúng ta? Nhân dân miền Nam đang sống trong cảnh thanh bình từ năm 1954 khi Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, mãi đến cuối năm 1963, đời sống ấm no, câu hò tiếng hát nông thôn vang vang trên ruộng đồng. Dài theo miền duyên hải, tiếng hò dô ta kéo lưới của ngư dân rộn ràng lúc mặt trời lên. Đời sống của người dân thật an nhàn, hạnh phúc.
Thế mà, bỗng dưng, thằng bán tơ Hồ chí Minh hô hoán lên “Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam. Mỹ Diệm kềm kẹp nhân dân miền Nam” phải giải phóng miền Nam.
Thế là suốt 20 năm, thằng bán tơ Hồ chí Minh cõng quan thầy Nga sô, Trung cộng đem súng đạn vào hiếp miền Nam. Bắt đầu từ đó bọn chúng gây cảnh máu chảy, đầu rơi không ngừng suốt từ bến Hải đến Cà Mau..
Sau khi bọn Bắc Việt Cộng vào cướp miền Nam thì có tới nửa triệu nàng Kiều, Quân Cán Chính, bị đẩy vào chốn lao tù làm khổ sai, một triệu người trốn chạy bị chết dưới biển, trên rừng, ba triệu người bị đày lên kinh tế mới.
Trong những giờ phút đen tối đó, trước cảnh nước mất nhà tan vào tay loài quĩ đỏ, có những nàng Kiều với hào khí ngút trời, đã tuẫn tiết để quyết giữ chữ trinh, trung trinh tiết liệt của người tướng, thành mất phải mất theo thành, nước mất phải mất theo nước chứ nhất định không hàng giặc. Đó là: Nguyễn Khoa Nam, Lê nguyên Vỹ, Lê văn Hưng, Hồ ngọc Cẩn, Nguyễn văn Long v.v… Còn nhiều, rất nhiều nàng Kiều vô danh khác trong hàng ngũ Quân lực VNCH đã quyết gìn giữ chữ trinh của mình trong chốn lao tù của bọn cộng sản, quyết không làm ô danh màu cờ sắc áo của người chiến binh Cộng hòa. Đáng khen thay! Đáng kính phục lắm!
Nhưng bọn cướp cạn Cộng sản đâu chỉ cướp ba trăm lạng bạc là xong, mà chúng cướp tất cả: Của cải, vàng bạc châu báu, nhà cửa, đất đai ruộng vườn, kể cả vợ con viên chức miền Nam chúng cũng cướp để làm nô lệ tình dục cho chúng..
Ngày trước, giặc Tầu hay thực dân Pháp cướp nước, đô hộ dân ta một ngàn năm, một trăm, đã tàn ác là vậy, song so với sự tàn ác của bọn Cộng sản Bắc Việt hiện nay đối với người anh em cùng một bọc trứng sinh ra, chúng còn dã man hơn nhiều
Nàng Kiều bị bán vào thanh lâu năm lần, bảy lượt, tấm thân bầm dập, liễu chán hoa chê, nhưng cũng chỉ có 15 năm đoạn trường. Kết cuộc Kiều cũng được giải thoát và đoàn viên với gia đình. Lại được vui vầy hạnh phúc.
Còn chúng ta, đã 35 năm vẫn còn bị Cộng nô đày đọa, còn phải lưu lạc quê người để tìm đường sống.
Kiều trước khi bán mình chuộc cha cho tròn chữ hiếu đã cùng Kim Trọng thề nguyền giao ước đính hôn có vầng trăng chứng giám:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
…
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Trong lúc đó, bọn cộng sản Hà Nội cũng cho bộ phận đặc công len lỏi vào hàng ngũ Quốc gia tuyên truyền dụ dỗ, mua chuộc người lính Việt Nam Cộng Hòa đi theo cái gọi là Mặt trận giải phóng miền Nam, nhưng người chiến binh Cộng Hòa luôn lấy chữ trinh thề trên đầu rằng: vì Danh dự – Tổ Quốc – Trách nhiệm mà luôn luôn “Cư An Tư nguy” quyết trung trinh với nước, thề hy sinh tánh mạng để bảo vệ giang sơn đất nước, không để cho bọn cộng nô lừa bịp.
Thế nhưng cũng vẫn có những kẻ mê muội, không phân rõ được trắng đen, chính tà, đã “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” đã đem chữ trinh của mình dâng cho bọn Việt công lợi dụng. Để rồi sau ngày 30/4, cái bọn thờ ma cộng sản này hý hửng ùa nhau ra đường “hồ hởi phấn khởi” đón rước thằng Sở Khanh Việt cộng, tưởng rằng nó sẽ ôm ấp yêu dấu mình. Ngờ đâu, chưa đầy ba bảy hăm một ngày, đã bị nó văng ra khỏi cửa một cách tàn nhẫn. Lúc đó mới “sáng mắt sáng lòng” nhận ra được sự thực quá phủ phàng, ân hận thì quá muộn:
“Thôi đà mắc lận thì thôi !
“Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?
“Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
“Một tay chôn biết mấy cành phù dung!
Lúc đó chỉ còn cắn lưỡi kêu trời, len lén xuống thuyển vượt biển còn tấm thân “trong như ngọc, trắng như ngà” thì giờ đây đã:
Tíếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Chuyện đã qua 35 năm rồi, người Việt tị nạn giặc cộng những tưởng được yên thân nơi quê người, đất lành chim đậu, ngờ đâu bọn cộng sản gian ác vẫn không buông tha… Lòng tham không đáy, chúng vẫn thò những cánh tay bạch tuột ra tận hải ngoại để ve vãn, vuốt ve người Việt hải ngoại bằng Nghị quyết 36. Chúng bày đủ mưu mô xảo trả để dụ dỗ những kẻ đã từng bỏ cả gia sản, bỏ cả quê hương, thân nhân ruột thịt mà trốn chạy loài quĩ dữ.
Ngày xưa Kiều cũng bị Sở Khanh mưu với Mụ Tú bà dùng Nghị quyết 36 này để gài bẫy Kiều phải chấp nhận làm gái:
Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần.
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
đã ngon ngọt dụ dỗ:
“Thuyền quyên ví biết anh hùng,
“Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi !”
Nghị quyết 36 của giặc Cộng, cũng giống như thế. Ở điều thứ 2 của Nghị quyết dụ khị:
“Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học – công nghệ, hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được đổi mới và đạt được những kết quả đáng kể cả ở trong và ngoài nước. Công tác thông tin, văn hóa phục vụ cộng đồng từng bước được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và qua mạng Internet. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có chuyển biến tích cực.”
Cụ thể là chúng đã gửi ra hải ngoại băng dĩa nhạc, kịch, cải lương, video quay cảnh sông nước quê hương. Những đoàn ca múa như Duyên dáng Việt Nam, những lần trình diễn ca nhạc kêu gọi tình tự dân tộc, đề cao hình ảnh “quê hương là chùm khế ngọt” để cho người Việt hải ngoại mềm lòng mà móc hầu bao gửi tiền đô cả chục tỷ mỗi năm nuôi chúng ngày càng mập, càng mạnh.
Để thấy rõ hơn cái mưu mô thâm độc của cái gọi là Nghị quyết 36 trong lãnh vực văn nghệ, chúng ta hãy nghe một đọan phỏng vấn của tạp chí Quê Mẹ với một Biên tập viên Đài tiếng nói Việt Nam vừa tị nạn:
Lê Thành Trung ở trại tị nạn Spandaw Tây Berlin vào đầu tháng bẩy. Anh vừa từ Tiệp Khắc chạy qua Đức xin tị nạn chính trị, nhân chuyến đi do Đài Tiếng Nói Việt Nam cử sang tìm hiểu tình hình người Việt ở Đông Âu. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp và đại học Báo chí Hà nội, Lê Thành Trung hành nghề phóng viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh đã phụ trách các chương trình phát thanh thời sự, Văn nghệ, Khoa học và đời sống, Tiếp chuyện bạn nghe đài, Chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc v.v…
Quê Mẹ: Anh có thể cho biết kỹ hơn về khía cạnh này. Chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc có những đặc điểm gì so với các chương trình phát thanh trong nước?
L.T.T.: Đặc điểm chính là ở sự cóp nhặt, cắt xén đó. Mọi chương trình phát trên sóng trong nước đã được gọt tỉa kỹ càng so với thực tế đời sống. Sang phòng Việt kiều lại được gọt tỉa tắm gội một lần nữa. Trên tinh thần: đem chuông đi đấm nước người, tốt đẹp phô ra, xấu xa che lại.
Chẳng hạn không bao giờ trên sóng phát ra nước ngoài đưa tin về các tệ nạn xã hội, về tham nhũng, hối lộ, ăn xin, cướp bóc… Trái lại, những tin chung chung như tiềm năng dầu khí ở Việt Nam, triển vọng phát triển ngành du lịch, đất nước Việt Nam giàu đẹp, tiền rừng, bạc bể, các gương mặt tài năng trẻ, các phát minh sáng chế v.v… được triệt để khai thác, bất kể có giá trị thực tế hay không. Để làm gì? Để cho đồng bào ở xa quê hương luôn có một hình ảnh lạc quan về Việt Nam. Để gợi nhớ, gợi thương, gợi lên tình tự dân tộc ray rứt trong lòng những người con dân Việt đang sống tha hương nơi những chân trời xa lạ. Phải khơi nhói vào chỗ này. Làm cho ý thức đối kháng của Việt kiều phôi pha theo thời gian. Thời gian của những lần nghe liên tục.
Theo đấy, cái sâu xa, cái đầu tiên, cái còn lại và cái sau cùng vẫn là tình tự dân tộc. Vả lại, có thông tin phiến diện, tô hồng thì người ở xa nước làm sao biết được, lấy gì mà kiểm chứng? Không tin rồi cũng tin, nghe mãi cũng chịu ảnh hưởng. Từ tin đến yêu. Đài độc quyền tiếng nói Việt. Một Việt Nam của sự dối trá và lừa đảo
Quê Mẹ: Ngoài việc đưa tin cắt xén, loan lin thất thiệt ra, chương trình dành cho đồng bào VN ở xa tổ quốc còn có những đặc điểm tuyên truyền gì đáng chú ý không?
L.T.T.: Ở phần văn nghệ. Văn nghệ đây bao gồm cả thơ, văn, âm nhạc, sân khấu, hội họa, kiến trúc chùa chiền…
Trong đó bộ môn nhạc dân tộc, cải lương, dân ca, ngâm thơ được chú trọng. Vì sao? Vì cái mục đích gợi thương gợi nhớ ấy. Mà ở điểm này các bộ môn nghệ thuật cổ có sức lay động gọi về ghê gớm. Gọi người trở về ư? Không phải đâu. Nhà đông con, đuổi đi không hết, về mà làm gì. Gọi đây là gọi gửi tiền về, gọi nhớ, gọi thương mà quên đi các nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hôm nay của đất nước. Tôi xin được hát cho các anh nghe bài Quê Hương, nhạc Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân, một bài hát được phòng Việt kiều triệt để khai thác, phát trên sóng cả ngàn lần trong bảy, tám năm qua..
(Hát bài Quê hương)
Đẹp không? Đẹp lắm chứ. Có phải quê hương Việt Nam thân yêu của ta đó không? Phải lắm chứ. Có phải là chùm khế, cánh diều, bướm vàng, khúc sông, con đò, là chiếc cầu tre nhỏ, là vành nón lá nghiêng che của mẹ ta, trong lòng ta nhớ thương đó không? phải lắm chứ. Chẳng kể gì đồng bào ở xa. Vâng, chính tôi và các bạn bè tôi khi đang sống trên quê hương Việt Nam bằng xương bằng thịt hẳn hoi mà chợt nghe bài hát ấy cũng rưng rưng muốn khóc… Bài hát được sử dụng tinh vi, nguy hiểm là ở chỗ đó. Lấy cái quê hương trong nhớ thương, trong ước mơ để thay thế cái quê hương hiện tại tiêu điều. Làm trỗi dậy cái quê hương Việt Nam ngân nga, ngất say trong lòng người, trong hồn người, để che đậy và làm quên đi cái quê hương Việt Nam hiện tại của đói nghèo và nhà tù, của chắp vá, hỗn loạn, của những ông cụ non, những “thần đồng” dao búa tuổi 15 và những đứa trẻ “hoàn đồng” tuổi 60 bơ vơ, bám sống ở vỉa hè, bám sống tình thương, miếng ăn, bám sống vào sự tử tế của những khúc ruột mình!
Trong sự mơ màng rên rỉ ấy, đảng độc quyền, đảng củng cố và đảng thủ lợi.
Giờ đây đa số người Việt hải ngoại đều đã quá rõ bộ mặt lưu manh, gian hiểm của chúng nên không dễ mắc lừa, đã thẳng tay chỉ mặt, vạch trán chúng, tố cáo cái âm mưu xảo trá của loài chồn cáo Hồ Chí Minh.
Nhưng cũng buồn thay, trong số 3 triệu người Việt lưu vong rải rác trên khắp thế giới vẫn có một số kẻ mang danh là trí thức, bằng cấp đầy mình, lại mau quên quá khứ, hoặc chưa nếm mùi cộng sản, hoặc bị chúng đem tiền tài mua chuộc làm cho tối mắt, mờ lương tri, hoặc bị gài bẫy gái gú, buôn lậu… để rồi tình nguyện hay bị uy hiếp phải theo lệnh sai khiến của chúng mà phản bội lại đồng hương, mặt dù trên thực tế những kẻ này vẫn cứ bám lấy mãnh đất lành, tự do này để sống, không chịu bồng bế vợ con về sống với bọn Việt cộng để ăn chùm khế ngọt phỉnh phờ.
Chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao đến giờ này cũng vẫn có người ngây thơ nhẹ dạ đến thế nhỉ? Họ có bị tâm thần chăng, nói trắng ra là họ có khùng không?
Có phải chăng đây là một hiện tượng nghịch lý khó hiểu?
Để thử giải thích hiện tượng này, người viết xin trích một đoạn văn trong truyện “Xóm gái hoang” của tác giả Nguyễn quang Lập, một nhà văn hiện đang còn trong nước, nhưng ngòi bút chống cộng của ông ta còn sâu sắc hơn những nhà văn hải ngoại nhiều lắm. Hy vọng sẽ soi sáng được phần cái hiện tượng nghịch lý trên chút nào chăng!
“Mụ Cà lấy chồng lúc 16 tuổi nhưng mãi không có con, chồng mụ chán đời uống rượu say, té xuống ao, chết. Khi đó vào năm 1953, mụ mới 21 tuổi, tham gia đội du kích rất tích cực. Đội trưởng du kích khi đó là cu Miễn, rất khen ngợi mụ, họp đội du kích nói đồng chí Cà nợ nước thù nhà, chiến đấu rất hăng say.
Mụ Cà đứng lên nói bá cáo tui chỉ nợ nước thôi, không có thù nhà. Cu Miễn nói Đế quốc Pháp lừa bịp dân ta, cho uống rượu say, nhiều người chết, trong đó có chồng đồng chí Cà, thù nhà của đồng chí Cà là ở chỗ đó đo. Mụ Cà tròn mắt há miệng nói oa rứa a, oa rứa a.
Cuối năm 1953 Pháp từ Ba Đồn (một thị trấn của huyện Quãng Trạch-Quãng Bình, có nghề làm nón nổi tiếng. Chú thích NV) càn lên làng Đông, dân làng bỏ chạy chỉ còn đội dân quân vẫn ở lại giữ làng. Mụ Cà mải bắn địch một hướng, không biết Pháp vào làng theo hướng khác, anh em du kích bỏ chạy cả mụ vẫn không biết, bị một thằng Pháp xông đến đè cổ mụ trên cát, hiếp.
Mụ Cà chống cự quyết liệt, liên tục hô đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo đế quốc pháp. Thằng Pháp khoẻ hơn, đè riết không cho mụ động cựa. Mụ vẫn không sợ, miệng vẫn hô vang đả đảo đế quốc Pháp. Lúc đầu mụ còn hô to, đầy đủ cả câu đả đảo đế quốc Pháp, sau nhỏ dần hụt hơi dần, đã đảo đế quốc… rồi đả đảo đế… rồi đả đảo… Cuối cùng chỉ còn mỗi đả ả ả ả… Xong om.
Chuyện mụ Cà bị một lính Tây hiếp cả làng ai cũng biết, bàn tán xôn xao. Cu Miễn họp đội du kích phát động căm thù. Cu Miễn nói đồng chí Cà kể lại cho anh em nghe. Mụ Cà nói kể cái chi? Cu Miễn nói kể việc đồng chí bị giặc Pháp hiếp ra răng. Mụ Cà nói thì cũng giống như lẹo chắc, nhưng đây là hiếp rứa thôi, chi mà kể. Đồng chí Cu Miễn không biết lẹo chắc à?
Cu Miễn nói đồng chí Cà nghiêm túc vào, hiếp khác với lẹo chắc. Mụ Cà nói nhưng tui không biết kể chi hết. Cu Miễn nói ví dụ giặc Pháp đè đồng chí xuống, xé áo quần đồng chí rất dã man. Mụ Cà nói đúng rồi rất dã man. Tui chống cự rất quyết liệt, vừa chống cự vừa hô đả đảo đế quốc Pháp.
Cu Miễn mừng rỡ nói rứa đo rứa đo, đồng chí kể tiếp đi. Mụ Cà nói chỉ rứa thôi, biết kể chi nữa. Cu Miễn nói lúc đầu răng, cuối cùng ra răng cứ rứa mà kể. Mụ Cà hỏi kể thiệt a? Cu Miễn nói có răng đồng chí cứ kể rứa.
Mụ Cà nói bá cáo các đồng chí lúc đầu hắn đâm một phát tui chửi rất hăng, sau hắn đâm nhiều quá, sướng rồi hết chửi. Mọi người cười, vỗ tay ầm ầm, nói ua chầu chầu hay hè hay hè. Cu Miễn tức, đập bàn chỉ tay mụ Cà quát phản động, bắt mụ ni trói lại cho tui. Mọi người ngơ ngác không hiểu sao…”
Đấy cái hiện tượng của những kẻ bị Cộng sản dụ dỗ “hiếp dâm” cũng giống như mụ Cà trong truyện “Xóm gái hoang” của nhà văn Nguyễn quang Lập, miệng ở đây thì hô “đả đảo cộng sản” rất hăng, nhưng lại âm thầm lẻn về VN, cộng tác làm ăn với chúng.
Như năm vừa qua, cả ngàn thằng và con “Việt kiều yêu nước” xun xoe áo mũ về dự Đại hội Viêt kiều, nhăn nhăn, nhở nhở lên sân khấu vỗ tay “hồ hởi phấn khởi” đồng ca “Như có Bác Hù…”. Rồi về Mỹ khoe rằng: đi dự lễ có xe còi hụ dẫn đường và cảm thấy sự bình an sướng khoái chạy từ xương khu lên tới đỉnh đầu.
Cái đau lòng là ở chổ đó. Khi ăn phải bả của Nghị quyết 36 rồi, chúng sướng rên lên:
- Giờ này mà chống cộng gì nữa? Cộng sản bây giờ đã đổi mới rồi! Cởi mở lắm! Thoáng lắm! Về làm ăn tự do, thoải mái! Du lịch, du hí, ăn chơi vô tư! Miễn là đừng có bàn chính trị!
Phải! Đúng thế! Chủ trương, mục đích của Nghị quyết 36 là ru ngủ thanh thiếu niên trong nước để dễ cai trị, dễ đè đầu, đè cổ và ngọt ngào với người hải ngoại để những con bò sữa sẵn sàng giơ vú ra cho chúng thò bàn tay lông lá vắt sữa dưới nhiều hình thức tinh vi.
Cho nên, kẻ nào đã nói lên câu này, thì ta biết ngay là kẻ ấy đã bị cộng sản cấy sinh tử phù rồi.
Khi nàng Kiều thoát khỏi lầu xanh, cả nhà được đoàn viên, vì muốn chiều lòng cha mẹ và chiều lòng Kim Trọng nên nàng phải nhận lời kết hôn với Kim Trọng, nhưng thâm tâm nàng không muốn. Khi hai người vào phòng tân hôn, Kim Trọng tỏ ý muốn ân ái thì Kiều từ chối. Kiều nói:
- Kiều nay như một cánh hoa tàn, xin chàng hãy tôn trọng để Kiều còn chút tự hào với mọi người..
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
Tâm trạng người Việt lưu vong của chúng ta cũng chẳng khác gì nàng Kiều thuở xưa.
Khi trốn chạy bọn cộng sản vô thần thì cầm bằng mình đi vào con đường thập tử nhất sinh. Khi sang được bến bờ tự do, hú hồn hú vía, ngày ngày hướng về phương Nam mà khóc ròng, lòng nhủ thầm ra đi lần này biết có còn được trở về quê cha đất tổ hay không?
Cho đến lúc bọn cộng ngu dốt đành phải từ bỏ cái chế độ “xuống hố cả nước” rất ngu xuẩn để chạy theo chế độ tư bản mà chúng mắc cỡ gọi chệch đi là “đổi mới”, tức là trở lại như cũ, trở lại con đường mà Miiền Nam đã đi trước chúng cả hai chục năm, buộc phải mở cửa cho thế giới tự do vào cứu nguy cho chúng, một con bệnh trầm kha đang ngáp ngáp sắp chết, người tị nạn mới có cơ hội trở về.
Nhờ vậy mà người Việt lưu vong mới có thể đường đường chính chính trở về thăm quê hương, sum họp với gia đình giống như nàng Kiều đoàn viên.
Nhưng người Việt lưu vong hơn Kiều ở chổ là chỉ về thăm quê hương để thỏa lòng thương nhớ ngọn rau tất đất, họ hàng bà con, xóm giềng mươi ngày nửa tháng, cho tiền, giúp đỡ gia đình rồi lại ra đi chứ nhất quyết không ở lại để yêu và sống với cái Xã hội Chủ nghĩa của loài dã thú.
Mặc dù, hôm nay bọn cộng sản đã trở lưỡi, muối mặt, ra sức xun xoe bợ đỡ người Việt hải ngoại để kiếm đô la. Người dân trong nước đã nhạo báng hành vi của chúng một cách khinh miệt:
Ngày đi đảng gọi Việt gian
Ngày về thì đảng đổi sang Việt Kiều
Chưa đi phản động trăm điều
Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng.
Người Việt lưu vong từ chối cái gọi là “quê hương chùm khế ngọt, con diều biếc, con bướm vàng bay” ma mãnh của Nghị quyết 36 để khỏi bị một lần nữa ép duyên, hãm hiếp người Việt tị nạn, một loại Kiều thời đại.
Sự từ chối đó giống như Kiều từ chối đòi hỏi ái ân của Kim Trọng.
Đó chính là lập trường, là nhân cách của người Việt Quốc gia lưu vong đã giữ chữ trinh cho mình.
Chữ trinh của người Việt lưu vong đã được gìn giữ trang trọng, đã thể hiện một cách kiêu hãnh rõ ràng bằng hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ thiêng liêng vẫn tung bay ngạo nghễ trên bầu trời tự do, nơi mà lá cờ máu của bọn Việt cộng tuy chúng đã bắt tay với Mỹ hơn 15 năm nay, vẫn không thể nào được cái vinh dự có mặt ở đây.
Hiện nay, bọn Bắc Bộ phủ đang trông đợi gì ở cái thế hệ thứ nhất ở hải ngoại, một thế hệ đã từng một thời gian dài hai mươi năm mặt đối mặt với chúng ở cửa tử sinh?
Chắc chắn là chúng đang đợi những lão già “thất thập” như chúng ta chết đi rồi chúng sẽ tha hồ thao túng, ăn gian, nói dối lừa gạt lớp trẻ, thế hệ thứ hai, thứ ba lớn lên ở hải ngoại không biết chút gì hoặc mơ hồ về về giai đoạn lịch sử oan nghiệt vừa qua, để tha hồ sự vo tròn bóp méo, đổi trắng thay đen lịch sử theo ý đồ lưu manh của chúng.
Nhưng chúng đã lầm, lầm to.
Ngày nay tuổi trẻ trong nước mặc dù dưới sự o ép, kềm kẹp khủng bố nghiệt ngã của mạng lưới công an dày đặc như mạng nhện mà vẫn bùng lên khắp nơi, tỏ thái độ chống đối mãnh liệt bằng chiến dịch viết khẩu hiệu: “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Đâu đâu cũng có, từ phố thị đông đúc dân cư cho chí địa đầu đất nước xa xôi, bản làng heo hút, khiến cho bọn Thái thú An Nam run sợ từng ngày.
Chúng ra sức bắt giam hết lớp này thì có lớp khác đứng lên tiếp tục tranh đấu. Làn sóng “phản động” trong dân chúng đã bùng lên mạnh mẽ như ngọn lửa thiêng cháy khắp nơi. Bọn Bắc Bộ phủ phải co cụm lại để phòng thủ. Thậm chí chúng còn cầu cứu cả bọn côn đồ, lưu manh, xã hội đen tiếp tay với lực lượng công an đông như kiến cỏ giúp chúng bảo vệ chế độ và đánh giết dân lành ở những nơi có biểu tình “tự phát”.
Riêng tuổi trẻ hải ngoại không như chúng ảo tưởng và mơ ước. Thế hệ thứ hai hiện nay đã thay thế cha anh, xông lên hàng đầu, phất cao ngọn cờ chính nghĩa, đấu tranh mạnh mẽ hào hùng, khí thế cao ngất trời, cao hơn cả sự kỳ vọng của cha anh lớp trước của chúng.
Hãy nhìn vào hình ảnh những ngày hội biểu dương tinh thần đấu tranh chống bọn lãnh đạo cộng sản Việt Nam mỗi khi xuất ngoại đi ăn mày thế giới, những cuộc biểu tình rầm rộ xuống đường chống bọn giặc bành trướng Bắc kinh thì sẽ thấy thành phần đó đa số đều là thanh niên tuổi trẻ cả. Tuổi trẻ với trình độ kiến thức cao hơn, bầu nhiệt huyết nóng bỏng hơn, khí thế còn ngất trời hơn cả cha ông chúng.
Còn riêng chúng ta, những ông bà già, tuổi đời đã “cổ lai hy” rồi, đang cùng nhau sắp hàng lần lượt chuẩn bị trở về với cát bụi, chúng ta sẽ phải làm gì đây?
Dĩ nhiên theo qui luật đất trời, tre tàn thì măng mọc. Những gốc tre già chúng ta, trước khi về cõi để nhường chổ cho măng non vươn lên, chúng ta hãy chuyển giao lại cho tuổi trẻ những kinh nghiệm xương máu mà chúng ta đã vấp phải trong quá khứ, của thời trai trẻ quá thơ ngây đã bị phỉnh lừa và hướng dẫn chúng đi đúng đường ngay nẽo thẳng, để chúng có thể đâm chồi mạnh, vươn thẳng mình trên bầu trời tự do, độc lập.
Với kinh nghiệm được trang bị đó, sẽ là một vũ khí sắc bén cho chúng trên con đường xông pha tranh đấu, sẽ không bị bọn cộng sản gian manh lừa bịp được
Đối với những người cầm bút, chúng ta có một nhiệm vụ thiêng liêng là phải viết lại sự thật của lịch sữ và vạch rõ những thủ đoạn gian manh của lũ cộng sản vô thần để lưu lại cho con cháu, những thế hệ về sau để chúng có thể tìm đọc, tham khảo và nhất là hiểu rõ ràng sự thật vì sao ông cha chúng thế kỷ trước phải bỏ nước ra đi, sống đời lưu vong nơi đất khách quê người.
Đó là những trang sử chép bằng văn, thơ, nhạc, họa về những đau thương nghiệt ngã nhưng không kém hào hùng, oanh liệt của một miền Nam một thời anh dũng, kiêu hùng đã bị giặc Việt công phương Bắc cùng khối Cộng sản Nga Tàu xâm lăng ăn cướp.
Nhưng muốn được như thế, điều trước hết, chúng ta phải cố giữ lấy cho được toàn vẹn cái nhân cách của người Việt Quốc gia tự do cho đến hơi thở cuối cùng. Dù có nhìn thấy được hay không cái ngày quang phục quê hương, cờ vàng bay phấp phới trên bầu trời xanh với tiếng hò reo chiến thắng khải hoàn.
Đó là sự trung trinh tiết liệt của tấm lòng.
Cuối cùng, người viết muốn mượn hai câu Kiều nói với Kim Trọng:
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.
Và xin phép được đổi hai chữ để cho phù hợp với hiện trạng chúng ta: Những nàng Kiều thời đại của miền Nam Việt Nam, những người Việt Quốc gia, chứng nhân lịch sử, đã lưu vong ba mươi lăm năm, vẫn kiêu hãnh, ngẫng cao mặt nhìn đời mà lòng không vấn vương một chút hổ thẹn.
Chữ trinh còn một chút này,
Hãy cầm cho vững đừng giày cho tan.
Mong lắm thay!
Nguyễn Thanh Ty
Boston, 10/10/2010
No comments:
Post a Comment