Bài 1: Kiến trúc nguy nga, trang phục lộng lẫy kiểu… Tàu
- Đoan Trang
Sau khi Pháp luật TP.HCM đăng bài phản ánh về việc phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” mang đậm yếu tố Trung Hoa, độc giả Trần Hùng Phương đã có phản hồi (trích): “… rất cảm ơn các nhà sử học đã nghiên cứu rất nhiều về lịch sử Việt Nam. Nhưng các ông có thể nào ngồi lại cùng nhau cho chúng tôi biết rằng lịch sử Việt Nam là như thế nào không? Các ông ngồi đó mà bàn cãi với nhau việc này, việc nọ thì các nhà làm phim sao mà dám làm nhiều về phim cổ trang?... ”.
Nhiều khán giả của phim cũng băn khoăn, vậy nếu phim mang đậm chất Việt, thì chất Việt phải như thế nào? Đi xa hơn nữa, trường hợp của “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” đặt ra vấn đề: Cần làm phim lịch sử ở Việt Nam ra sao để không cho ra những sản phẩm vừa tốn kém vừa bị phản ứng kịch liệt như thế này.
“Đường tới thành Thăng Long” quá nguy nga
Ấn tượng nổi bật từ những hình ảnh của phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” (mà những đoạn hấp dẫn nhất hoặc đặc trưng nhất đã được đưa vào trailer quảng cáo) là sự hoành tráng của bối cảnh và sự ấm áp, rực rỡ của trang phục Việt giai đoạn Đinh - Tiền Lê – Lý (từ năm 980 khi Lê Hoàn lên ngôi đến năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long).
Nói về bối cảnh, cung điện trong phim có tòa tới 2-3 tầng, lợp ngói sắc xanh xám. Thế mà, theo mô tả trong những tư liệu sớm nhất của người phương Tây về Thăng Long (thế kỷ 17), hầu hết nhà ở kinh thành thời đó là nhà tranh nứa lá, mái rạ. Giáo sĩ Baldinotti viết năm 1686: “Vì nhà bằng tre nứa nên Thăng Long hay bị hỏa hoạn, có lần thiêu rụi tới năm, sáu nghìn nóc nhà, song nhờ Kẻ Chợ vốn có nhiều hồ ao nên dập tắt lửa dễ dàng và chỉ bốn, năm hôm sau, nhà cửa lại dựng lên san sát như cũ”. Cho tới thế kỷ 19, nhà cửa trên các phố ở Hà Nội vẫn chủ yếu bằng tre nứa lá (xem ảnh) và chỉ có một tầng, không ngói.
Không có sử liệu về kiến trúc thời Lê Hoàn - Lý Công Uẩn, song các nhà làm phim hoàn toàn có thể suy luận rằng vào thế kỷ 10-11, kỹ thuật xây dựng của nước ta rất khó tạo ra được những tòa nhà gạch 2-3 tầng lợp ngói. Ngay cả đình, chùa bằng gỗ cũng chỉ có một tầng trên mặt đất và một gác chuông trên “tầng” hai. Về mái ngói, mãi tới cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn, nước ta mới có ngói lợp tráng men (và kỹ thuật tráng men này đã là một bước tiến rất lớn của nghề gốm). Theo ông Phạm Hoàng Quân, chuyên gia cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, do tráng men óng ánh nên nó được gọi là ngói lưu ly. Một số công trình ở kinh thành Huế thời Nguyễn đã được lợp thứ ngói rất xa xỉ này. Có hai loại ngói chính là thanh lưu ly (màu xanh) và hoàng lưu ly (màu vàng).
Vậy phải “phục dựng” khung cảnh thế kỷ 10-11 ra sao? Họa sĩ Tú Ân, một người từng bỏ nhiều năm tìm hiểu kiến trúc, trang phục cổ Việt Nam để minh họa truyện tranh, suy đoán rằng nhà cửa của dân ngày ấy là nhà tranh vách đất, mái rạ, còn “đình, chùa và cung điện có thể xây bằng gỗ, rừng Việt Nam ngày ấy chắc còn nhiều gỗ quý”, hoặc gạch (kỹ thuật làm gạch của người Trung Quốc đã được lưu truyền sang Việt Nam từ thời Bắc thuộc). Điều chắc chắn là ở vào thời Đinh - Tiền Lê - Lý, cung điện, nhà cửa của Việt Nam chưa thể lợp ngói xanh, cao tới 2-3 tầng như vậy.
Chưa kể, địa thế Hoa Lư thời ấy nhỏ hẹp với đồi núi, sông ngòi, Thăng Long cũng vẫn còn là đất trũng, nhiều ao tù, không thể xây dựng trên đó những cung điện nguy nga, hoành tráng như bộ phim đã mô tả. Ngay cả ở châu Âu, nơi vốn được xem là tiến nhanh hơn châu Á về cấp độ văn minh, các công trình lớn cũng phải trải qua vài trăm năm mới hình thành.
… và quá lộng lẫy
Về phục trang, điều gây ấn tượng là sự ấm áp, dày dặn và màu sắc rực rỡ của trang phục trong phim “Lý Công Uẩn”. Các chuyên gia lịch sử thời trang Việt, nếu được hỏi ý kiến, đều sẽ cho biết rằng ngành may mặc của Việt Nam đã phải trải qua “một chặng đường tiến hóa” dài đến mức nào, từ chất liệu tới kỹ thuật. Buổi đầu phát triển, chất liệu của chúng ta đã chỉ là vải thô, dệt rất thưa (do kỹ thuật dệt còn kém), với những màu nhuộm đơn giản: đen, nâu, chàm, tím…, sử dụng những nguyên liệu tạo màu dễ kiếm như vỏ cây, rễ cây, hoa lá…
Đập vào mắt khán giả là những chiếc mũ đội đầu có “mái che” rất giống mũ của… Tần Thủy Hoàng. Các nhà làm phim lập luận rằng vua nước ta rập khuôn trang phục của hoàng đế Trung Hoa. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Quân, rất khó có khả năng Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ “bệ nguyên” mũ của vua Trung Quốc: “Triều đình Trung Hoa không khi nào chịu cho vua một nước “đàn em” mặc vương phục và đội mũ y hệt vua của họ, vì với họ, mũ mão của hoàng đế là để thể hiện uy quyền của “thiên tử”. Vua nước ta có muốn sử dụng theo cũng phải chế lại”.
Bà Đoàn Thị Tình, họa sĩ thiết kế chính của phim, cho biết bà đã tham khảo nhiều sử liệu, trong đó có Lịch triều Hiến chương Loại chí (Phan Huy Chú) để thiết kế phục trang. Nhưng nếu theo đúng sách này, thì ở mục “Quy chế về mũ áo của đế vương” (thuộc phần Lễ nghi chí) có chép:
“Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau mặc áo phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức trân châu.
Lý Thái Tông mới chế thứ mũ gọi là ‘bát giác tiêu dao’ bằng vàng (tên mũ, lối mũ ấy nay không khảo cứu được).
Lời xét của Phan Huy Chú:
Từ đời Lý, đời Trần trở về trước, mũ áo của vua thế nào, không thể khảo cứu được. Xem trong sử có hai thứ kể trên, tạm chép ra đây để biết đại khái”. (bản dịch của Viện Sử học)
Điều đó có nghĩa là mũ của vua Lê, vua Lý Thái Tổ thế nào, Phan Huy Chú cũng không biết được, nhưng khả năng “bê nguyên xi” chiếc mũ “Tần Thủy Hoàng” của Trung Quốc là rất thấp.
Cũng sách của Phan Huy Chú chép, phần về phẩm phục của các quan: “Lý Thánh Tông năm Chương Thánh thứ nhất (1059), vua ngự điện Thủy Tinh, các quan đến chầu, bắt phải đội mũ đi hia mới cho vào chầu. Nghi lễ vào chầu đủ cả mũ hia bắt đầu từ đó”. Chính vị sử gia đã có lời xét về phẩm phục các quan trước đó rằng như thế “đủ thấy là sơ sài”.
Một chi tiết nữa là những họa tiết thêu trên áo vua quan, hoàng hậu. Nếu thừa nhận ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành, đi sứ sang Trung Quốc vào đời Lê Thái Tông (trị vì từ 1433-1442) thì ta phải thấy rằng vào thời Tiền Lê - Lý Công Uẩn, áo xống của người triều đình chưa thể thêu thùa lộng lẫy như thế.
Các họa sĩ thiết kế và cố vấn mỹ thuật của phim đều chưa bình luận về màu sắc vải vóc cũng như chiếc mũ của vua trong phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”.
|
Bài 2: Phim lịch sử Việt Nam: Làm sai là di hại cho khán giả
- Đoan Trang
Cái khó lớn của việc làm phim lịch sử Việt Nam, mà ai cũng thừa nhận, là sự thiếu thốn về tư liệu. Do đó, người làm phim, đặc biệt họa sĩ thiết kế, bắt buộc phải tìm tòi các nguồn sử liệu, kết hợp với sự phân tích logic, để đưa ra những giải pháp chấp nhận được. Ở đây, không chỉ cần đến kiến thức về lịch sử các triều đại, mà đòi hỏi một sự hiểu biết tổng hợp cả về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tâm lý dân tộc.
Một nhà kinh tế ở Hà Nội (giấu tên vì không muốn “can thiệp” vào lĩnh vực phim ảnh ngoài chuyên môn) nhận định: “Thời xưa, người Việt chắc chắn thấp bé vì dinh dưỡng thấp. Người Trung Quốc, nhất là khu vực phía bắc, có xu hướng du mục nên chăn nuôi gia súc và ăn thịt nhiều hơn ta, nên đủ dinh dưỡng hơn. Ta cũng có nuôi gia súc nhưng nguồn nông sản cung cấp không đủ. Ngựa ta cũng bé nhỏ chứ không to lớn như ngựa xích thố thế. Thật ra ở một nền kinh tế quy mô nhỏ, đất nước ít thảo nguyên như Việt Nam, thường người làm thay ngựa, nên ít có truyền thống đi xe ngựa mà là người khiêng hoặc kéo, còn đi xa thì dùng đường thủy”.
Như vậy đủ thấy, làm phim lịch sử đòi hỏi phải nghiên cứu đa ngành để có kiến thức rất tổng hợp, và suy luận logic.
Cần đẹp hay đúng?
Những đặc điểm của kinh tế - văn hóa Việt Nam, phía các chuyên gia làm phim của Trung Quốc khó mà biết được. Trong một bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Hồn Việt, tháng 5 vừa qua, họa sĩ Phan Cẩm Thượng – cố vấn văn hóa của phim “Lý Công Uẩn” – nói rằng: “Các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim thì trang phục, bối cảnh, ánh sáng… đều phải đẹp, câu chuyện có tình duyên và diễn xuất diễn viên tốt. (…) Rồi rất nhiều bộ y phục khác cũng vậy, người Trung Quốc muốn dùng màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, các chất liệu tơ lụa, trong khi bên ta phần nhiều chỉ dùng màu sắc trầm, ít trang trí, và các loại vải bông, gai. Đây là tập tục văn hóa nên hai bên không có cách gì hiểu nhau…”.
Một số nhà quay phim và họa sĩ Việt Nam có tính duy mỹ cũng cho rằng phim lịch sử, cổ trang “cốt đẹp chứ không cốt đúng”, bởi “nếu thiết kế bối cảnh y như thật thì nhếch nhác lắm vì Việt Nam ngày xưa rất nghèo”. Về điểm này, chuyên gia cổ sử Phạm Hoàng Quân nhận định: “Tôi nghĩ làm phim lịch sử thì nên nghiên cứu cẩn thận và căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của thời đại đó để thể hiện cho phù hợp, ít nhất không gây sốc, gây choáng cho người xem vì độ hoành tráng và… xa lạ của cảnh quan”. Còn họa sĩ Tú Ân thẳng thắn: “Tôi không biết làm phim cổ trang thì cần đẹp với sang tới mức nào, tôi chỉ biết phim kể về Việt Nam, câu chuyện Việt Nam, con người Việt Nam, thì phải ra chất Việt Nam”.
“Chất Việt Nam” là gì? Từ lâu, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa như Phan Ngọc, Hữu Ngọc, Trần Ngọc Thêm… đã nói về cái đẹp dung dị, đơn sơ, xinh xắn của những công trình kiến trúc ở Việt Nam, so với sự đồ sộ, quy mô, hoành tráng của Trung Quốc như muốn tỏa “tinh thần bá quyền” ra muôn phương. Làm phim cổ trang như “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, phim càng thể hiện hoành tráng thì khán giả càng thấy xa lạ. Ông Phạm Hoàng Quân gợi ý: “Nếu không có sử liệu chính xác về kiến trúc cung điện thời ấy, đạo diễn và họa sĩ có thể cho thiết kế nhà cửa thấp, một tầng, lợp ngói thường thôi thay vì lợp ngói lưu ly. Trang phục thì nhuộm màu đơn giản, hết sức tránh rực rỡ nhiều màu sắc”.
Trong quá khứ, chúng ta cũng từng có những bộ phim cổ trang thể hiện được khá “sát thực tế” cái chất nhỏ bé, đơn sơ của văn hóa Việt Nam, ví dụ Học trò thủy thần (1990) của đạo diễn Khánh Dư, một bộ phim đen trắng kể về bậc “vạn thế sư biểu” Chu Văn An và người học trò vốn là con trai vua Thủy tề.
Cẩu thả, vô trách nhiệm, hay bị ép?
Cũng họa sĩ Phan Cẩm Thượng phản ánh: “Ngay từ đầu, tôi phản đối những trang phục đó nhưng tôi chỉ là cố vấn. Người mình thời đó cởi trần đóng khố và chèo thuyền quỳ với 20 tay chèo nhưng bây giờ bắt diễn viên cởi trần đóng khố thì không ai chịu làm thế, kể cả người dân tộc. Trang phục Việt Nam đơn sơ hơn trang phục Trung Quốc nên nếu mặc thế thì diễn viên chết rét…”. Ông còn bảo: “Các phim của họ thường là phim lịch sử cổ trang chứ không phải phim lịch sử hiện thực. Họ nói thẳng, những phim lịch sử Trung Quốc phải nâng lên rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong lịch sử”.
Những gì mà các nhà làm phim Trung Quốc “ép” đối tác Việt Nam là có thể hiểu được, nếu chúng ta tìm trở lại chính sách văn hóa của đất nước này. Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị các đơn vị sản xuất truyền hình trên cả nước. Tại đây, Bộ đưa ra chính sách: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim có mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới. Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng, được hỗ trợ xuất khẩu (cho không hoặc bán giá rẻ) sang các quốc gia trong khu vực. Đồng thời với đó, giới làm phim tiến hành “Trung Hoa hóa” các sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Bộ phim “Hà Nội – Hà Nội” chỉ được chiếu ở đài tỉnh Quảng Tây vào đêm khuya, với một generiqué toàn chữ Trung Quốc, khiến khán giả xem khó mà để ý rằng đó là sản phẩm hợp tác với Việt Nam.
Ngay cả việc các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim cổ trang “trang phục, bối cảnh, ánh sáng… đều phải đẹp”, “nâng lên rất nhiều” so với lịch sử, cũng phản ánh một phần mục đích tuyên truyền văn hóa của họ. Ngoài ra, như chính ông Phan Cẩm Thượng nói, “với phim tư nhân thì họ xác định phim cần có thị trường và kỷ niệm chỉ là một dịp đưa phim ra thị trường. Các nhà làm phim quan niệm, phim mà không kinh doanh là không được. Phim này làm trên góc độ thị trường chứ không phải chỉ là phim kỷ niệm”.
Với các quan niệm, chính sách và mục đích như vậy, khi sản phẩm làm ra không mang chất Việt Nam thì không phải lỗi của các nhà làm phim Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vì sao phía Việt Nam chấp nhận “bị ép” như vậy, đối với một bộ phim lớn, được đầu tư tới 108 tỷ đồng và để phát sóng trên đài quốc gia nhân dịp đại lễ?
| ||
|
No comments:
Post a Comment