Translate

Sunday, September 19, 2010

Nín thở chờ giải quyết hòa bình tranh chấp biển Hoa Đông

Theo tuanvietnam.net

Không chỉ riêng Trung Quốc, Nhật Bản mà các nước trong khu vực Đông Á đều mong muốn môi trường hòa bình ổn định để phát triển. Vì vậy đối thoại hòa bình giải quyết tranh chấp Trung - Nhật tại biển Hoa Đông là điều các quốc gia trong khu vực mong đợi.

>> Đại sứ bị triệu lần 4, Nhật không nhân nhượng Trung Quốc

>> Trung Quốc triệu đại sứ Nhật lần 5, Mỹ vào cuộc

Căng thẳng

Cuộc tranh cãi chủ quyền xung quanh quần đảo Điếu Ngư - Senkaku gần đây ngày càng trở nên căng thẳng giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và các đảo nhỏ lân cận. Nhưng ngày 5/9 lãnh đạo Đảng Dân chủ đương nhiệm của Nhật Bản (DPJ) Ichiro Ozawa đã khẳng định rằng các đảo Điếu Ngư "trong lịch sử chưa bao giờ được công nhận là lãnh thổ Trung Quốc".

Sau đó, tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư - Senkaku lại được hâm nóng hơn khi xảy ra đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) vào ngày 7/9. Điều này khiến căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư - Senkaku bước vào giai đoạn mới, đó là cuộc va chạm thực sự chứ không dừng ở lời tuyên bố của Trung Quốc và Nhật Bản nữa.

Phản ứng của chính phủ hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đối với đụng độ tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư - Senkaku đều rất quyết liệt: Nhật Bản lập tức bắt giữ toàn bộ thủy thủ đoàn và viên thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu 5179 thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.

Người phát ngôn Cục Tuần tra biển của Nhật Bản, ông Daisuke Takahashi cho hay người thuyền trưởng đã bị thẩm vấn, có khả năng bị truy tố ở tòa án Nhật Bản.

Hai tàu tuần tra Nhật Bản "kèm" tàu cá Trung Quốc sau vụ va chạm ở vùng biển tranh chấp. Ảnh: AP
Trong khi vấn đề tàu cá Trung Quốc chưa được giải quyết, Nhật Bản công bố Sách Trắng Quốc Phòng thẳng thừng chỉ trích sự tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc ở sát các vùng biển của Nhật Bản.

Chiều 13/9 Nhật Bản phóng thích 14 thủy thủ của Trung Quốc sau khi đã tiến hành thẩm vấn, nhưng riêng viên thuyền trưởng thì vẫn tiếp tục bị giữ lại ít nhất đến ngày 19/9 để phục vụ điều tra.

Tính đến nay Trung Quốc đã 5 lần liên tục triệu tập Đại sứ Nhật Bản Uichiro Niwa đến để yêu cầu Tokyo trả tự do vô điều kiện cho thủ thủy đoàn, trả tự do cho thuyền trưởng, và thả tàu cá của Trung Quốc.

Trung Quốc còn gia tăng áp lực ngoại giao đối với Nhật Bản bằng việc đơn phương tuyên bố hoãn cuộc đàm phán với Nhật Bản về ký kết hiệp định cùng khai thác khí đốt ở vùng biển giáp ranh trên Biển Hoa Đông, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 9/2010.

Dư luận Nhật Bản yêu cầu chính phủ Nhật Bản phải truy xét nghiêm khắc đối với thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Báo chí Nhật Bản coi đây không phải là vụ việc vi phạm luật pháp đơn thuần mà còn có nghi vấn tàu này núp danh tàu cá để hoạt động thu thập thông tin và nghiệp vụ. Theo phía Nhật Bản, vụ việc lần này thể hiện rõ tình trạng va chạm quyền lợi ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc đang trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự với các nước xung quanh.

Hãng tin Tân Hoa Xã đăng tải kịp thời phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Khương Du, và công tác bảo hộ công dân của lãnh sự Trung Quốc tại Nhật Bản. Người dân Trung Quốc thể hiện thái độ bài Nhật bằng cách biểu tình tụ tập trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh. Các nhóm dân sự của Trung Quốc còn hẹn nhau bơi thuyền ra quần đảo Điếu Ngư để phản đối Nhật Bản.

Và kiềm chế

Vụ đụng độ tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông đẩy quan hệ chính trị Trung - Nhật vào thời kỳ căng thẳng. Nhưng căng thẳng này khó dẫn đến đổ vỡ quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Quan hệ Trung - Nhật sở dĩ căng thẳng như vậy là vì cả hai nước đều cho là mình bị xúc phạm. Ông Ralph Cossa, Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii nói thêm: "Phía Trung Quốc không hài lòng vì họ nhận chủ quyền vùng hải phận đó. Vì thế, theo lập trường của Trung Quốc, đây là một hành vi phạm pháp. Nhưng phía Nhật Bản lâu nay vẫn chiếm đóng và quản lý nhóm đảo mà họ gọi là Senkaku này. Vì thế, khi xảy ra một vụ đụng chạm, họ phải mở cuộc điều tra".

Dù trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp này, Nhật Bản có công bố Sách Trắng Quốc Phòng chỉ trích sự tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc ở sát các vùng biển của Nhật Bản. Điều này cho thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản lo ngại và lên tiếng.

Chính phủ Nhật Bản trước đó luôn khẳng định "không tồn tại cái gọi là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku" và muốn xử lý vụ đụng độ trên thông qua pháp luật dân sự. Tuy nhiên, ngày 14/9, Bộ trưởng cải cách hành chính Renho Murata đã thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Điếu Ngư - Senkaku trên biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố hoãn cuộc đàm phán với Nhật Bản về ký kết hiệp định cùng khai thác khí đốt ở vùng biển giáp ranh trên biển Hoa Đông cho thấy thái độ cứng rắn của Trung Quốc đối với nước láng giềng Nhật Bản trong những vụ tranh chấp lãnh thổ, cả trong những lời tuyên bố lẫn trong thái độ.

Ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề châu Á đương đại của trường Đại học Temple ở Tokyo cho rằng là viên thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ được gửi trả về nước, cho dù ông ta có bị đưa ra toà và kết án, bởi vì Nhật Bản không có ý muốn gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.

Tối ngày 12/9 Bắc Kinh đã ngăn cản một cuộc biểu tình để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư. Khi Nhật Bản phóng thích đoàn thủy thủ 14 người Trung Quốc vào ngày 13/9, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự cố trên biển này đã qua khỏi giai đoạn căng thẳng nhất.

Tuy nhiên, chưa thể nói là quan hệ Nhật - Trung đã dịu lại. Mới đây Trung Quốc gia tăng sức ép với Nhật Bản thông qua việc hủy chuyến thăm của ông Lý Kiến Quốc, Phó Chủ tịch Ban Thường vụ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) tới Tokyo.

Từ ngày 7/9 đến nay hai nước lớn trong khu vực Đông Á là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn luôn kiềm chế trong việc xử lý vụ đụng độ tàu cá nói trên, hai nước đều không muốn ảnh hưởng đến lợi ích phát triển kinh tế quốc gia.

Đối thoại hòa bình giải quyết tranh chấp

Trung Quốc luôn đề cao đường lối phát triển hòa bình của mình trong đường lối ngoại giao. Qua sự kiện đụng độ tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản lần này, Trung Quốc phần nào nhận thức được rằng các nước khác, nhất là các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang theo dõi sát sao thái độ của nước lớn này qua sự kiện Điếu Ngư - Senkaku.

Trung Quốc cũng hiểu rõ, việc gia tăng căng thẳng sẽ tạo ra những bất ổn tiềm tàng về an ninh, phát triển đối với khu vực Đông Á nói riêng và châu Á Thái Bình Dương nói chung. Từ năm 2003 đến nay đã được 7 năm Trung Quốc thực hiện đường lối phát triển hòa bình, do vậy khi xử lý vấn đề nhạy cảm với các nước láng giềng Trung Quốc vẫn đặt trong chiến lược phát triển chung của quốc gia.

Về phía Nhật Bản, ngày 14/9 Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đánh bại đối thủ Ichiro Ozawa, một trong số những nhân vật quyền lực nhất trong đảng cầm quyền nước này. Với thắng lợi này, ông Kan sẽ vẫn là thủ tướng của Nhật Bản.

Thủ tướng Naoto Kan đã khẳng định việc đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng thiểu phát kéo dài và tạo thêm việc làm mới là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế mới mà nội các đã thông qua hồi tháng 6/2010, đồng thời khẳng định chính phủ "có thể vượt qua tình trạng bế tắc hiện nay nếu giành được sự tin tưởng của người dân".

Ổn định chính trị của Nhật Bản sẽ mở ra hướng mới cho đường lối đối ngoại của Nhật Bản.

Vụ đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản ngày 7/9 cũng không quá lớn để đẩy Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu đến mức đổ vỡ quan hệ làm ăn kinh tế. Riêng Nhật Bản càng cần thu xếp ổn thoả vụ này để tập trung ưu tiên thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế ở trong nước.

Trung Quốc có nhiều mối quan hệ rắc rối về biển đảo với nhiều nước trong khu vực lại càng không muốn các vụ việc ảnh hưởng tới dư luận quốc tế rằng Trung Quốc đang dựa vào sức mạnh để lấn lướt các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Hiện nay không chỉ riêng Trung Quốc, Nhật Bản mà các nước trong khu vực Đông Á đều mong muốn môi trường hòa bình ổn định để phát triển. Vì vậy đối thoại hòa bình giải quyết tranh chấp Trung - Nhật tại biển Hoa Đông là điều các quốc gia trong khu vực mong đợi.

Đối thoại hòa bình là cách giải quyết tranh chấp hợp lý nhất đem lại lợi ích cho các bên khi xử lý tranh chấp tại khu vực Đông Á nói riêng, và khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung. Phương thức đối thoại hòa bình nên được áp dụng chung để giải quyết đối với tất cả các tranh chấp trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

No comments: