Translate

Sunday, July 4, 2010

Người không cha mẹ, tên thật, ngày sanh: Tìm cha mẹ lạc trên đường di tản

Trích NguoiViet Online

Hà Giang/Người Việt

“Trước khi qua đời, ông bà nuôi cho tôi biết là đã nhặt được tôi lúc 2, 3 tuổi tại sân bay Ðà Nẵng vào những ngày chạy loạn trước ngày 31 Tháng Ba 1975 khi thành phố Ðà Nẵng thất thủ.

Trước đây ông bà nuôi tôi nói với mọi người rằng tôi là cháu ruột, cha mẹ đã chết hết. Tôi cũng tin như vậy. Nhưng từ ngày biết được thân phận mình, tôi rất mặc cảm và đau khổ trong lòng.

Nay đã gần 40 tuổi, đã có gia đình vợ con, nhưng lòng tôi vẫn luôn hướng về nơi xa xăm nào đó cha mẹ hoặc người thân yêu cùng máu mủ với tôi cũng có lẽ đang đau khổ như tôi trong mấy chục năm ròng cố tìm kiếm nhau nhưng thấy đều vô vọng.”

Ðó là những dòng chữ trong bức thư viết tay, mà anh Nguyễn Ðức Chính, hiện đang sống ở Ðắc Lắc, Ban Mê Thuột, Việt Nam, gửi cho nhật báo Người Việt, kèm theo tấm hình của anh, để nhờ tòa báo giúp anh thực hiện ước mơ “được một lần gọi được hai tiếng Cha Mẹ”, hay tìm tông tích của mình.

Thư viết tiếp:

Hiện tại tôi đã có gia đình, có vợ con, công ăn việc làm, không trông mong tìm kiếm vật chất mà chỉ khao khát tình thương ruột thịt mà tôi đã mất. Thưa nhà báo, tôi kính xin nhà báo giúp đỡ đăng cho tôi nhiều kỳ, nhiều ngày, cho trường hợp của tôi được thông tin rộng rãi, để gia đình cha mẹ đẻ tôi biết được tôi đang còn sống và đang tìm kiếm họ qua gần 40 năm xa cách.

Ở một đoạn, không dằn được cảm xúc, anh viết:

“Hỡi cha mẹ thân yêu! Người ở đâu? Chân trời góc bể nào, có nghe được tiếng lòng của con không? Con đang thèm khát được gọi hai tiếng cha mẹ. Cầu xin ơn trên cho con tìm lại được một gia đình hạnh phúc thực sự mà cha mẹ con vô tình hay cố ý bỏ rơi con...”

Khi chúng tôi gọi phôn về Việt Nam để hỏi chuyện, thì được anh Chính cho biết đã nhờ chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly” tại Việt Nam giúp hơn một năm nay rồi, nhưng “chưa có kết quả gì.”

Trả lời câu hỏi tại sao anh lại đặt hy vọng vào nhật báo Người Việt, anh Chính bảo là một người bà con với gia đình ông bà nuôi của anh mới từ California về chơi, và kể là báo Người Việt vừa “có vẻ quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi”, vừa có phương tiện quảng bá tin tức rộng rãi đến khắp nơi qua trang báo mạng.

“Chị có nghĩ là báo Người Việt có thể giúp em tìm được cha mẹ không?”

Anh Chính hỏi, như bám lấy niềm hy vọng.

“Em mới gửi thư đi mà chị đã gọi liền, đó làm điềm tốt, chị biết không?”

“Ngoài địa danh Ðà Nẵng, anh có biết gì về thân thế của mình không?”

“Không, chỉ biết ông bà nuôi nhặt em về từ sân bay Ðà Nẵng vào cuối Tháng Ba, năm 75, như em viết trong thư thôi chị.”

Thư viết tay của anh Nguyễn Ðức Chính gửi cho nhật báo Người Việt.

Ðà Nẵng - Cuối Tháng Ba?

Theo lời một bài hát, nhiều bài văn viết về Ðà Nẵng, và lời kể của những ai từng lớn lên ở Ðà Nẵng, thì cuối Tháng Ba là thời gian đẹp nhất của thành phố này. Ðó là lúc những cơn mưa “dầm dề” làm sũng ướt thành phố đã tạm ngớt, nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp làm hồng đôi má cô thiếu nữ chân mau bước trên đường...

Nhưng vào những ngày cuối Tháng Ba năm 1975, thì Ðà Nẵng là một nơi thật hỗn độn, thật rối loạn. Ðường phố chật ních từng đoàn người lôi thôi lếch thếch kéo nhau từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế túa về. Trong hoàn cảnh đó, có lẽ nhiều người bất đắc dĩ đã phải bỏ lại con nhỏ.



Nguyễn Ðức Chính, một đứa trẻ được cặp vợ chồng lớn tuổi nhặt về nuôi ở sân bây Ðà Nẵng, cuối Tháng Ba, 1975, hiện đang sống ở Việt Nam.



“Chị nghĩ em có hy vọng không?”

Câu hỏi của Chính kéo tôi trở về thực tại.

“Anh có biết cha mẹ mình tên là gì không?”

“Không, em được ông bà nhặt về nuôi, tên thật mình còn không biết, thì làm sao biết tên cha mẹ mình được chị?”

“Nhưng em biết chắc em là người Ðà Nẵng hay Quảng Trị hay là gần Huế gì đó thôi, chị nghe giọng nói em chị cũng biết.”

Chính khẳng định.

“Anh biết mình không phải cháu ruột của ông bà lâu chưa?”

“Lâu lắm rồi chị, từ năm tám mươi mấy rồi.”

“Lúc mới biết mình không phải là cháu ruột, chắc anh buồn lắm?”

“Buồn, hụt hẫng, như trời sập. Bỏ ăn mấy ngày đó chị. Không ngủ được luôn.”

“Cứ nhắm mắt lại, em lại tự hỏi không hiểu sao cha mẹ mình sao lại bỏ mình ở sân bay? Không biết là họ tính bỏ em ở đó đi đâu rồi quay lại, hay muốn bỏ em luôn.”

“Buồn nhiều, nhưng em cứ giữ kín trong lòng, không tâm sự với ai.”

Giọng Chính trĩu nặng.

“Mang tiếng mình là con nuôi, hay đứa con bị bỏ rơi cũng làm mình tủi thân hay tự ái trong người, nên thoạt đầu em cố dấu.”

“Khi lớn lên có hiểu biết một chút, thì em thỉnh thoảng có tỉm về Quảng Trị, và những người xung quanh cũng xác định em có lẽ là người Quảng Trị, vì giọng nói em, nhưng rốt cuộc cũng không tìm được manh mối gì.”

“Giờ đây, đăng hình lên báo, anh hết sợ người ta cười rồi sao?”

“Vẫn sợ chứ, lấy vợ mười mấy năm rồi mà em còn chưa dám nói, sợ nói ra không biết vợ mình có buồn không.”

“Nhưng nếu em không tìm, thì nó thôi thúc trong lòng mình, em không chịu nổi.”

“Hôm bữa đứa con trai em, 15 tuổi, nó muốn em kể về ông bà nội. Nó làm em muốn khóc luôn. Em không biết nói gì. Không lẽ em nói là ba bị bỏ rơi từ nhỏ, không cha không mẹ?”

Nguyễn Ðức Chính nói một hơi, rồi im lặng hồi lâu.

“Không hiểu tại sao em cứ nghĩ cha mẹ em còn sống, mà còn ở nước ngoài nữa.”

“Em biết, em không có hy vọng nhiều, nhưng chị và tòa báo cố giúp em, em nhớ ơn suốt đời.”

“Vâng, chúng tôi sẽ cố gắng.”

Chính cám ơn tôi, gửi lời cám ơn tòa báo, chào tôi tôi rồi cúp phôn.

***

Ðà Nẵng - cuối Tháng Ba, 1975 chắc hẳn phải là một khoảng thời gian hỗn loạn

Trong khung cảnh hỗn loạn đó, một cặp vợ chồng lớn tuổi, không hiểu sao đã lui cui ở sân bay, và nhặt được chú bé Nguyễn Ðức Chính, lúc đó 2, 3 tuổi mang về nuôi?

Và chú bé Chính đó, giờ đã trưởng thành, đã thành công nhưng khắc sâu trong tâm anh là một niềm riêng thật ngậm ngùi.

Tôi tự hỏi ngoài Nguyễn Ðức Chính ra, không biết còn bao nhiêu thanh niên thiếu nữ khác cùng hoàn cảnh, giờ đang khắc khoải tìm, và ôm chặt mối hy vọng sẽ tìm được ra tăm hơi của cha mẹ ruột?

Và với những người như Chính, câu chuyện xảy ra cách đây hơn 35 năm, chỉ có thể chấm dứt khi nghe ngóng được một chút tăm hơi của người thân...

No comments: