Translate

Saturday, July 10, 2010

Con tàu xôi thịt của Việt Nam bị trật đường ray

Trích Lê Diễn Đức webblog

Bị áp lực giữa những phản đối ngày càng tăng của công chúng và việc các nhà trí thức có uy tín kêu gọi chính quyền phải có trách nhiệm hơn, và các thế lực chống đối nhau trong nội bộ đảng đang lợi dụng con bài tham nhũng để hưởng lợi chính trị, phe phái của vị thủ tướng bỗng thấy tương lai của mình đang có vấn đề.

Quốc hội do đảng cộng sản kiểm soát đã bác bỏ dự án xây dựng đường sắt cao tốc bắc nam trị giá 56 tỉ Mỹ kim của chính phủ, bộc lộ sự rạn nứt ngày càng tăng trong bên trong chính quyền độc đảng. Dự án này được cho là sẽ tiêu tốn 60% tổng sản lượng nội địa và dựa trên kỹ thuật tối tân của Shinkansen, Nhật Bản, sẽ làm giảm thời gian vận chuyển trên bộ giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (1.760 km) từ hai ngày xuống còn sáu giờ.

Gần đây chính phủ từng đã đề xuất một số siêu dự án, nhưng lần này đã bất ngờ bị biểu quyết từ chối bởi quốc hội với số phiếu 178- 157 vào ngày 19 tháng Sáu. Kết quả bất ngờ này không có nghĩa là ngành lập pháp của Việt Nam, theo truyền thống là một con dấu cho các quyết định của Đảng Cộng sản, đang chuyển mình thành một cơ quan độc lập của chính phủ.

Quốc hội bao gồm hầu như toàn bộ đảng viên Đảng Cộng sản với chỉ vài thành viên độc lập. Nhóm họp hai lần trong thời gian vài tuần lễ mỗi năm, các đại biểu thường thiếu kinh nghiệm và mối quan tâm để đóng một vai trò chính trị tích cực. Căn cứ theo một nguồn tin cao cấp, bộ chính trị gồm 14 thành viên của đảng, cơ quan không chính thức có quyền lực cao nhất, đã quyết định hé lộ quan điểm của mình về dự án tàu cao tốc và truyền đạt vấn đề này xuống cho quốc hội.

Bị chỉ trích bởi hàng loạt các quyết định gây tranh cãi trong những năm qua, bao gồm việc mở rộng phạm vi thành phố Hà Nội và dự án khai thác mỏ bauxite với sự hậu thuẫn của Trung Quốc tại Tây Nguyên, các thành viên bộ chính trị đã không thể đạt được quyết định chung. Do đó Quốc hội trở thành một mặt trận trong đó các nhóm lợi ích đang tranh giành ảnh hưởng bên trong đảng đã đối chọi nhau trong một cuộc tranh luận nảy lửa và bất thường.

Trong thời gian bỏ phiếu, một liên minh gồm nhiều phái đã đứng lên phản đối lại thành phần tập hợp của chính phủ đứng đầu bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn là nhóm đề xuất và ủng hộ mạnh mẽ dự án đường sắt hàng chục tỉ này. Trong khi những lá phiếu của mỗi cá nhân không được công khai, các đại biểu có quan hệ gần gũi với giới quân đội được cho là đã phản đối dự án. Giới quân đội được cho là đang lo lắng rằng các siêu dự án sẽ ngốn hết ngân sách dành cho các chương trình hiện đại hoá quân đội.

Một số những trí thức có uy tín trong thành phần đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn mối tương quan giữa chi phí và lợi nhuận của con tàu cao tốc, chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn nằm trong vị trí thấp của quá trình phát triển kinh tế với món nợ quốc gia nặng nề cũng như nạn thâm thủng ngân sách, được dự tính là chiếm khoảng 10% tổng sản lượng nội địa. Trong khi đó, áp lực của lạm phát đang tăng cao đã bắt buộc chính quyền phải giảm giá đồng tiền hai lần trong năm qua.

Tuy nhiên, một số khác cho rằng mối quan tâm chủ yếu về dự án đường sắt là tiềm năng tham nhũng liên quan đến các hợp đồng và tiền viện trợ của Nhật. Đây không phải là lần đầu tiên. Trong vụ án PCI năm 2008, bốn công ty tư vấn của Nhật ở Tokyo đã nhận tội đưa hối lộ cho các quan chức Thành phố Hồ Chí Minh để thắng được các hợp đồng tư vấn trong một dự án đường bộ trị giá 400 triệu Mỹ kim.

Tiềm năng về nạn hối lội trong dự án đường sắt cao tốc – từ việc bán đất với giá thổi phồng cho đến tiền lại quả trong mua bán dụng cụ – có thể tăng cao chưa từng thấy. Theo lời một nhà ngoại giao Nhật, Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng bộ Giao thông Hồ Nghĩa Dũng đều nằm trong các vị trí tốt để có khả năng kiếm lợi cá nhân từ dự án đường sắt này.

Không có bằng chứng về việc các bộ trưởng nói trên liên quan đến trò mờ ám trong dự án được đề xuất. Nhưng chương trình này đã bị làm lệch hướng trong thời điểm giới lãnh đạo Đảng Cộng sản đang phải đối diện với sự chỉ trích ngày càng nhiều của công chúng về nạn tham nhũng. Mặc dù đảng không chấp nhận việc kiểm soát và cân bằng dân chủ, họ cũng rất nhạy cảm đối với quan điểm và áp lực của dân chúng.

Ví dụ vào năm 2008, khi chính quyền trung ương quyết định tăng phạm vi của Hà Nội lên gấp bốn lần bằng cách sát nhập các tỉnh lân cận, các quan chức viện lý do rằng một Việt Nam hiện đại cần một thủ đô có tầm cỡ lớn hơn. Nhưng, một số nhà quan sát lại cho rằng các quan chức trong Đảng Cộng sản đã đầu tư vào các khu đất chiến lược sẽ được hưởng lợi cá nhân bằng dự án của chính phủ.

Năm ngoái, Hà Nội đã thông qua một dự án gây tranh cãi lớn trị giá 15,6 tỉ Mỹ kim để khai thác và xử lý quặng bauxite tại khu vực nhạy cảm về môi sinh tại khu vực cao nguyên miền trung cùng với một công ty do nhà nước Trung Quốc sở hữu. Các nhà chỉ trích đã gióng chuông cảnh báo trên Internet về tiềm năng gây hiểm hoạ đối với môi trường và an ninh, nhưng các quan chức cao cấp vẫn thúc đẩy việc tiếp tục dự án. Một trang mạng chuyên chỉ trích dự án sau này đã bị những kẻ tin tặc bí mật tấn công và đánh sập.

Một số người cho rằng dự án đường sắt cao tốc đã là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Việc Quốc hội không thông qua dự án thật sự là một chống đối về sự ham thích ngày càng tăng của Nguyễn Tấn Dũng đối với những siêu dự án. Bị áp lực giữa những phản đối ngày càng tăng của công chúng và việc các nhà trí thức có uy tín kêu gọi chính quyền phải có trách nhiệm hơn, và các thế lực chống đối nhau trong nội bộ đảng đang lợi dụng con bài tham nhũng để hưởng lợi chính trị, phe phái của vị thủ tướng bỗng thấy tương lai của mình đang có vấn đề.

Một số người cho rằng Dũng và những người ủng hộ chính trong những dự án mà ông ưa chuộng có thể sẽ bị mất ghế trong kỳ đại hội đảng vào năm tới, dự định là sẽ tiến hành vào tháng Giêng 2011. Dù cố ý hay không, Quốc Hội của một nước Việt Nam độc đảng đã bỏ lá phiếu không tín nhiệm đầu tiên đối với chính quyền hiện tại hoặc bất cứ chính quyền nào khác trong tương lai.■

No comments: