Translate

Friday, June 25, 2010

Báo chí Việt Nam dưới mắt nhà báo tự do

Gia Minh, Biên tập viên RFA

clip_image001

Một cửa hàng bán báo tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 26/04/2010. RFA Photo/Tyler Chapman

Tại Việt Nam, ngày 21 tháng 6 hàng năm được dành cho các nhà báo. Năm nay chính quyền Hà Nội cho tiến hành kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí lề trái

Đây là ngày của những người tham gia làng báo được Chính phủ công nhận, cấp phép. Trong khi đó ở Việt Nam còn có một đội ngũ gọi là ‘báo chí lề trái’ gồm những người không muốn ghép mình vào khuôn khổ mà cơ quan chức năng đề ra cho công việc đưa tin.

Vậy những người này có cái nhìn ra sao đối với báo chí chính thức đi theo lề phải mà cơ quan chức năng đề ra? Gia Minh trình bày trong phần sau.

Chính quyền Hà Nội thường trưng ra con số chừng 700 báo và tạp chí in, hai chục báo điện tử, cùng gần bảy mươi đài phát thanh – truyền hình trên cả nước để chứng minh cho hệ thống báo chí được gọi là rộng mở tại Việt Nam. Hoạt động trong lĩnh vực này còn có 17 ngàn người được cơ quan chức năng cấp thẻ, gọi là thẻ nhà báo.

Tôi hay nói đùa cùng bạn bè ‘cách mạng quá đến nổi không cần thay đổi mình’. Báo chí trong nước chỉ cần đi bên ‘lề phải’ thôi.

Bà Dương Thị Xuân

Tuy nhiên, lâu nay có ý kiến cho rằng gần như tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông tại Việt Nam chỉ nói lên một tiếng nói duy nhất là tiếng nói của Đảng và Chính phủ, chứ chưa được phép thực hiện nhiệm vụ đích thực của báo chí là thông tin một cách khách quan, trung thực, đa chiều; báo chí phải hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối của cơ quan chức năng, của Chính phủ.

Chính những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam thừa nhận có những vấn đề mà họ không được đề cập đến, đó là những đề tài mà Nhà Nước cho là nhạy cảm như tình hình tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với phía Trung Quốc, rồi tình hình đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền - tự do tôn giáo của những đối tượng bất đồng chính kiến, các vụ biểu tình đòi đất, đòi tài sản, khiếu kiện đông người… Tất cả những vấn đề vừa nêu đều phải viết theo chỉ đạo, tức sau khi được ‘bật đèn xanh’ và trình bày với góc nhìn có lợi cho phía Nhà Nước…

Nhiều trường hợp vì có những bài viết nêu ra thực trạng đất nước một cách thẳng thắn, hay nói lên tình cảnh của những người bị đàn áp, đối xử bất công như trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng… đã bị kêu án tù với kết buộc từ phía cơ quan chức năng là ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

clip_image002

Báo chí tại VN dành nhiều trang để bình luận về World Cup, ảnh chụp tháng 6/2010. RFA Photo.

Ông Bùi Như Thủy ở Hải Phòng, một người lâu nay từng viết tổng cộng 21 thư kiến nghị gửi cho Quốc hội, nói về trường hợp ông này muốn nêu ra các bức xúc trên báo chí chính thức của nhà nước mà không được đành phải tìm đến với hệ thống báo chí ngoài luồng:

“Tôi đã gửi cho rất nhiều báo nhưng họ không nơi nào họ dám đăng. Tôi đi thăm dò bạn bè, họ chỉ cho tôi đến với trang mạng ‘Boxitvn’ Tôi gửi cho trang mạng này thư kiến nghị thứ 20 của tôi. Hai ngày sau họ đăng toàn bộ bức thư đó và cũng nói rõ ‘thái độ’ của ‘boxitvn’. Sau một tháng tôi định gửi thư kiến nghị 21 vào đầu kỳ họp Quốc hội; nhưng ở Hải Phòng mất điện nhiều, đánh máy rồi đi in cũng mất công nhiều. Dẫu vậy tôi cũng gửi dịp này vì các vị Đại biểu đều có đọc ‘boxitvn’ do mạng này đề cập đến các vị ấy nhiều nên họ đều tìm để xem” .

Internet, vị cứu tinh

Nhờ hệ thống Internet với các trang mạng xã hội, cũng như nhật ký blog, nhiều người lâu nay có thể phổ biến ý kiến thẳng thắn, cũng như loan đi những thông tin mà báo chí chính thức không được phép truyền tải.

Một nhà báo tự do, bà Dương Thị Xuân, lâu nay cũng có những bài viết đưa lên mạng về các vấn đề bị cho là nhạy cảm, có nhận xét về hệ thống truyền thông hiện nay trong nước:

“Tất cả những điều tôi nêu ra đều tương tự những điều mà ông Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh nêu, và đến nay đều còn giá trị. Tuy vậy chính những điều đó Nhà nước Việt Nam đang mắc chẳng khác gì chế độ thực dân Pháp trước đây, mà có khi còn nặng nề hơn. Bởi vì dưới chế độ thực dân Pháp trước đây, báo chí còn có báo chí tự do, còn có báo chí tư nhân, còn có những nhà báo có thể thành lập báo tư nhân như của Cụ Huỳnh Thúc Kháng (từng có lúc là Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa), báo ‘Tiếng Chuông Rè’; rồi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu… cũng là nhà báo tự do.

Nếu không có lề trái làm sao có lề phải. Sách cổ của các cụ cũng nói bàn tay có bàn phải, có bàn trái; vậy báo chí chỉ có ‘lề phải’ không thì có thể có trung thực không?

Bà Dương Thị Xuân

Còn dưới chế độ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, với ngày 21 tháng Sáu hàng năm là ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi hay nói đùa cùng bạn bè ‘cách mạng quá đến nỗi không cần thay đổi mình’. Báo chí trong nước chỉ cần đi bên ‘lề phải’ thôi.

Nếu không có lề trái làm sao có lề phải. Sách cổ của các cụ cũng nói bàn tay có bàn phải, có bàn trái; vậy báo chí chỉ có ‘lề phải’ không thì có thể có trung thực không?”

Vào ngày 5 tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm nay.

Một vị tướng Tổng cục phó Tổng cục An ninh, thuộc Bộ Công an là Trung tướng Vũ Hải Triều cũng đến dự hội nghị này, và khi phát biểu ông này cho biết trong thời gian qua đã cho đánh sập 300 trang mạng và blog mà cơ quan chức năng liệt vào loại ‘xấu’.

Thông tin này không được báo chí trong nước nêu ra, mà lại do một nhà báo ở Việt Nam gửi cho bạn bè ở nước ngoài để rồi tin đó được loan ra.

Sự hiện diện của những quan chức thuộc ngành tuyên giáo, tư tưởng - văn hóa, an ninh tại một hội nghị quy tụ hầu như tất cả những người chủ chốt của các báo, tạp chí, cơ quan phát thanh - truyền hình trên cả nước tại hội nghị, cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với truyền thông tại Việt Nam. Không phải hàng năm, mà theo định kỳ hàng tuần hay hàng tháng các Tổng Biên tập phải đến cơ quan tư tưởng văn hóa các cấp để được hướng dẫn về các vấn đề họ được loan đi, hay mức độ trình bày vấn đề trên các phương tiện mà họ được phép quản lý.

GM

No comments: