Huỳnh Công Luận
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa kỹ niệm 60 năm Quốc Khánh ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại Quảng trường Thiên An Môn với những thành tựu mà quốc gia này đã đạt được.
(AFP Photo)
Ròng rã 60 năm đó, đảng CS Trung Hoa luôn quyện chặt Việt Nam vào các bước thăng trầm của anh hàng xóm khổng lồ trong ý đồ bành trướng, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước có cùng biên giới với họ. Chúng ta sẽ ôn lại quá trình “bình thiên hạ” của Hán Tộc gần đây để hiểu rõ chủ nghĩa chủng tộc núp phía sau thuyết “Tu-Tề-Trị-Bình” của Khổng Tử. Chúng ta cũng sẽ ôn lại cách đối phó của Tổ Tiên chúng ta để khỏi bị đồng hóa. Và sau cùng, tìm ra thế “Cân Bằng Quyền Lực” để sinh tồn.
Quá Trình “Bình Thiên Hạ” của Hán Tộc.
Trung Hoa tuy có nền văn minh rất sớm nhưng họ đã đoán sai: “trái đất hình vuông” mặc dù họ đã định được bốn phương tám hướng và lập ra Bát Quái Đồ làm căn bản cho khoa Thiên Văn, Địa Lý. Họ đã tự đặt nước họ vào vị trí trung tâm của quả cầu hình vuông ấy. Chỉ cái tên Trung Hoa (Chúng Quả) thôi, người Hán đã biểu lộ tánh cực kỳ kiêu ngạo như nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy đã đề cập trong bài tham luận “Trung Quốc ‘bao giờ cũng đúng’?” của ông: “Các hoàng đế Trung Hoa luôn coi mình là trung tâm của thế giới. Trung Quốc là ‘nước ở giữa’, ở đó có ‘con trời’ (Thiên tử) cai trị muôn dân. Các nước xung quanh theo thứ tự được phân chia thành đông Di, tây Địch, bắc Nhung, nam Man.
Mấy tỉnh miền nam Trung Quốc ngày nay và Việt Nam được “vinh dự” thuộc hàng ngũ “nam Man” – là phiên thuộc, là chư hầu của Thiên tử. Xin lưu ý là 3 trong 4 chữ Hán: Di, Địch, Nhung, Man nói trên, có tới 3 chữ có bộ thú chỉ thú vật ở bên cạnh.” [1]
Ngay cả Phát Xít Đức cũng chỉ tự coi chủng tộc mình là vô địch chứ chưa dám coi các dân tộc khác là loài cầm thú như người Hoa.
Từ tính kiêu ngạo tột cùng ấy, vua chúa Trung Hoa có một chính sách bành trướng và đồng hóa tàn bạo nhứt trong lịch sử nhơn loại. Chúng ta hãy nghe lời kể của ông Dương Danh Dy:
“Không biết tên gọi của bao nhiêu nước đã biến mất trên bản đồ Trung Quốc để lãnh thổ nước này từ chỗ chỉ có mấy vùng đất không lớn lắm ở một phần lưu vực thuộc sông Hoàng Hà nay đã mênh mông rộng tới 9,6 triệu km2?
Không biết bao nhiêu dân tộc đã bị đồng hoá, kể cả dân tộc đã từng vào thống trị Trung nguyên xây dựng nên triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc mà nay chỉ còn chưa tới một trăm người nói và viết thành thạo tiếng mẹ đẻ?
Tất cả quá trình bành trướng lãnh thổ, đồng hóa dân tộc bằng thủ đoạn tàn bạo hay kế độc mưu sâu đều được che đậy, mỹ hoá bằng những câu chữ tuyệt đẹp: “mở mang bờ cõi”, “hoà hợp dân tộc”…
Chính các vị “Thiên Tử” ấy đã bày ra không biết bao hình phạt kinh hoàng để bắt kẻ bị trị phải khuất phục; nào là “tru di tam tộc” (một người phạm tội thì bị giết cả ba họ), bỏ tử tội vô vạc dầu sôi, hoặc cho voi dày ngựa xé; vua chết phải chôn hàng trăm người sống theo để hầu hạ… Trong thời Mao Trạch Đông, việc chôn sống tập thể là chuyện bình thường. Mới 2 thập niên trước đây, trước sự bàng hoàng của thế giới văn minh, họ đã dùng xe tăng và quân đội sát hại hàng vạn sinh viên đòi “Dân Chủ”, tại nơi mà họ vừa kỹ niệm 60 năm để vừa răn đe các mầm loạn bên trong vừa hù dọa lân quốc và thế giới bên ngoài.
Hình phạt của Thiên Tử Đặng Tiểu Bình trong kế sách “bình thiên hạ” tại THIÊN AN Môn (hình Wall Street Journal)
Từ 2,5 thiên niên kỷ trước, Khổng Tử (551 trước Công Nguyên), đã dùng thuyết chính danh: Tu, Tề, Trị, Bình để gồm thâu thiên hạ về một mối, trong đó Hán tộc là chúa tể. Trung Quốc ngày nay gồm 56 dân tộc và theo điều tra dân số năm 2000, số dân sắc tộc là khoảng 104 triệu, bằng 9% tổng số dân cả nước.
Như vậy, nhờ “bình thiên hạ” mà từ một nhóm nhỏ ở trung nguyên, người Hán đã chiếm tới 91% tổng số mà họ có bây giờ. Vậy mà Hồ Cẩm Đào còn gấp rút thiết lập các Học Viện Khổng Tử ở qui mô toàn cầu trong đó có Việt Nam để tiếp tục “bình thiên hạ” trên các phần còn lại của thế giới trong thế kỷ tới. Vì sao vậy?
Vì: “Mặc dù đất rộng như vậy, người ta vẫn đang kêu rên là một trong mấy nước bị mất nhiều lãnh thổ nhất thế giới, phía nào cũng mất đất thậm chí còn ‘mất cả phần đất thuộc nguyên một nước bây giờ’ ”.
Chỉ trong ba thập niên, họ đã gây ra ba cuộc chiến biên giới với Ấn Độ (1962), Liên Xô (1969), Việt Nam (1979) và hai cuộc hải chiến với riêng Việt Nam (1973 và 1989) để gồm thâu đất đai, biển cả và hải đảo trong kế sách “bình thiên hạ” của Khổng Khâu.
Mặc dù đã có tới hơn 2 triệu km2 lãnh hải, họ vẫn đang rêu rao “còn mất khoảng 1,2 triệu km2 biển nữa (trong đó có khoảng 800.000km2 tại Biển Đông).”
Trong các cuộc xâm lăng, “lần nào họ cũng chủ động đánh trước nhưng lại kêu la rằng ‘mình là người bị hại’”; và con cháu của Khổng Phu Tử “lúc nào cũng tự coi mình là người duy nhất đúng trong mọi chuyện bang giao.”
Ông Dương Danh Dy kể tiếp:
Con cháu Khổng Tử đang “bình thiên hạ” tại VN (1979)
“Người Việt Nam không thể nào quên được cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979, khi họ tung 60 vạn quân chủ lực, mở cuộc tấn công trên suốt sáu tỉnh biên giới, giết hại dã man người Việt, phá hoại nặng nề cơ sở vật chất của nhân dân Việt Nam mà lại rêu rao là “đánh trả tự vệ”, là để “dạy cho Việt Nam bài học”.
Chỉ có những kẻ không còn lương tri hay những người đầu óc có vấn đề mới có thể nghe lọt tai những luận điệu đó.
Lại còn chuyện này nữa: ai nâng đỡ, ai khuyến khích, ai cung cấp tiền của và phưong tiện để Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng tại Campuchia?
Thế mà thoắt một cái họ đã biến mình thành “cứu tinh”, thành người “bạn tốt” của đất nước đau thương ấy.”
Thử hỏi, trên thế gian này còn có dân tộc nào dám ngạo mạn, tàn ác và điêu ngoa hơn thế?
Tổ Tiên chúng ta đã đối phó chính sách “bình thiên hạ” của Hán Tộc ra sao?
Mặc dù bị đô hộ tổng cộng cả ngàn năm trong lịch sử 4,000 năm, Việt Nam vẫn không bị đồng hóa mà còn giữ được độc lập. Đó là nhờ Tổ Tiên chúng ta đã quyết liệt chống lại Hán tộc bằng ba phương tiện: độc lập về văn hóa, dùng ngôn ngữ riêng biệt và nêu cao chí quật cường.
1. Độc lập về văn hóa:
Tuy bị Bắc thuộc lâu dài và qua nhiều thời kỳ khác nhau, Tổ Tiên ta đã giữ được rất nhiều nét văn hóa riêng của mình bằng cách pha trộn văn minh Ấn Độ, Chàm, và sau này ảnh hưởng lớn của văn hóa phương tây. Đặc biệt, văn hóa miền Bắc rất đa dạng; nó được kết tụ qua hàng ngàn năm lịch sử qua các phong tục như: nhuộm răng, ăn trầu, lễ hội Chùa Hương, giỗ tổ Hùng Vương, hội Lim, hội xuống đồng của người Tày. Ở các dân tộc miền núi còn có ngày hội tình yêu, đến mỗi dịp Xuân về những đôi trai gái tập trung lại chơi ném Còn, hát Đối…
Xã thôn tự trị cũng là một nét đặc thù khác mà Tổ Tiên ta đã dựa vào đó để giữ được bản sắc dân tộc. Làng thường được bao bọc bởi lũy tre xanh; với cổng tam quan, đình, chùa và các loại cây đa, dương, trôm và liễu làm tăng thêm vẽ đẹp của mỗi miền. Đình làng là nơi thờ cúng các vị có công với làng nước, khi chết được vua ban sắc chỉ phong Thần; đình cũng là nơi dân làng hội họp hoặc tổ chức các lễ hội của địa phương. Những người đứng đầu làng được mọi người tôn kính, thường là người già cả, hào phú và có học vị cao. Mỗi làng có những lệ riêng, phong tục tập quán mỗi nơi cũng khác và được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà chính phủ trung ương ít khi can dự vào. Dân gian mới có câu “luật vua thua lệ làng” là vậy.
Dân Việt có quan niệm “ứng xử hài hòa” với thiên nhiên do nông thôn là nền tảng văn hóa của mình. Từ quan niệm đó, kinh thành Huế được xây dựng theo quan niệm hài hòa với cảnh trí xung quanh.
“Kiến trúc cung đình Huế đã tiếp thu và kế thừa kiến trúc truyền thống Lý, Trần, Lê là tất yếu để chống sự đồng hoá và cũng chống sự lạc hậu nên đồng thời tiếp thu tinh hoa của mỹ thuật Trung Hoa nhưng đã được VN hóa một cách có ý thức dân tộc của các nghệ nhân từ các miền Nam Bắc quy tụ về xây dựng Kinh đô, kể cả những người thợ gốc Minh Hương Trung Quốc và Chămpa. Đặc biệt đã được hiện đại hóa kỹ thuật của những công trình sư người Pháp phục vụ dưới thời Gia Long, theo phương châm cơ bản tiếp thu có chọn lọc những kiến trúc thích nghi với tâm hồn người Việt và Việt hóa dần để phù hợp với tâm lý bản địa đem lại những đặc trưng bản sắc kiến trúc Huế.” [2]
Về tôn giáo cũng thế, Phật Giáo ở Việt Nam nặng về gốc nguyên thủy của Đạo Phật với 4 đặc điểm căn bản sau đây:
a. Tự nương tựa chính mình; làm theo lời Phật dạy thay vì thờ lạy ngài để được chứng quả.
b. Trí huệ là vĩnh cửu, danh lợi là vô thường.
c. Tự thắng mình là toàn thắng.
d. Việc tu tập thiền định còn gọi là quán hơi thở, niệm hơi thở hoặc kiểm soát hơi thở chính là phương tiện tự giải thoát và ngộ Đạo của Phật. Ai cũng có thể làm được như vậy để thành Phật như ngài. Đạo Phật là một khoa học rốt ráo giúp con người thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.[3]
Phật Giáo ở Trung Hoa trái lại hoàn toàn biến chất, pha trộn với văn hóa thờ cúng. Hán Tộc đã biến tính khoa học của Phật Giáo thành công cụ mê tín dị đoan, mê hoặc lòng người để hỗ trợ cho đường lối cai trị nghiệt ngã của các Thiên Tử phương Bắc. Nơi mà chùa chiền được xem trọng; người giàu có xây chùa, trọng tăng để được phước; phật tử hành hương lễ bái để được Phật độ. Cách tu ấy hoàn toàn khác với chủ trương của Đức Phật; thực tế chỉ là phương tiện ru ngủ, chống bạo loạn của người Hán mà thôi.
Xét toàn cảnh, từ thôn xã đến triều đình và đạo pháp, dân tộc Việt luôn làm khác với người Hoa để tránh họa diệt chủng vậy.
2. Dùng ngôn ngữ riêng biệt:
Khi chưa bị Pháp đô hộ, Tổ Tiên ta đã dùng chữ Nôm là loại chữ Hán phát âm kiểu phương Nam để chống lại chính sách đồng hóa về ngôn ngữ của Trung Hoa. Đến khi người Pháp sang cai trị Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã may mắn tiếp thu các mẫu tự La Tinh (a, b, c, d…) qua các nhà truyền đạo giòng Tên, trước tiên là những người Bồ Đào Nha (portuguais), sau là Alexandre Rhodes (1591-1660), một Cha Đạo người Pháp, “đã viết và in ra bài giảng “Phép giảng 8 ngày”: nguyên bản La Tinh, đối chiếu với bản dịch ra Việt ngữ viết bằng chính mẫu tự La Tinh ghép lại theo âm điệu của người bản xứ. Theo nhà sưu khảo Ngô Văn Tạo thì:
“Đó là cơ sở giúp người Việt chúng ta tiếp nhận văn minh Tây phương. Văn học gia Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đã tình nguyện từ bỏ trường tu đạo, mà ở đó ông đã học Pháp Văn, Hán Văn, chữ Nôm và Quốc ngữ, để giảng dạy chữ Quốc ngữ (trong trường Thông Ngôn, 1862 – trường thông ngôn đầu tiên của chính quyền Pháp ở Nam Việt Nam), và viết những bài văn Quốc ngữ trên tờ báo Gia Định Báo (1865), tờ báo đầu tiên với ba thứ tiếng Quốc Ngữ, Pháp Văn và Hán Việt. Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên truyền bá Kim Vân Kiều, bản mà ông đã phiên âm từ chữ Nôm ra Quốc ngữ! Công lao lớn lao trong thời sơ khai đó, phải nói tới Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), người đã tra cứu thiết lập Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (khiêm tốn không phải là Tự Điển, nhưng đến ngày nay vẫn còn có giá trị như Tự điển tiếng Việt Nam Quốc ngữ). Thế hệ ngay sau là Phan Châu Trinh, của phong trào Duy Tân, sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (1904) trường truyền bá Quốc Ngữ, là Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm báo Đại Nam Đăng Cổ tùng báo (1906), tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở ngoài bắc, tận tụy tâm trí truyền bá Quốc ngữ. Có lẽ hai người đánh dấu nhất trong sự phổ thông Quốc ngữ trên toàn quốc đầu thế kỷ thứ hai mươi, sau Trương Vĩnh Ký ở trong Nam thế kỷ thứ mười chín, là Phạm Quỳnh (1892-1945), 17 năm làm chủ nhiệm tờ báo Nam Phong (circa 1917-1937), xứng danh là tờ báo mở kỷ nguyên Quốc ngữ của văn học Việt Nam; người thứ hai là Phan Khôi (1887-1959), nhà báo nhà biện luận, tác giả bài thơ mới lãng mạn đầu tiên của văn học Việt Nam: Tinh Già (1932), những bài báo với lời văn tân tiến sắc bén ngay từ những năm 1930 cho tận cuối đời (thời kỳ vụ án Nhân Văn 1956 ở Hà Nội).[4]
Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ bị đồng hóa về ngôn ngữ của người Hán và trở thành quốc gia duy nhứt có ngôn ngữ bằng mẫu tự La Tinh trong vùng.
Vậy mà gần đây người ta lại hối hả thành lập trường dạy tiếng Hoa ngang bậc Đại Học với cái tên làm cho mọi người phải giật mình hồi tưởng quá trình “bình thiên hạ” của Bắc phương, đó là “Học Viện Khổng Tử” (HVKT). Chúng ta hãy cùng nghe bà Jocelyn Chey, một nhà cựu ngoại giao Úc hiện đang là giảng sư của Đại Học Sydney cảnh báo:
Jocelyn Chey
“Các ĐH nên cảnh giác đối với những sai lệch có thể xảy ra nếu các HVKT này trở nên năng động hơn trong các chương trình nghiên cứu và giảng dạy của mình. Các HVKT, với lời hứa hẹn sẽ rèn luyện và đào tạo tư cách và vốn luyến (xin sữa: liếng) sinh ngữ của các nhà ngoại giao và chính trị gia tương lai, đã biểu lộ khả năng thiết lập kế hoạch đường dài của Trung Quốc; một khả năng giống như những gì tổ sư đã dạy. Khổng Tử đã từng nói, “Nếu anh suy nghĩ bằng khoảng cách thời gian của 1 năm, hãy gieo một hạt giống; nếu bằng khoảng cách thời gian của 10 năm, hãy trồng các cây giống; nếu bằng khoảng cách thời gian của 100 năm, hãy dạy cho người ta.” [5]
Bà Jocelyn hoàn toàn đúng; 100 năm trước họ chưa có HVKT, vậy mà chỉ trước đây 1 năm thôi, con cháu Khổng Tử đã chiếm đa số trong nội các trình Vua của chính trị gia người Thái gốc Hoa Thaksin ở Thái Lan; khiến Vua Bhumibol Adulyadej phải bàng hoàng ra lịnh cho quân đội đảo chánh để tránh họa “bình thiên hạ” của những người “khách trú” không mời mà đến một cách hòa bình.
Các thế hệ con dân VN, ai được bước đến bực thềm của Học Viện Khổng Tử hãy luôn nhớ lời cảnh báo của Bà Jocelyn và hành động kịp thời của Vua Thái Lan.
3. Nêu cao chí quật cường:
Tuy là một quốc gia không lớn, người không đông, Việt Nam có nhiều phen vì thế yếu phải thần phục Bắc Triều; nhưng khi có thời cơ, cả dân tộc luôn biểu lộ ý chí quật cường, thoát vòng nô lệ.
Chúng ta hãy lắng nghe lời dạy con của ông Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh tại Ải Nam Quan: “Con phải trở về mà lo trả thù cho cha rửa thẹn cho nước, chớ đi theo khóc lóc mà làm gì.” Tiến Sĩ Nguyễn Trãi đã nghe lời cha quay trở lại và ngày đêm lo việc phục thù, ra giúp Bình Định Vương Lê Lợi dẹp tan giặc Minh, viết ra bài Bình Ngô Đại Cáo để đời.
Trong thời buổi: “Tuấn kiệt như sao sáng sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần. Nơi duy ác hiếm người bàn bạc.” (Bình Ngô Đại Cáo), Lê Lai đã vì nước liều thân cứu chúa, đổi mạng mình để đại nghiệp được thành.
Trên đây mới chỉ là hai trường hợp điển hình trong hàng triệu tấm gương quật cường của dân tộc Việt.
Lời dạy con của Nguyễn Phi Khanh và tấm gương hy sinh vì đại nghĩa của Lê Lai luôn ngời sáng trong lịch sử Việt Nam. Hai tấm gương ấy há chẳng đủ cho mọi tầng lớp con dân VN ngày nay suy gẫm sao?
Hãy tạo thế “Cân Bằng Quyền Lực” để Sinh Tồn
Trong quá trình giữ nước, chúng ta phải quan tâm hai điều:
1. Dùng ngoại giao và quân sự để cân bằng ngoại lực; nghĩa là phải liên lập với quốc gia hùng mạnh bằng hoặc hơn với quốc gia mà mình phải đương đầu, đồng thời phải canh tân quân đội bằng phương tiện khác hơn quân đội sẽ đánh mình.
2. Dùng nội trị khôn ngoan để dưỡng dân, tu chỉnh và kết tụ nội lực để vừa tránh bị lạc hậu, vừa có đủ sức đối kháng và chịu đựng khi xảy ra chiến tranh.
Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết các vấn đề này trong một đề tài kế tiếp: “Thế Cân Bằng Quyền Lực cho Châu Á Thái Bình Dương.”
Tài Liệu tham khảo:
[1] Dương Danh Dy; “Trung Quốc ‘bao giờ cũng đúng’?” BBC, ngày thứ ba, 29 tháng 9, 2009.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/09/090929_china_foreignpolicy.shtml
[2] vn.net, Nghệ thuật kiến trúc – Cung Đình Huế
http://www.vn.net/article.php/20071010080718559
[3] Nguyễn Đạt Nhân; Phục Hưng Đạo Phật.
[4] Ngô Văn Tạo; Chữ Nôm và Quốc Ngữ
http://ngovantao.blogspot.com/2009/08/chu-nom-va-quoc-ngu.html
[5] Jocelyn Chey; Con Rồng Hòa Nhã và Học Viện Khổng Tử
Dàn Chim Việt; http://danchimviet.com/articles/1283/1/Con-Rng-Hoa-Nha-va-Hc-Vin-Khng-T/Page1.html
No comments:
Post a Comment