Translate

Tuesday, September 22, 2009

Thương mại và chính trị qua vụ Lê Công Định?

Trích BBC News

Nhà báo Greg Rushford là chủ bút của trang www.rushfordreport.com

Một nhà báo Mỹ tại Washington chuyên viết về đề tài ngoại giao và yếu tố chính trị trong mậu dịch vừa có bài đặt câu hỏi về lợi ích về lâu dài của cộng đồng kinh doanh Mỹ khi làm ăn với Việt Nam trong bối cảnh một hội viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) bị bắt theo Điều 88.

Trong bài viết có tựa “An Inconvenient Man” (Người gây sự bất tiện) đăng ngày 21/09, tác giả Greg Rushford nhắm tới sự hững hờ của AmCham khi nhà chức trách Việt Nam bắt luật sư Lê Công Định, hội viên của AmCham tại Tp HCM.

Ông Rushford, chủ biên của Rushford Report, mở đầu bài viết bằng đánh giá tốt về sự thịnh vượng trong kinh tế và đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đạt được trong 10 năm qua.

Báo cáo từ Hội nghị Thương mại và Phát triển của LHQ xem Việt Nam là nơi hấp dẫn để đầu tư hơn một số nước khác tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan.

Mậu dịch quốc tế là một trong những công cụ chủ yếu làm hành trang cho nhà nước pháp quyền

Jagdish Bhagwati, Columbia University.

Theo ông, hội viên của AmCham luôn duy trì quan điểm rằng bằng việc động viên Việt Nam tôn trọng điều kiện bất khả xâm phạm của những hợp đồng thương mại, họ cũng khuyến khích Hà Nội tôn trọng nhà nước pháp quyền, theo đó tự do hóa chính trị.

Rốt cùng thì các công ước quốc tế về dân sự và quyền chính trị, mà Việt Nam cũng đã đặt bút ký, cũng là cam kết kiểu hợp đồng giữa chính phủ và công dân của họ.

Vấn đề là ở chỗ, theo tác giả, nhà chức trách Việt Nam đã ít tôn trọng các công ước đó.

Tháng 9 năm 2008, là thời điểm bắt đầu chiến dịch trấn áp mới đối với các công dân Việt Nam mà “tội” của họ về căn bản là họ tin rằng họ được tự do ngôn luận, lập hội và hội họp, là những điều mà công ước quốc tế về dân sự và quyền chính trị phải đảm bảo.

‘Quay lưng lại hội viên’

Tác giả Rushford trách Phòng thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) đã ngoảnh mặt làm ngơ trong vụ Lê Công Định.

Theo ông, điều đó cho thấy thực tế khó khăn mà các nhà đầu tư nước ngoài đối diện khi họ muốn làm ăn tại các nước mà hệ thống nhà nước pháp quyền còn mong manh.

Có lẽ bằng cách tạo cảm giác rằng họ có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân mà chẳng hề hấn gì, nhà chức trách tại Hà Nội đã đặt đường lề đường để đi, tác giả biện luận.

Và bằng việc im lặng trước vụ bắt Lê Công Định và các nhà hoạt động dân chủ khác, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã "giúp khuyến khích" cho các thế lực hiện đang đe dọa tới lợi ích trực tiếp của doanh nhân Hoa Kỳ.

Ông Lê Công Định là hội viên của AmCham tại Việt Nam

Bằng việc cố tình ngoảnh mặt đi trước sự lạm dụng, giới lãnh đạo AmCham đã "trao cho nhà chức trách Hà Nội lý do để tin rằng việc trấn áp đã được hậu thuẫn ngầm từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Theo tác giả, bằng việc im lặng, AmCham đã trao cho giới ủng hộ nhân quyền trong quốc hội Mỹ bằng chứng hậu thuẫn cho các cáo buộc rằng khi đụng tới chủ đề nhân quyền, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đặt lợi nhuận trên các nguyên tắc.

Đồng thời bằng việc từ chối không chỉ ra mâu thuẫn giữa Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam với trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý quốc tế đối với xã hội văn minh, AmCham cũng đã gửi tới những người có quan điểm hoài nghi về mậu dịch với Hà Nội từ chính quyền Mỹ.

Tức là nay giới chỉ trích Hà Nội về thực trạng nhân quyền có thêm đạn dược cho chiến dịch đưa ra các văn bản pháp lý nhắm tới chính quyền Việt Nam.

Ông Rushford cho hay Đoàn luật sư Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng về những lạm dụng trong quá trình trước khi đưa ra xử luật sư Định cũng như xử các nhà hoạt động dân chủ khác bị bắt trong thời gian qua.

Ông cũng trích bình luận của Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak nói rằng ông Định và những người khác bị bắt gần đây chỉ vì “các hoạt động mà tại nhiều nơi khác trên thế giới là việc làm bình thường, những cuộc thảo luận bình thường nhằm củng cố nhà nước pháp quyền tại Việt Nam”.

Tác giả trách AmCham rằng tiếng nói đang ra phải được nghe to và rõ của AmCham thì lại không thấy đâu.

Trả lời ông Rushford qua email, Adam Sitkoff, giám đốc điều hành AmCham văn phòng tại Hà Nội được trích dẫn viết “AmCham chắc chắn ủng hộ hệ thống luật pháp minh bạch hơn và nhà nước pháp quyền tốt hơn tại Việt Nam”.

Tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ xem họ có cho phép tôi phỏng vấn Lê Công Định để nghe câu chuyện từ phía ông Định hay không, nhưng họ không trả lời.

Greg Rushford

“Tuy nhiên chúng tôi không đưa ra tuyên bố hoặc ý kiến công khai về vụ Lê Công Định”.

Khi tác giả hỏi ‘Nếu nghĩ lại, ông có cho rằng sự việc sẽ đỡ hơn nếu AmCham nghiêm túc hơn và nói ra bất công, ông Sitkoff trả lời rằng “Đó là lời của chính ông chứ không phải của tôi”.

Một nhân vật nữa là thành viên nổi trội trong ban điều hành AmCham là bà Virginia Foote.

Bà là người được cả Hà Nội và Washington nể trọng vì đã có nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước, bà đóng vai trò chính trong việc ký BTA giữa hai nước và được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trao Huân chương Hữu nghị hồi tháng Bảy năm 2007.

Bà trả lời tác giả rằng “Tôi không biết rõ vụ này để bình luận, tôi đã ở Hoa Kỳ nhiều tuần nay rồi”.

Được biết Lê Công Định tham gia nhiều sự kiện AmCham TpHCM tổ chức và là người được AmCham coi là nhân vật có cá tính trong tiến trình để cải thiện nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Muốn gặp Lê Công Định

Trong bài, ông Rushford viết: “Tôi đã hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, ông Hà Hùng Cường, và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, xem họ có cho phép tôi phỏng vấn Lê Công Định để nghe câu chuyện từ phía ông Định hay không.”

“Tôi hỏi họ liệu tôi có thể tiếp xúc với luật sư người Việt của ông Định hay không và họ không trả lời.”

Cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ, sớm hay muộn, sẽ phải quyết định xem họ đứng về phía nào, và tính về lâu dài thì lợi ích của họ sẽ được đặt ở đâu

“Tôi cũng hỏi liệu họ có chấp nhận rằng sẽ dễ bị quy là phạm tội khi một nhóm công dân Việt Nam tập hợp lại để đi theo con đường chính trị nhằm để người dân Việt Nam được phép lựa chọn lãnh đạo sớm ngày nào tốt ngày ấy hay không, họ cũng chẳng trả lời.”

Tác giả bình luận rằng có một nghịch lý là việc trấn áp tự do ngôn luận đối với những người ủng hộ dân chủ như ông Lê Công Định, hội viên AmCham, nay đã được mở rộng ra các đề tại tự do ngôn luận trong kinh tế như hạn chế bàn về lạm phát ở Việt Nam, là các chủ đề AmCham và giới đầu tư nước ngoài quan ngại nhiều.

Theo tác giả Rushford, hiện có một Cuộc chiến Việt Nam mới, cuộc chiến này là về ý tưởng.

“Cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ, sớm hay muộn, sẽ phải quyết định xem họ đứng về phía nào, và tính về lâu dài thì lợi ích của họ sẽ được đặt ở đâu”, tác giả kết luận bài viết.

Hiện AmCham chưa đưa ra bình luận về bài viết của tác giả Greg Rushford.

No comments: