Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Sans Frontières - RSF), trụ sở đặt tại Paris, vừa ra thông cáo lên án vụ bắt giữ blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) và phóng viên Phạm Đoan Trang.
Thông cáo viết: "Chúng tôi bất bình về việc chính quyền đàn áp những người chỉ trích".
"Trong những tháng gần đây quyền tự do ngôn luận [ở Việt Nam] đã thu hẹp lại vì chính phủ lo ngại trước các chủ đề liên quan tới quan hệ với Trung Quốc."
"Chúng tôi kêu gọi trả tự do nhanh chóng cho ông Hiếu và bà Trang vì những chỉ trích của họ không gây đe dọa gì cho an ninh quốc gia và chỉ là quyền cơ bản về tự do ngôn luận."
Tuy tổng biên tập tờ VietnamNet, nơi phóng viên Đoan Trang làm việc, đã chính thức bác bỏ thông tin nói rằng cô bị bắt vì viết bài trên tờ báo mạng này, nhiều người trong cộng đồng blogger vẫn cho rằng các bài báo về tranh chấp lãnh thổ Việt - Trung và vai trò của Trung Quốc trong Hội nghị Geneva 1954 chia đôi đất nước đã dẫn đến việc Đoan Trang bị bắt.
Tương tự, họ cho rằng các bài đăng trên blog Người Buôn Gió về quan hệ Việt Trung, các dự án bauxite và tranh chấp đất đai tôn giáo là lý do công an bắt Bùi Thanh Hiếu.
Thế nhưng lại cũng đang có quan điểm khác trong giới quan sát về một 'làn sóng trấn áp' những người bị cho là gây đe dọa cho an ninh quốc gia, chứ không hẳn về tự do ngôn luận.
Cơ quan an ninh chưa đưa ra bất kỳ thông báo gì về hai vụ bắt giữ này.
Đầu tháng này, cơ quan an ninh điều tra được biết sẽ chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát để khởi tố "vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia" và sớm xét xử các nghi phạm.
Quan ngại
Tổ chức RSF trước đây đã đặt Việt Nam vào danh sách 12 quốc gia "kẻ thù của internet" vì các hoạt động giới hạn tự do trên mạng.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận xét với BBC: "Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống an ninh không thể chấp nhận các việc mà họ không kiểm soát được".
"Không gian ảo là thách thức lớn vì các công dân không tên tuổi có thể đăng tải các quan điểm và trao đổi ý tưởng với người ở cả trong nước lẫn ngoài nước."
"Các blog là chiến tuyến cuối cùng của tự do."
Ông Thayer nói rằng với các vụ bắt giữ blogger, Việt Nam đang tiến sâu vào không gian ảo.
Bắt giữ người bất đồng chính kiến trên mạng không thể giải quyết được các vấn đề mà họ phản ánh như sự mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông hay quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
GS Carlyle Thayer
"Thế nhưng bắt giữ người bất đồng chính kiến trên mạng không thể giải quyết được các vấn đề mà họ phản ánh như sự mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông hay quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc."
Trong khi đó Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapas), cơ quan vận động cho tự do báo chí tại vùng Đông Nam Á, bày tỏ quan ngại trước các vụ bắt giữ mà theo họ liên quan tới vị thế của Việt Nam trong vùng.
Ông Roby Alampay, Giám đốc Điều hành, nói với BBC tổ chức của ông cho rằng "các vụ bắt giữ này xảy ra theo một công thức đàn áp mà Seapas đã từng quan ngại. Sự cứng rắn đối với tự do ngôn luận đang có vẻ gia tăng tại Việt Nam".
"Đây không chỉ là sự quan ngại cho người dân Việt Nam, mà còn là sự quan tâm đối với các công dân vùng Đông Nam Á, vì sang năm Việt Nam sẽ đảm nhận chức chủ tịch nhóm nước Asean."
"Trong bản Hiến chương mới được thông qua gần đây của khối Asean, lãnh đạo nhóm nước này nói rằng họ theo đuổi các tiêu chuẩn về nhân quyền phổ quát trên thế giới."
"Nếu các nước Asean thực lòng với chủ đề này, họ cần hiểu và làm theo các tiêu chuẩn nhân quyền được quốc tế thừa nhận, trong đó có tự do ngôn luận, tự do phát biểu, người dân có quyền chỉ trích chính sách của chính phủ, bao gồm cả chính sách đối ngoại."
No comments:
Post a Comment