VN Quê Hương Ngạo Nghễ, 1.09
Năm nay là lần đầu tiên tôi đến "Little Saigon" vào dịp gần Tết. Vợ chồng anh C. đến khách sạn đón. Sau bữa cơm chiều, anh chị cho tôi đến Phước Lộc Thọ; một người bạn học cũ sẽ đón tôi ở đó. Bên ngoài Phước Lộc Thọ tấp nập người đi dạo chợ Tết. Ghé qua gian hàng sách, thấy cuốn sách tựa "Suy Tư và Ước Vọng" với tên tác giả Nguyễn Thanh Giang, tò mò tôi cầm lên xem thử. Anh C. thấy vậy nhất định mua cho tôi và bảo để mang về khách sạn đọc cho đỡ buồn.
Ông Nguyễn Thanh Giang, tôi thấy nhắc đến đã nhiều trên các sách báo và các diễn đàn nhưng thật tình tôi chưa bao giờ đọc bài ông viết. Tối hôm đó chỉ mới xem sơ tôi đã giật mình. Ở trang 17, ông viết: “Nhưng suốt mấy thập kỷ gần đây đất nước lại bị phân chia, nửa này xây dựng chủ nghĩa xã hội, nửa kia lệ thuộc chủ nghĩa tư bản”. Ở trang 179, ông lại viết: “VN trong nửa cuối thế kỷ XX là nước sa lầy vào chiến tranh triền miên lâu dài và đau khổ nhất hoàn cầu. Bốn cuộc chiến, hết đánh Pháp, hết đánh Nhật, đánh Mỹ lại đánh Khmer CS và đánh Trung Quốc, đằng đẳng suốt 40 năm”.
Ông Nguyễn Thanh Giang ơi, cái cuộc chiến đánh Mỹ ông nói đến ở đây có phải là cùng cái cuộc chiến Quốc Cộng huynh đệ tương tàn? Cái nửa xây dựng chủ nghĩa xã hội của ông xây dựng bằng gì thế ông? Cái nửa xây dựng thì cái nửa nào đã đem chiến tranh, hận thù đến với quê hương. Cái nửa nào với dã tâm xâm chiếm miền Nam , dù xương có chất thành đồng, dù máu có chảy thành sông.
Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu nhiều về cái nửa mà ông gọi là lệ thuộc chủ nghĩa tư bản. Tôi xin kể sơ ông nghe những gì tôi vẫn nhớ.
Tôi nhớ một mái ấm gia đình. Bố tôi dù bận bịu vẫn mỗi tối kèm dậy con, không chỉ việc học mà về cả những điều nhân nghĩa. Mẹ tôi tần tảo bán buôn giúp chồng nuôi đàn con dại. Tôi nhớ mái trưòng trung học, nơi bạn bè chúng tôi tập tành mơ tưởng đến dân tộc, đến quê hương. Tôi nhớ những đêm nhìn bóng hỏa châu rơi, những đêm nghe tiếng pháo kích vọng về. Tôi nhớ Tết Mậu Thân với vết đạn thù loang lổ trên tường trường Bàn Cờ, ngôi trường tiểu học của tôi. Và tôi mãi không quên hình ảnh mẹ tôi lặng người trước tin anh tôi chết trận.
Đó, đó là những gì tôi nhớ về cái nửa mà ông cho là lệ thuộc chủ nghĩa tư bản. Cái nửa của những người chỉ muốn sống với những giấc mơ hiền hòa và đơn sơ đó ông.
Qua bài viết của ông, tôi lại được biết thêm về lời lẽ của một người mà ông bênh vực: ông Trần Độ. Ông Trần Độ cho rằng: “đảng bây giờ đã khác hẳn đảng ngày xưa!... đã khác rất xa đảng của những năm 40, 50, 60. Vì vậy, nó hầu như không còn là đảng của tôi nữa”
Thưa cái đảng mà các ông luyến tiếc, tôn thờ của thời điểm 40, 50, 60 có phải cái đảng của thời điểm với những cuộc thủ tiêu những người yêu nước nhưng không cùng chính kiến, của cải cách ruộng đất với những cuộc đấu tố dã man, không chút tình người.
Đã nghe nhiều đến hai chữ phản tỉnh. Đã thấy ông và những người bạn ông gọi những người phê bình ông nào là những thằng nhãi con, nào là những người chống Cộng cực đoan.
Thưa ông Nguyễn Thanh Giang và những người cùng hàng ngũ phản tỉnh như ông.
Chúng tôi tuổi đảng thì không, mà tuổi đời thì thật sự là những thằng nhãi con so với các ông. Xin trọng các ông vì cái tuổi đời, xin khinh các ông về cái tuổi đảng. Mỗi ngày tuổi đảng của các ông là một vết dao hằn trên lưng Mẹ Việt Nam , là một nhát cuốc đẩy quê hương đến vực thẳm hôm nay. Xin ngưỡng phục các ông trước can đảm phản kháng lại cái thành phần lãnh đạo đảng CS hôm nay, những người đồng chí cũ của các ông. Nhưng xin phép được phỉ nhổ lên những tiếp tục ngụy biện cho một chủ nghĩa phi nhân. Phản có lẽ có, nhưng tỉnh thì phải dứt khoát rằng chưa.
Lại bàn về chữ cực đoan, không biết cái cực đoan nào sánh được với những tội ác của cái đảng của các ông đối với dân tộc. Không bàn tay thì cũng bộ óc của các ông góp phần vào những mồ chôn tập thể dân lành của Tết Mậu Thân, những đầy đọa trên thân xác trăm ngàn người tù cải tạọ Tỉnh là khi can đảm nhìn nhận những sai lầm man rợ của cái đảng mà các ông đã tôn thờ. Tỉnh là khi can đảm xóa bỏ đảng để trở về với cái bản chất hiền hòa, trọng nhân, trọng nghĩa của nòi giống Việt.
Xóa bỏ đảng là một điều hiển nhiên sẽ có trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam .
Quê hương đang mong chờ đón nhận những bàn tay đóng góp từ những tâm hồn phản tỉnh chân chính, những con tim còn biết rung động trước những khổ đau của dân tộc. Vẫn chưa muộn màng lắm đâu ông Nguyễn Thanh Giang!
Huỳnh Văn Phú
No comments:
Post a Comment