Trích X-Cafe' VN
Dan Blumenthal, Thành viên Thường trực - Học viện American Enterprise
tqvn2004, X-Cafe chuyển ngữ
Điều Trần Trước Tiểu Ban Á Châu thuộc Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ
về
Tranh Chấp Lãnh Hải và Các Vấn Đề Về Chủ Quyền ở châu Á
15 tháng Bảy, 2009
Dan Blumenthal, Thành viên Thường trực - Học viện American Enterprise
Thưa Thượng nghị sĩ Webb, các thành viên trong hội đồng! Tôi rất vinh dự được xuất hiện trước quý vị ngày hôm nay. Rất cảm ơn quý vị đã tổ chức buổi điều trần quan trọng này và đã quan tâm tới áp lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc lên khu vực xung quanh lãnh hải của họ.
Đã hơn một thập niên kể từ khi Ngài, thượng nghị sĩ Web, bắt đầu viết về chủ đề này, và tốc độ hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc đã vượt quá ngay cả những ước đoán ngông cuồng nhất. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã triển khai 38 tàu ngầm chạy dầu và nguyên tử, đạt tốc độ 2,9 tàu mỗi năm. Bên cạnh việc mua 4 khu trục loại Sovremenny của Nga, Trung Quốc đã triển khai 9 loại tàu khu trục lớn và nhỏ tự đóng mới, được trang bị tên lửa đầy lợi hại chống tàu tuần tra.
Hơn thế, bên cạnh số lượng trên một ngàn tên lửa đạn đạo vốn có, Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) đã và đang phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu từ đất liền, được trang bị hệ thống chuyển hướng [1], với mục đích đánh vào các tàu chiến di động của chúng ta, bao gồm cả nhóm tàu sân bay chiến đấu [2] – quân chủ lực của chúng ta để dành ưu thế cuộc chiến. Chúng ta chưa từng thấy sự phát triển hải quân nào tương tự kể từ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Và hải quân của chúng ta cũng chưa từng gặp phải mối đe dọa tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công mục tiêu di động trên biển. Và Ngài đã hoàn toàn chính xác khi viết Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang có những nỗ lực phối hợp và toan tính nhằm mở rộng không gian chiến lược trong khu vực của Trung Quốc.
Điều gì đã khiến quân đội Trung Quốc phát triển như vậy? Nó không phải bắt nguồn từ những mối đe dọa hướng vào Trung Quốc: Khách quan mà nói, Trung Quốc không phải đối mặt với đe dọa quân sự. Kể từ khi Liên bang Sô Viết sụp đổ, Trung Quốc không còn phải lo lắng chuyện bảo vệ biên giới đất liền của mình trước nguy cơ xâm lược. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khu vực này đã, nhìn chung, là hòa bình.
Thay vào đó, tôi cho rằng sự phát triển của quân đội Trung Quốc được thúc đẩy bởi các yếu tố nội địa, mong muốn nâng cao thể diện quốc gia, và sự bất an của ĐCSTQ. Trung Quốc đang thể hiện những hành vi mà người ta trông đợi ở một cường quốc đang nổi lên. Điều đáng ngạc nhiên chính là ở chỗ, chúng ta đã trông đợi Trung Quốc hành động khác đi. Công chúng Hoa Kỳ đã được thông báo nhiều lần bởi hết chính quyền này tới chính quyền khác, cũng như nhiều chuyên gia rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ khác với sự trỗi dậy của tất cả các cường quốc khác trong lịch sử. Nhưng dự đoán này đơn giản là đã không xảy ra.
Khi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn và dành cho quân đội của nó nguồn lực nhiều chưa từng thấy, Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình, mở rộng phạm vi lãnh hải của mình, và phát triển các con đường thay thế để tự do ra vào khu vực đại dương mở. Quả thực thế, một trong những mối quan tâm hơn cả bên trong các chiến lược Trung Quốc chính là sự quan trọng của quyền lực trên biển – theo lý thuyết của Alfred Thayer Mahan [3]; điều này đã được các đồng nghiệp của ông Dutton tại Naval War College viết đến rất nhiều.
Các chuyên gia nghiên cứu Hải Quân Trung Quốc bắt đầu nắm bắt được các khái niệm như quyền kiểm soát trên biển, và mối liên hệ giữa quyền kiểm soát đó với các lợi ích thương mại và quốc tế, và đang tìm cách áp dụng cho Trung Quốc. Chúng ta không nên vui mừng trước thực tế là Trung Quốc đang làm những điều mà tất cả các cường quốc đang trỗi dậy làm. Lý do là vì: Kể từ khi kết thúc Thế Chiến lần thứ hai, Châu Á đã được hưởng một nền an ninh tương đối, được bảo vệ phần lớn bởi sức mạnh quân sự và hàng loạt các cam kết an ninh của chúng ta. Trong sự bao bọc an ninh đó mà phần lớn các quốc gia Châu Á được hưởng hòa bình, thịnh vượng và dân chủ hóa ngày càng tăng. Châu Á ngày hôm nay, nhìn trên mọi phương diện – kinh tế, chính trị, địa chính trị và quân sự - đã nhanh chóng trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của chính trị quốc tế. Và rồi sự trỗi dậy của Trung Quốc bắt đầu làm thay đổi cảm giác an toàn và ổn định đang đem lại hòa bình, thịnh vượng và dân chủ hóa kia. Một Châu Á mà trong đó Hoa Kỳ không còn được coi là sức mạnh quân sự mang tính thống trị rõ ràng sẽ không thể tránh khỏi kém ổn định hơn. Một khu vực không an toàn sẽ lo lắng nhiều hơn tới cạnh tranh về an ninh, mà ít quan tâm hơn tới thương mại, cải cách địa phương và hợp tác khu vực.
Trong khung cảnh đó, tôi muốn được nói về tranh cãi lãnh hải tại Biển Nam và Đông Trung Hoa (South and East China Seas). Tôi xin bắt đầu với Nhật Bản và tranh cãi khu vực các đảo Senkaku/Diaoyu, bởi vì Nhật Bản từ lâu, và vẫn đang, là đồng minh chiến lược của chúng ta trong khu vực.
Tranh chấp tại khu vực đảo Senkaku/Diaoyu
Trong tất cả các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực biển Đông Trung Hoa là đáng lo ngại nhất, và có lẽ cũng nguy hiểm nhất. Tranh chấp này dựa trên nền tảng cạnh tranh giữa các cường quốc, thù hận mang tính lịch sử, ước vọng khai thác các nguồn năng lượng tiềm tàng dưới đáy đại dương, và mối quan tâm tới khuynh hướng cuối cùng của Đài Loan. Những vấn đề trên kết hợp lại trở nên đặc biệt không ổn định.
Cả hai quốc gia này cùng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Senkaku/Diaoyu, và cả hai đã đưa các đảo này vào để đòi hỏi đặc khu kinh tế (EEZ) / thềm lục địa của họ. Từ quan điểm của Trung Quốc, các đảo này rất quan trọng vì lý do an ninh năng lượng, cũng như ước vọng mở rộng quyền lực trên biển của họ.
Xin được bắt đầu với an ninh năng lượng. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với mỏ gas Chunxiao – nơi mà Trung Quốc cho rằng nằm cách đường trung tuyến của Nhật Bản tại Biển Đông Trung Hoa 5km. Hiện tại, công ty năng lượng Trung Quốc CNOOC là nhà khai thác mỏ này, và các chuyên gia năng lượng ước tính mỏ Chunxiao có thể chứa tới 7 ngàn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và từ 70 tới 160 tỷ thùng dầu.
Khi mà cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình, mỏ khí đốt và dầu hoả ở biển Đông Trung Hoa là đặc biệt quan trọng với cả đôi bên.
Một mối quan ngại khác của Trung Quốc là khoảng cách trên biển giữa các cảng và các nhà cung cấp dầu khí chính của nó ở Vịnh Ba Tư. Bắc Kinh ngày càng tỏ ra không thoải mái khi phải dựa vào lòng tốt của Hoa Kỳ để đi lại trong vùng biển này. Lòng tự hào dân tộc và sự nghi ngại dành cho Hoa Kỳ khiến Trung Quốc tìm kiếm các nguồn năng lượng và các tuyến đường thay thế, đặc biệt quan tâm tới các vị trí trong khu vực gần với lục địa, nơi Trung Quốc có thể áp đặt sức mạnh quân sự của mình. Mỏ Chunxiao vì thế trở thành một địa điểm quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Một mối lo ngại nữa của các chiến lược gia Trung Quốc là chuỗi đảo Senkaku/Diaoyu nằm trong cái mà người Trung Quốc gọi là – chuỗi đảo thứ nhất [4], một đường phân ranh giới khá tùy tiện chạy từ đảo Kyushu phía Nam Nhật Bản qua biển Đông và Bắc Trung Hoa. Khu vực này bao gồm Đài Loan, đảo Ryukus của Nhật, và gần như toàn bộ Biển Bắc Trung Hoa. Trung Quốc ngày càng hoạt động như thể họ muốn thống trị chuỗi đảo này. Đối với các chiến lược gia Trung Quốc, có những mục đích phòng thủ và tấn công đằng sau các tuyên bố chủ quyền này.
Trung Quốc làm như thể họ bị dồn vào chân tường bởi liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản, những người đang hoạt động quá gần đường bờ biển Trung Quốc. Trước đây, liên minh này được tạo ra để bao vây các hạm đội Liên Xô ở Thái Bình Dương – ngày nay, các chiến lược gia Trung Quốc tin rằng, liên minh này một phần phục vụ kế hoạch ngăn cản tích cực nhằm vào Trung Quốc. Điều này phần nào giải thích được việc ngăn cản tàu USNS Impeccable gần đây của Trung Quốc, cũng như ép hạ cánh chiếc máy bay do thám Hoa Kỳ trên đảo Hải Nam năm 2001. Trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh cãi về các điều khoản trong Luật Biển và hoạt động nào được coi là được phép trong vùng EEZ của Trung Quốc, tôi nghi ngờ rằng các vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai gần. Địa chính trị và chiến lược biển của Trung Quốc là đòn bẩy quan trọng đối với vị thế của Trung Quốc hơn là luật pháp. Nói đơn giản, Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ lùi càng xa càng tốt khỏi bờ biển của mình và tăng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhiều chiến lược gia Trung Quốc tin rằng Trung Quốc không thể trở thành cường quốc một khi nó bị bó hẹp bên trong ranh giới biển được tạo ra bởi Tokyo và Washington. Đồng minh này, cũng đang bảo vệ cho Đài Loan, ngăn cản Trung Quốc chứng tỏ quyền lực trên biển của mình trên vùng phía Tây Thái Bình Dương. Từ khía cạnh phòng thủ, chiến lược gia Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ tiếp cận tới khu vực này – chuỗi đảo thứ nhất, nếu chiến sự với Đài Loan nổ ra.
Dưới con mắt của Nhật Bản, đảo Senkakus đã là một phần của Nhật Bản qua lịch sử hiện đại – Tokyo chưa bao giờ nhượng lại phần lãnh thổ này, ngay cả sau khi thất trận ở Thế chiến lần thứ hai, khi mà nó phải từ bỏ khá nhiều lãnh thổ dưới Hiệp ước San Francisco. Hiện tại, Nhật Bản đang quản lý các đảo Senkakus – trong khi cả Trung Quốc và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền nhóm đảo này là của họ.
Nhật Bản đã cho tư nhân thuê một phần nhóm đảo này, với dự định kiểm soát các mua bán quyền lãnh thổ. Cả Đài Loan và Trung Quốc đều phản đối hành động này. Vào cùng thời gian đó, năm 2003, CNOOC đã ký kết hợp đồng để sản xuất khí tự nhiên tại Chunxiao.
Nhật Bản phản đối và yêu cầu Trung Quốc trao trả dữ liệu địa chấn. Trong khi Bắc Kinh tiếp tục không khoan nhượng, Nhật Bản cho phép một trong các công ty khai thác dầu của mình tiến hành khoan tại Biển Đông Trung Hoa. Trung Quốc đáp lại bằng cách gửi đội tàu của mình, bao gồm cả một chiếc Soveremmeny tới vị trí khai thác và ra lời cảnh cáo nghiêm khắc yêu cầu Nhật Bản dừng thăm dò năng lượng trong khu vực lãnh thổ của Trung Quốc. Nhật Bản đã dừng việc khoan thăm dò của mình.
Đội tàu Trung Quốc được gửi ra biển Đông Trung Hoa năm 2005 không phải là màn trình diễn đầu tiên của sức mạnh hải quân Trung Quốc. Nhật Bản đã giải mật các tài liệu trình bày về việc các tàu ngầm và tàu nghiên cứu quân sự cũng như dân sự của Trung Quốc đã ra vào đặc khu kinh tế EEZ của Nhật Bản vài chục lần năm 2004 và 2005. Mục đích của những lần xâm nhập này bao gồm xây dựng bản đồ khai thác dầu và khí trong khu vực đang tranh chấp, khoe sức mạnh để gây áp lực lên Nhật Bản trong các vụ tranh cãi đang diễn ra, và thực hiện nghiên cứu về các tuyến đường cho tàu ngầm đi vào và ra Thái Bình Dương.
Chúng ta và người Nhật đều đã rất lo ngại khi một chiếc tàu ngầm diesel loại Song của Trung Quốc nổi lên quá gần chiếc USS Kitty Hawk trong buổi diễn tập của Hoa Kỳ gần Nhật Bản năm 2007. Chiếc tàu ngầm này rõ ràng đã bám theo nhóm tàu sân bay mà không bị phát hiện.
Như vậy, từ phía Nhật Bản, tranh cãi về đảo Senkaku và Biển Đông Trung Hoa không chỉ là lợi ích năng lượng và luật quốc tế. Nó là sự thể hiện của mối đe dọa và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhật bản đã có một lịch sử lâu dài lo sợ bị bóp nghẹt và cách ly kinh tế. Sự gia tăng sức mạnh và trình diễn lực lượng của Trung Quốc chỉ làm tăng nỗi sợ hãi này.
Cuối cùng, những tranh chấp về chủ quyền khu EEZ và các đảo Senkaku / Diaoyu Islands cho thấy lo ngại của Nhật Bản về vấn đề Đài Loan. Đối với các chiến lược gia Nhật Bản, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ khiến hải quân Trung Quốc có cơ sở gần hơn chuỗi đảo Okinawa và Ryuku của Nhật, mở rộng hơn nữa khu vực EEZ của Trung Quốc về phía Thái Bình Dương. Mối lo ngại mất an ninh của Nhật Bản, vốn đã cao do sự bất ổn định trên bán đảo Triều Tiên – chỉ càng thêm cao.
Trong khi hai phía đạt được một số thỏa thuận năm 2008 để cùng nhau thăm dò các nguồn năng lượng và tạm gác lại các tranh chấp lãnh thổ trong thời điểm hiện tại. Nhưng nếu xét tới các động lực mà tôi vừa đề cập, cả hai bên vẫn đang trong tư thế sẵn sàng xung đột.
Biển Nam Trung Hoa [5]
Tranh chấp biển Nam Trung Hoa, bao gồm cả những tranh chấp tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng cần được phân tích một cách tương tự trong bối cảnh địa chính trị. Tranh chấp này có ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của 3 cường quốc Châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như một số đồng minh và các đối tác kém mạnh mẽ hơn như Việt Nam và Philippines.
Về căn bản, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Nam Trung Hoa. Việt Nam, Philippines, Brunei và Đài Loan tranh chấp với tuyên bố này, đặc biệt về chủ quyền và quyền khai thác tại các đảo nhỏ nằm xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa. Giống như ở biển Đông Trung Hoa, tất cả các bên liên quan tới lãnh hải trong biển Nam Trung Hoa đều tin rằng khu vực này chứa các túi khí và dầu có trữ lượng đáng kể. Trung Quốc đã tranh giành với Việt Nam và với Philippines trên các đảo thuộc Trường Sa, và với Việt Nam trên các đảo thuộc Hoàng Sa. Trong khi Trung Quốc ký kết Tuyên bố Ứng xử của các bên trên biển Nam Trung Hoa vào năm 2002, các nhân vật trong khu vực không tin rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng lời hứa của mình. Nhiều người cho rằng, việc gia tăng sức mạnh và áp lực của Trung Quốc trong khu vực là lý do chính để Việt Nam mong muốn xây dựng một mối liên kết an ninh chặt chẽ hơn với chúng ta, và là lý do khiến Philippines muốn ký Thỏa Thuận Thăm Viếng của các Lực Lượng Quân Đội với chúng ta năm 1995.
Biển Nam Trung Hoa cũng là con đường dẫn tới eo biển Malacca, nơi đây được coi là điểm thắt vận tải biển quan trọng nhất thế giới. Vào khoảng 50.000 tàu chuyên chở một phần tư lượng thương mại và một nửa lượng dầu mỏ bằng đường biển của thế giới đi qua eo Malacca hàng năm. Vì 90% lượng dầu của Trung Quốc và gần như tất cả lượng dầu của Nhật Bản được chuyên chở bằng đường biển, đương nhiên hai quốc gia này đều mối quan tâm lâu dài về an ninh tại eo biển này và Biển Nam Trung Hoa.
Năm ngoái, lo lắng đã dâng cao ở Đông Nam Á, Tokyo, Delhi, khi báo chí thông báo phát hiện một căn cứ hải quân mới của Trung Quốc xây dựng trên đảo Hải Nam; căn cứ này có thể chứa các tàu ngầm tấn công mang tên lửa đạn đạo, cũng như các lực lượng chiến đấu trên bề mặt khác. Hải quân thuộc Quân đội Giải Phóng Nhân Dân (PLAN) có thể sử dụng căn cứ này để đột nhập kín đáo vào biển Nam Trung Hoa và tiếp cận các tuyến đường biển quốc tế.
Đông Nam Á đang lo ngại về khả năng Trung Quốc áp đặt tiềm lực quân sự lên họ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Tokyo lo ngại về khả năng Trung Quốc thống trị các tuyến đường biển và bao vây cô lập Nhật Bản.
Ấn Độ lo ngại với hai lý do. Thứ nhất, sự phát hiện ra căn cứ ở đảo Hải Nam củng cố lo lắng của người Ấn rằng Trung Quốc đang tìm cách vươn tới Ấn Độ Dương và xây dựng một chuỗi các căn cứ hải quân dọc Ấn Độ Dương, ở Miến Điện, Sri Lanka và Pakistan, để áp đặt sức mạnh lên khu vực mà Ấn Độ định nghĩa như phạm vi ảnh hưởng của riêng mình. Thứ hai, Ấn Độ đang đóng một vai trò kinh tế lớn hơn ở Đông Nam Á, và muốn có quyền ra vào không bị cản trở tới khu vực này. Điều đáng lo ngại là những gì chúng ta thấy đang diễn ra trong khu vực này là một dạng học thuyết Monroe [6] của Trung Quốc.
Phản ứng khu vực
Hiện tại, tất cả các bên liên quan đang cố gắng cân bằng để chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Cả Hà Nội lẫn Manila đều đang tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với chúng ta. Tokyo, một cường quốc bị hạn chế về các vấn đề quân sự do một hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, cũng đang tích cực tìm kiếm và đón nhận một liên minh song phương tăng cường hơn nữa. Sự đột phá trong quan hệ với Ấn Độ cũng nhờ một phần không nhỏ vào cảm nhận chung Ấn Độ - Hoa Kỳ về môi trường an ninh trên biển.
Nói ngắn gọn, chúng ta đang chia sẻ với các đối tác khu vực của chúng ta một mong ước rằng Trung Quốc sẽ không trở thành một bá quyền. Một câu hỏi mà rất nhiều nước trong khu vực bắt đầu đặt ra, đó là liệu chúng ta có sức mạnh và ý chí lâu dài để đáp lại sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không? Và điều này đưa tôi đến những nhận xét sau.
Kết luận và Khuyến nghị
Chúng ta chưa có một chính sách rõ ràng về các tuyên bố tranh chấp chủ quyền trong biển Đông và Nam Trung Hoa, cũng như chưa xác định rõ vị trí của mình trong việc ủng hộ chủ quyền của các đảo đang tranh chấp. Những gì chúng ta đã nói chỉ là chúng ta sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại và các quyền lợi trong đặc khu kinh tế EEZ, phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Việc theo đuổi các nguyên tắc chung về giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và quyền tự do đi lại có thể là thận trọng và khôn ngoan nếu xét tới các vấn đề nhạy cảm lịch sử và mong ước có được mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.
Nhưng cùng một lúc, chúng ta phải cảnh giác trước tham vọng rõ ràng của Trung Quốc là thống trị biển Đông và Nam Trung Hoa, mở rộng lãnh hải và quyền tự do hành động của mình, và hạn chế truy cập của chúng ta tới các vùng biển này.
Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng những người bạn và đồng minh của chúng ta có sức mạnh và được trợ giúp đối mặt với những hành vi o ép có thể xảy ra, và rằng chúng ta thực hiện đúng những cam kết ngoại giao của mình.
Chúng ta không muốn thấy một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém ở Châu Á, cũng như một Châu Á bị thống trị bởi Trung Quốc và loại trừ chúng ta. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta phải tăng cường liên minh ngoại giao của chúng ta để đảm bảo với họ rằng họ sẽ không bị o ép. Chúng ta cần tỏ ra rạch ròi Trung Quốc về các nguyên tắc cốt lõi của việc ứng xử trên biển. Nhưng sẽ không thể nào tránh khỏi sự thực rằng chúng ta phải vận dụng nguồn lực quân sự của chúng ta một cách hợp lý.
Có một sự cân đối gần như hoàn hảo giữa sự xây dựng lực lượng hải quân Trung Quốc và sự cắt giảm lực lượng hải quân của chúng ta. Trong khi Trung Quốc triển khai hàng chục tàu ngầm mới thì chúng ta lại để cho các nghiên cứu về khả năng chống tàu ngầm chiến đấu của chúng ta teo tóp. Khi Trung Quốc triển khai hàng chục tàu ngầm mới thì chúng ta giảm lượng tàu ngầm của chúng ta mất 25 tàu.
Trung Quốc không chỉ đã thấy sự mất cân bằng này, họ đang trông đợi chúng ta tiếp tục cắt giảm hải quân. Thiếu tướng Hải Quân Trung Quốc Yang Yi đã hả hê rằng Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ 5 lần về [số tàu ngầm sản xuất ra]… Mười tám [số tàu ngầm Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương] so với 75 hoặc hơn tàu ngầm Trung Quốc rõ ràng là không khả quan mấy [xét trên góc nhìn của Hoa Kỳ]. Thiếu tướng Trung Quốc nói đúng. Tàu ngầm Hoa Kỳ tối tân hơn, nhưng khoảng cách về chất lượng đang thu hẹp. Và khoảng cách về số lượng đang khiến cho việc theo dõi các đội tàu Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Tôi đã được yêu cầu nói vài lời về vai trò của sức mạnh trên biển của Hoa Kỳ để duy trì cân bằng quyền lực. Tôi không dám nói nhiều, bởi vì thứ nhất, tôi đang nói trước một cựu Bộ trưởng Hải Quân, và thứ nhì, tôi nhận thức được rằng mở ra cuộc tranh luận về trình diễn lực lượng (force posture) là một toan tính nguy hiểm.
Viện nghiên cứu của tôi đã triệu tập một nhóm các chuyên gia về quân sự và an ninh để đánh giá toàn bộ và chi tiết nhu cầu lực lượng toàn cầu của Hoa Kỳ trước khi có bản Đánh Giá Quốc Phòng Bốn Năm (Quadrennial Defense Review – QDR) [7] của nội các. Chúng tôi đã kiểm tra các yêu cầu tại Thái Bình Dương, và tôi xin chia sẻ một số kết quả của chúng tôi.
Đầu tiên, tôi xin nhấn mạnh rằng chiến lược phòng thủ của chúng ta ở Thái Bình Dương không nên chỉ chú trọng vào các kế hoạch phản ứng trước tiềm năng chiến tranh. Trong bối cảnh Trung Quốc đã thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, tái cân bằng phải là nhiệm vụ hàng ngày đối với lực lượng của chúng ta. Một cách để hình dung nhu cầu về lực lượng của chúng ta tại Thái Bình Dương là nghĩ về sự hiện diện và tham gia mạnh mẽ hơn của quân đội, và cho phép nhanh chóng đem một lực lượng lớn tới đây khi có xung đột. Tôi sẽ nói nhiều hơn về điểm đầu tiên:
Đội tàu của chúng ta giảm thiểu hơn bao giờ hết kể từ đầu thế kỷ XX. Trong khi chúng ta có năng lực và những người lính thủy giỏi hơn, nếu xét đến diện tích Thái Bình Dương, số lượng tàu là điều quan trọng. Lực lượng tại Thái Bình Dương của chúng ta phải làm rất nhiều nhiệm vụ, bên cạnh chuyện duy trì cân bằng quyền lực – ví dụ họ phải gây dựng khả năng quân sự của các đối tác, giải quyết các thiên tai, và thực hiện các sứ mạng chống cướp biển…
Nhưng hãy cho tôi được phép tập trung vào nhiệm vụ Trung Quốc. Một ước tính rất sơ bộ về nhu cầu hải quân tại Thái Bình Dương phải tính tới sự có mặt ngày càng nhiều các tầu ngầm tấn công nhanh (fast attack submarine - SSN) để duy trì sự hiện diện gần như thường xuyên ở biển Đông và Nam Trung Hoa, cũng như ở biển Nhật Bản. Chúng ta cần nhiều tàu ngầm hơn để bảo vệ các Nhóm Tàu Sân Bay Tấn Công của chúng ta, giám sát các tàu ngầm Trung Quốc đi tuần, và thực hiện hoạt động tình báo, giám sát và do thám (ISR). Những nhu cầu khác bao gồm tiếp dầu (P8) và thăm dò dưới đáy biển. Các hệ thống phòng thủ tên lửa và đội tàu của chúng ta không đáp ứng được trước những phát minh ngày càng nhiều của Trung Quốc trong sản xuất tên lửa đạn đạo và các mục tiêu tầm xa. Thật không may, chúng ta đã tới thời điểm mà, nếu chúng ta muốn các tàu sân bay triển khai ở xa còn ý nghĩa, chúng ta cần phải tìm cách bảo vệ chúng.
Những khả năng cần thiết để bảo vệ tài sản trên biển bao gồm hệ thống vệ tinh phát hiện tên lửa phóng được kết nối với ra-đa theo dõi; một sự hiện diện gần như thường xuyên của tàu chiến triển khai ở xa với khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo; và các khả năng tình báo cho phép thông báo nguy hiểm và các vụ phóng tên lửa chống tàu sân bay theo thời gian thực tới các tàu đang bị đe dọa. Trong khi chúng ta đang cần một hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, vẫn cần phải tập trung năng lượng vào tìm kiếm các phương tiện để hạ gục các đe dọa này, đặc biệt là tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM). Các tuần duyên hạm (Littoral Combat Ship) được triển khai ở xa nhiều hơn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng chiến đấu trên mặt biển (ASW) mạnh; cũng như khả năng chiến đấu trên mặt biển ở các khu vực gần bờ. Tất cả những năng lực này sẽ giúp chúng ta dâng lên nếu cần thiết. Nếu quân đội ta cần phải gửi nhiều tàu sân bay hơn tới khu vực này, các biện pháp nâng cao khả năng giám sát của tàu sẽ khiến các tàu này hiệu quả hơn. Có khả năng ASW mạnh hơn sẽ giúp chúng ta tự do hơn để thực thi các hoạt động của mình. Tôi muốn nói rằng chúng ta phải chú trọng tương đương vào khả năng giám sát của các căn cứ cố định trên bờ của chúng ta. Chúng ta cần tạo ra nhiều khu hậu cần hơn tại các quốc gia thân thiện hơn với Hoa Kỳ để cho phép lực lượng không quân xuất hiện với số lượng lớn đột ngột tại khu vực. Và chúng ta phải đảm bảo rằng mình có đủ máy bay tàng hình và ném bom cho các sứ mạng mà chắc chắn là sẽ phức tạp và gay cấn hơn những gì chúng ta đã từng được chứng kiến.
Ngài hoàn toàn đúng, Thượng nghị sĩ Webb, khi Ngài nói rằng chúng ta đang đứng ở một tình thế khó xử: Ngân sách quốc phòng đã được công bố trước khi nội các Obama đưa ra bản báo cáo QDR của mình. Tôi xin thúc giục Quốc Hội hãy đảm bảo rằng quá trình đánh giá báo cáo quốc phòng của nội các không phải là một buổi diễn tập cắt giảm ngân sách.
Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng chính sách ngoại giao có thể thành công, và Châu Á sẽ hưởng hòa bình và thịnh vượng nhiều hơn, miễn là mọi người biết rằng chúng ta có thể giữ các hứa hẹn của mình. Điều chúng ta cần là kỹ năng ngoại giao vốn là truyền thống Hoa Kỳ - nói năng nhỏ nhẹ nhưng mang trên tay một cây gậy to tướng.
_______________________
Chú thích:
[1] Hệ thống chuyển hướng, maneuverable re-entry vehicle (MARV), là hệ thống cho phép tên lửa chuyển hướng tấn công khi đang bay.
Xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Maneuve...eentry_vehicle
[2] Nhóm tàu sân bay chiến đấu (Carrier Battle Group): một đơn vị chiến đấu gồm tàu sân bay và các tàu chiến hộ tống.
Xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Carrier_battle_group
[3] Alfred Thayer Mahan là người đưa ra học thuyết về sự quan trọng của quyền lực biển, dẫn tới việc các quốc gia đua nhau xây dựng hệ thống hải quân trước Thế chiến lần thứ nhất.
Xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Alfred_Thayer_Mahan
[4] Chuỗi đảo thứ nhất (first island chain): Năm 1985, Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đề ra chiến lược phòng thủ trên biển, trong đó đề cập tới khả năng hoạt động và thống trị ngoài khơi trong khu vực “hai chuỗi đảo”: Chuỗi đảo thứ nhất được mô tả như một đường nối qua các đảo Kurile, Nhật Bản, đảo Ryukuy, Đài Loan, Philippines và Indonesia (từ Borneo tới Natuna Besar). Chuỗi đảo thứ hai chạy từ đường Bắc – Nam từ Kuriles qua Nhật Bản, các đảo Bonin, các đảo Mariana, các đảo Caroline và Indonesia. Hai chuỗi đảo này vẽ thành một khu vực biển rộng khoảng 1800 dặm biển tính từ bờ biển Trung Quốc, bao gồm phần lớn Biển Đông Trung Hoa và các tuyến đường giao thông biển tại Đông Á.
Xem thêm: http://www.globalsecurity.org/milita...e-offshore.htm
[5] Biển Nam Trung Hoa chính là biển Đông [Việt Nam]. Trong bài này, người dịch xin dùng tên biển Nam Trung Hoa, để tránh nhầm lẫn giữa biển Đông [Việt Nam] và biển Đông Trung Hoa (giữa Trung Quốc và Nhật Bản).
[6] Học thuyết Monroe: Là một chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đưa ra vào năm 1823, trong đó nói rằng Châu Âu không được tiếp tục các nỗ lực thuộc địa hóa và can thiệp vào các quốc gia tại Châu Mỹ; nếu tiếp tục sẽ bị coi là hành động gây hấn và Hoa Kỳ sẽ đứng ra can thiệp. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng sẽ không can thiệp vào các thuộc địa hiện tại của Châu Âu, cũng như công việc nội bộ của các quốc gia trong Châu Âu.
Xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Monroe_Doctrine
[7] Báo cáo Quốc phòng Bốn Năm (QDR) là báo cáo 4 năm một lần của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, trong đó phân tích các mục đích chiến lược và các mối đe dọa quân sự tiềm năng tới Hoa Kỳ. Xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Quadrennial_Defense_Review
Nguồn: Thượng viện Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment