17/02/2009 | |
Tổng Thống Barack Obama vẫn thường nói rằng một trong các vị anh hùng mà ông tôn sùng là vị Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Tổng Thống Abraham Lincoln. Thông tín viên Cindy Saine của Đài VOA phân tích con người và sự nghiệp của 2 vị Tổng Thống, cả 2 đều hành nghề luật sư và từng là Thượng Nghị Sĩ đại diện cho bang Illinois, và đều xuất thân từ một thời kỳ niên thiếu khiêm nhường để tiến lên trên con đường sự nghiệp đã đưa cả 2 ông vào đến tận Tòa Bạch Ốc.
Cách đây 2 năm, ông Obama đã phát động chiến dịch vận động tranh cử của ông tại Nghị Viện thành phố Springfield, bang Illinois, nơi mà tổng thống Lincoln đã từng đọc bài diễn văn nổi danh, được biết đến như bài diễn văn 'Một HạViện Chia Rẽ'.
Khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ hồi tháng trước, ông đã đặt tay lên chính cuốn Thánh Kinh mà Tổng Thống Abraham Lincoln đã sử dụng trong buổi lễ nhậm chức trước kia.
Hôm thứ Tư tuần trước, Tổng Thống Obama đã đến dự một buổi trình diễn tại Nhà Hát Ford ở thủ đô Washington, nơi Tổng Thống Abraham Lincoln bị ám sát hồi năm 1865.
Phát biểu trước cử tọa, Tổng Thống Obama nói rằng ngay cả lúc cuộc nội chiến đang diễn ra tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Abraham Lincoln nhấn mạnh về nhu cầu cần phải hoàn tất Tòa Nhà Quốc Hội Liên Bang như một biểu tượng của tình đoàn kết.
Tổng thống Obama nói: “Chính tình đoàn kết này là một phần trong di sản mà Tổng Thống Abraham Lincoln để lại cho hậu thế. Bởi vì bất chấp tất cả những gì gây chia rẽ trong chúng ta, giữa miền Bắc với miền Nam, giữa người da trắng với người da đen, Tổng Thống Lincoln đều có một niềm tin không sao lay chuyển được, rằng tận trong đáy lòng mỗi con dân, chúng ta là một quốc gia, một dân tộc.
Một sử gia có nhiều uy tín, là bà Doris Kearns Goodwin, nói bà tin rằng ông Obama cảm thấy có một sợi dây liên hệ thực sự với Tổng Thống Lincoln.
Sử gia Goodwin nói: “Dường như mối liên hệ ấy có hiện hữu, chắc chắn trong tâm hồn và trái tim ông Obama, với Tổng Thống Lincoln, người mà ông Obama muốn tin là một người hướng dẫn tinh thần cho mình. Và quả thực, không có một người hướng dẫn tinh thần nào hay cho bằng Tổng Thống Lincoln.”
Cựu Thượng Nghị Sĩ, Sử gia, và cũng là cựu ứng cử viên tổng thống George McGovern |
Cựu Thượng Nghị Sĩ McGovern nói: “Tôi tin là cả Tổng Thống Lincoln và Tổng Thống Obama đều có lòng tự hào rất mạnh. Nói như vậy không phải là một sự chỉ trích, mà đây là một điều kiện hầu như được đòi hỏi ở bất cứ ai muốn trở thành Tổng Thống.
Ông George McGovern đã được Đảng Dân Chủ đề cử ra tranh chức Tổng Thống hồi năm 1972, tuy nhiên ông bị đối thủ chính trị là ông Richard Nixon,dánh bại.
Ông Mc Govern nói rằng đối với cả Tổng Thống Lincoln lẫn Tổng Thống Obama, lòng tự hào đó được phối hợp cùng đức tính khiêm cung, và ngoài ra hai ông còn có chung một số điểm khác.
Ông McGovern nhận xét: “Cả hai nhân vật này đều là những người có cá tính mạnh, tôi tin rằng cả hai đều có trí năng sắc bén, cả hai đều có cao vọng thúc hối họ phải vươn lên.”
Ông McGovern nói: “Một ngày, ông Lincoln nói với các nhà lập pháp đồng viện rằng ông không còn mang theo một con dao bên mình nữa vì ông sợ có ngày ông sẽ dùng nó để cắt mạch máu ở tay hay ở cổ khi rơi vào cơn buồn rầu. Thời còn trẻ, ông Lincoln đã nhiều lần nhắc đến hành động quyên sinh.”
Ông Mc Govern nói nỗi buồn sâu xa nơi ông Lincoln là một nét mà dường như ông Obama không chia sẻ, Tổng Thống đương nhiệm dường như có một khả năng đáng nể là duy trì được sự bình an của mình trong những cơn sóng gió.
Sử gia Goodwin cho rằng chính sức mạnh nội tại lạ thường của Tổng Thống Abraham Lincoln đã giúp ông duy trì được tình đoàn kết quốc gia vào thời điểm nguy kịch nhất của đất nước, là cuộc nội chiến.
Sử gia Goodwin nhận định: “Tôi tin rằng điều mà chúng ta chứng kiến khi coi lại câu chuyện về cuộc đời ông, trong tư cách một người đã liên tục chiến thắng chống lại mọi nghịch cảnh. Văn hào Ernest Hemingway đã từng viết ‘tất cả mọi người ai cũng bị cuộc sống làm cho tan nát, nhưng sau đó, một số người vẫn mạnh mẽ ở các mảnh vụn còn lại’.”
Trong quyển 'Team of Rivals', xin tạm dịch là 'Một Toán Đối thủ', sử gia Goodwin mô tả đường lối Tổng Thống Lincoln đã đưa vào Nội Các của ông tất cả các đối thủ chính yếu từng tranh sự đề cử với ông trong Đảng Cộng Hòa để ra tranh chức Tổng Thống.
Lúc bấy giờ, Tổng Thống Lincoln nhấn mạnh rằng đất nước đang cần đến những trí tuệ lớn nhất có thể được. Bà Goodwin nói Tổng Thống Obama đang theo chân vị anh hùng của mình về điểm này.
Bà Goodwin nói: “Ông Obama nhớ đến những gì Tổng Thống Lincoln đã làm, khi ông quyết định chọn các nhân đầy quyền lực với cá tính mạnh mẽ để làm việc với ông, chẳng hạn, ông đã chọn bà Hillary Clinton vào chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, ông Joe Biden làm Phó Tổng Thống, và đã đề nghị đưa 3 dân biểu Đảng Cộng Hòa làm các cộng sự viên thân cận hàng đầu của mình.”
Một số nhà phân tích và sử gia cảnh giác rằng hãy còn quá sớm chưa thể mang ông Barack Obama ra so sánh với Tổng Thống Abraham Lincoln, vì lẽ ông Obama chỉ mới vào Tòa Bạch Ốc có non một tháng, và khả năng lãnh đạo của ông chưa thực sự được trắc nghiệm. Tuy nhiên, ông George Mc Govern nói ông tin rằng Tổng Thống Abraham Lincoln sẽ rất vui mừng, nếu ông được chứng kiến ông Barack Obama bước vào Tòa Bạch Ốc.
Bà Goodwin nói: “Mặc dù Tổng Thống Abraham Lincoln là một thành viên của đảng Cộng Hòa, và ông Barack Obama là người của Đảng Dân Chủ, tôi biết chắc Tổng thống Lincoln sẽ bầu cho ai nếu ông được tham gia cuộc bầu cử năm 2008. Tôi tin rằng Tổng Thống Lincoln sẽ vui mừng khi chứng kiến một người gốc Châu Phi nắm chức vụ cao nhất nước. Tôi chẳng nghi ngờ một mảy may nào.”
Tổng Thống Obama đã vinh danh Tổng Thống Abraham Lincoln tại Điện Capitol. Dịp này, ông Obama tuyên bố ông cảm thấy đặc biệt biết ơn đối với nhân vật mà theo nhiều cách, đã giúp cho câu chuyện đời ông trở thành hiện thực.
Tổng Thống Abraham Lincoln đã ký vào Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ, hạ lệnh phải trả tự do cho các nô lệ ở các bang miền Nam, vốn không thừa nhận quyền của ông Lincoln trong cương vị Tổng Thống Hoa Kỳ. Nhưng chính quyết định đó của Tổng Thống Lincoln, sau này đã dẫn đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment